Với lệnh cấm các trường tổ chức thi tuyển đầu cấp, Bộ GD-ĐT muốn ngăn chặn tình trạng quá tải do luyện thi ồ ạt vào các trường “hot” tại các thành phố lớn.
Tuy nhiên, việc bỏ thi tuyển thay bằng xét tuyển lại dẫn tới việc mưa điểm 10 trong các học bạ đẹp và tình trạng chay đua các giải thưởng trên cả nước để được tuyển thẳng.
Đánh giá năng lực chứ không phải thi văn toán
Ngày 18-12, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014. Theo đó, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của dự thảo là nội dung liên quan đến tuyển sinh vào lớp 6.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo sửa đổi, bổ sung lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD-ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Theo Thông tư 11/2014 do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký thì khoản 2, điều 4 quy định về tuyển sinh THCS là theo “phương thức xét tuyển”.
Trả lời báo chí khi đó, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chủ trương của bộ là cấm tuyệt đối các trường thi tuyển vào lớp 6. Các trường có lượng học sinh đăng ký đầu vào lớn hơn chỉ tiêu thì trình phương án xét tuyển để các cấp có thẩm quyền quyết định.
Trước quy định này của Bộ GD-ĐT, các trường “nóng” tuyển sinh đầu cấp phải loay hoay nghĩ phương án tuyển sinh khi hồ sơ đăng ký lên tới hàng nghìn trong khi chỉ tiêu chỉ có mấy trăm học sinh.
Năm học 2017-2018, trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có chỉ tiêu tuyển sinh 200 em, số hồ sơ nộp vào hơn 2.000 em; Trường THCS Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh 600 em, số hồ sơ nộp vào 4.000 em; Trường THCS Cầu Giấy tuyển sinh 280 em, hồ sơ nộp vào khoảng 600 em…
Lãnh đạo Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, hiện tượng nhà trường tiếp nhận đến khoảng 1.000 hồ sơ đạt điểm tuyệt đối (đặc biệt ở môn Toán và Tiếng Việt) suốt 5 năm tiểu học bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 khi Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6.
Do có cả nghìn hồ sơ nộp vào đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có 600 nên nhà trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để chọn lọc. Nhưng nhà trường lại rơ vào tình trạng nhà trường gặp “mưa” giải thưởng bởi cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường, 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thể dục thể thao, giấy chứng nhận ngoại khóa…
Cởi trói và siết chặt
Do đó, với đề xuất mới tại Dự thảo này của Bộ GD-ĐT, sẽ “cởi trói” cho các trường “hot” khi quy định được áp dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang cho rằng việc cấm thi vào lớp 6 khiến các trường có lượng học sinh đăng ký dự tuyển quá đông phải xem xét điểm cộng với những học sinh đoạt các giải thưởng.
Tuy nhiên sức thuyết phục của các giải thưởng để được cộng điểm không cao lắm. Theo ông Nguyễn Xuân Khang, nếu cho phép thi tuyển và giao cho các trường xây dựng phương án thì trường sẽ nghiên cứu nghiêm túc để có phương án tuyển sinh tránh căng thẳng, hạn chế được việc học sinh tiểu học phải vất vả luyện thi.
Cũng theo quy định mới lần này, các giải thưởng được siết chặt hơn, tức chỉ tuyển thẳng những học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay sẽ hạn chế tình trạng trường “đau đầu” vì “mưa” giải thưởng.
Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, ngoài những đối tượng được nêu trong quy định hiện hành, đối với học sinh đạt giải các cuộc thi, nếu quy định hiện hành chỉ yêu cầu: “Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học”, thì dự thảo sửa đổi quy định chặt hơn.
Theo đó: “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT”. Như vậy, chỉ tuyển thẳng những học sinh đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay.
Quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung thêm điều 4: “Sở Giáo dục - Đào tạo quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10”.