Sẽ cắt điện, nước ngăn dân vào ở chung cư vi phạm PCCC

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Trường Phong
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Trường Phong
TPO - “Phối hợp với đơn vị cung ứng điện, nước. Nếu công trình không đủ điều kiện thì không cấp điện, nước. Như thế không có điều kiện để người dân đến ở nữa”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Sáng 27/3, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội tổ chức giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về vận hành, quản lý chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân. Theo báo cáo, trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện có 89 tòa nhà chung cư tái định cư và chung cư thương mại.

Từ việc quản lý, vận hành các tòa nhà này có nhiều vấn đề phát sinh như khó khăn trong thành lập các ban quản trị, quản lý quỹ 2%, một số tòa nhà chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có dân đến ở...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, rất khó áp dụng biện pháp cứng rắn với các chung cư. Về cơ bản, một chung cư khi hình thành liên quan đến trách nhiệm của các sở ngành như Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, PCCC, TN&MT. “Nếu quản lý cư dân gây mất an ninh trật tự thì chúng tôi không thoái thác trách nhiệm”, ông Lưu nói.

Về vấn đề thành lập ban quản trị các tòa nhà, ông Lưu cho rằng theo quy định, mỗi tòa nhà có thể thành lập một ban quản trị, cũng có thể cả khu thành lập một ban quản trị. “Nếu mỗi tòa thành lập một ban quản trị thì chia kinh phí bảo trì 2% như thế nào. Riêng lấy ý kiến các hộ dân đã mất một năm”, ông Lưu nói.

Cũng theo ông Lưu, theo quy định, mỗi cuộc họp phải có ít nhất 2/3 số cư dân. Nếu đủ 2/3, khoảng 600 người có mặt cùng lúc thì có chỗ nào chứa hết được, mà cũng không có lúc nào có đủ được 2/3 dân cư.

“Tiêu chí của người làm ban quản trị thế nào cũng chưa có. Hầu như mọi người bầu những người lớn tuổi, những người lớn tiếng đấu tranh với chủ đầu tư”, ông Lưu nói thêm.

Ông Lưu chia sẻ lo ngại khi một số chung cư trên địa bàn có tình trạng chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Theo ông Lưu, không thể cứ đứng ở cửa chung cư để không cho người dân vào ở. Chủ đầu tư cho dân vào, đúng là có trách nhiệm của chính quyền.

Ông Lưu giải thích, có tình trạng này là do chủ đầu tư quảng cáo, cam kết với người dân về thời hạn giao nhà. Nhiều người dân căn cứ thời hạn đó đã bán nhà từ trước để chuyển đến nhà mới.

Nếu cưỡng chế người dân thì phải tìm chỗ ở tạm cho họ. Thế thì rất khó. Cái này liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ công trình, phải có xử phạt. Nếu chủ đầu tư làm không đúng hợp đồng, cư dân có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi”, ông Lưu nói thêm.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn không đồng ý với việc “không có cách làm” đối với các chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Ông Tuấn yêu cầu phải quyết liệt, nghiên cứu chế tài xử phạt, đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho nhân dân và cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tham khảo Sở Tư pháp, có thể Sở Xây dựng sẽ chủ trì, làm việc với các đơn vị cung ứng điện, nước cho các tòa chung cư chưa nghiệm thu về PCCC.

“Phối hợp với đơn vị cung ứng điện, nước. Nếu công trình không đủ điều kiện thì không cấp điện, nước. Như thế không có điều kiện để người dân đến ở nữa”, ông Dũng nói thêm.

MỚI - NÓNG