Scrapbook- trò chơi sáng tạo, yêu thương

Linh Quyên (bên phải) và em gái sẵn sàng hướng dẫn cho các bạn trẻ làm scrapbook Ảnh: U.P
Linh Quyên (bên phải) và em gái sẵn sàng hướng dẫn cho các bạn trẻ làm scrapbook Ảnh: U.P
Scrapbook (album ảnh) du nhập vào Việt Nam đã khá lâu nhưng không rầm rộ như các trào lưu ngoại nhập khác. Scrapbook là một trò chơi của sáng tạo kết hợp cùng yêu thương, khiến giới trẻ ngày càng yêu thích, thử sức.

Sáng tạo không giới hạn

 Lần đầu tiên lạc vào thế giới scrapbook của Sorella Corner (Thành Thái, Q.10, TPHCM), tôi bị cuốn hút ngay từ đầu bởi những bộ album làm thủ công từ tranh ảnh đầy sáng tạo. Giới thiệu về những bộ ảnh cưới đang làm dở, Nguyễn Thị Linh Quyên, quản lý Sorella Corner cho biết, ngày càng có nhiều đôi bạn trẻ đến đặt hàng làm để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của tình yêu lứa đôi.


Trong một lần đi du lịch, Linh Quyên và em gái tình cờ thấy những cuốn nhật ký làm bằng tranh trong một cửa hàng bán đồ thủ công. Với ý nghĩ mình có thể sáng tạo được hơn nữa, trở về Linh Quyên quyết định mở cửa hiệu Sorella Corner. “Vốn đam mê những sản phẩm làm bằng tay, em lên các trang mạng nước ngoài tìm hiểu thêm và tự tay thiết kế mẫu scrapbook cho riêng mình. Và em đã mở một cửa hiệu nhỏ ở Sài Gòn dành riêng cho những ai đam mê món thủ công này” - Quyên nói.


Tại cửa hàng Scrapbook MyLove (Lê Văn Quới, Q. Bình Tân, TPHCM), chuyên kinh doanh nguyên phụ liệu làm đồ handmade (làm bằng tay), nhiều bạn trẻ tìm đến học làm scrapbook. Chị Thu Thảo, nhân viên của hàng cho biết, ngày cuối tuần mỗi tháng, cửa hàng tổ chức các buổi hướng dẫn làm scrapbook miễn phí. Người đến tham gia không phân giới tính, độ tuổi. Có người làm để tặng cho bạn gái, người thì tặng cho người thân ở nước ngoài; có bạn tạo scrapbook với những tấm ảnh cưới trắng đen rất cũ của ba mẹ, làm món quà bất ngờ nhân kỷ niệm ngày cưới của đấng sinh thành…


“Thay vì chỉ rửa ảnh và đưa vào album một cách đơn điệu thì ở scrapbook, chúng tôi lồng ghép vào đó những phụ kiện trang trí, giúp album thêm sống động và đẩy cao tính cảm xúc cho hình ảnh ta muốn lưu giữ lại. Quan trọng là ý đồ sắp đặt của từng người để tạo linh hồn cho sản phẩm. Mỗi sản phẩm là một câu chuyện riêng, chất chứa những kỷ niệm đẹp nhất” - chị Thảo nói.


Scrapbook không chỉ là tên một sản phẩm làm handmade, mà nó còn chứa đựng tinh thần, sự sáng tạo và cả tình cảm của người đam mê làm scrapbook đặt trong đó. Theo những “tín đồ” mê đồ thủ công, scrapbook là một trò chơi của trí sáng tạo kết hợp cùng sự yêu thương. 

Có ý nghĩa nhất khi tự tay làm

 Theo Linh Quyên, chơi scrapbook không khó, quan trọng là người chơi phải đặt vào đó tất cả tình cảm và sự nâng niu những khoảnh khắc. Bởi mỗi sản phẩm là duy nhất, nó thể hiện được con người, cuộc sống của bạn và thể hiện tính thẩm mỹ riêng trên từng trang album.


Ở Việt Nam, nhiều hội nhóm, cộng đồng scrapbook đã được thành lập, số lượng thành viên tham gia lên đến vài nghìn người. Ngoài ra còn có các nhóm nhỏ học làm scrapbook tại các cửa hàng mua bán các sản phẩm làm đồ thủ công.


Bạn Nguyễn Thi Mai, thành viên hội Scrapbooker Việt Nam cho hay, các bạn trẻ thời nay có nhiều cơ hội đi đó đi đây khắp trên thế giới. Khi bắt gặp scrapbook, họ đã tìm hiểu và đem trò chơi này chia sẻ với bạn bè, trên các trang mạng xã hội. Từ đó dấy lên làn sóng làm scrapbook. Ở các nước phương Tây, scrapbook đã được nâng tầm lên thành một bộ môn nghệ thuật và có hẳn một ngành công nghiệp đứng sau nó, chuyên sản xuất những nguyên liệu phụ kiện với nhiều chủ đề đa dạng và ý nghĩa. 


“Scrapbook là một hình thức để lưu giữ, bảo tồn những thông tin liên quan đến lịch sử cá nhân và gia đình trong định dạng của một cuốn sổ lưu niệm. Những kỷ vật điển hình được lưu giữ ở đây có thể bao gồm hình ảnh, thông tin báo chí và tác phẩm nghệ thuật. Album scrapbook thường xuyên được trang trí và chứa đựng những bút ký liên quan đến sự việc đang được lưu lại” - Thi Mai bộc bạch.


Võ Thị Diệu Linh (31 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TPHCM), nhân viên ngân hàng mỗi dịp rảnh lại nhận làm scrapbook cho khách. Theo như Linh nói, làm vì đam mê, không hẳn vì tiền. Khi làm cần tập trung cao độ, cắt dán, lắp ghép vào từng vị trí phải được “cân đo, đong đếm” một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. “Nhìn có vẻ dễ nhưng khi bắt tay vào làm không như vậy, chỉ cần một chút xê dịch, một chút lỡ tay, tác phẩm sẽ không thể hoàn thành”, Linh chia sẻ. 
Theo Diệu Linh, hiện rất nhiều bạn trẻ thích nhưng ngại làm scrapbook, phần vì không có thời gian, phần vì sợ mình làm không đẹp. “Nhưng các bạn cần hiểu, scrapbook là một loại hình handmade mang tính cá nhân. Vì vậy nó sẽ có giá trị tinh thần và ý nghĩa nhiều nhất khi mà người sở hữu nó tự tay mình thực hiện” - Linh nói thêm.

Theo giới yêu scrapbook, nguyên liệu được dùng để tạo thành một scrapbook, gồm các loại: giấy màu trơn (cardstock), giấy hoa văn (patterned paper), giấy có phủ ánh vàng (gold foil paper), sticker dạng nổi (chipboard sticker), nút kim loại có ghim (braids), hình họa tiết cắt sẵn (die-cuts),… Nhiều loại phải nhập từ châu Âu, giá khá đắt, từ 2-3 trăm nghìn đồng. Do đó, một sản phẩm hoàn chỉnh, giá có thể lên đến cả triệu đồng.

MỚI - NÓNG