SCIC khẳng định mô hình đầu tư tài chính hiện đại

Ông Phạm Viết Muôn (trái) Phó chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và Tổng giám đốc SCIC khai lụa bảng tên khai trương công ty SIC
Ông Phạm Viết Muôn (trái) Phó chủ nhiệm VPCP, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp và Tổng giám đốc SCIC khai lụa bảng tên khai trương công ty SIC
TP - Sau 6 năm thành lập, với những nỗ lực hết mình, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm thành lập.

> Những thương vụ thâu tóm, sáp nhập đình đám năm 2012
> Ông Trương Gia Bình được Thủ tướng tặng bằng khen

6 năm - Kết quả ấn tượng

Báo cáo năm 2012 của SCIC, các chỉ tiêu kinh doanh đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng (không tính khoản thu cổ tức 2.100 tỷ đồng đã nộp thuế trước khi chuyển về SCIC), tăng 83%.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân đạt 22%, tăng 32%. Trong bối cảnh năm 2012, nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, kết quả trên đáng ghi nhận.

Tổng vốn đầu tư của SCIC đến nay đạt gần 9.300 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu của các DN; góp vốn thành lập DN mới; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như: năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao...

Tổng công ty hợp tác cùng Tập đoàn Điện lực (EVN) đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh; đang xúc tiến phối hợp với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm như trụ sở Bộ Ngoại giao ở nước ngoài, một số cảng biển, tuyến đường quan trọng; xem xét và báo cáo Thủ tướng để mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số Tập đoàn, Tổng công ty…

Đánh giá chung danh mục đầu tư của Tổng công ty tại thời điểm 31- 12 - 2012 với tổng giá trị theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng, chênh lệch tăng 36.000 tỷ đồng cho thấy hoạt động đầu tư của SCIC không những bảo toàn vốn nhà nước được giao mà còn tăng trưởng, đạt hiệu quả khá cao.

Nhìn lại, kết quả kinh doanh của SCIC trong hơn 6 năm qua khá ấn tượng. Các chỉ tiêu tài chính như doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đều tăng gấp nhiều lần so với thời điểm thành lập.

Trong đó, tổng tài sản tăng hơn 10 lần (từ gần 6.000 tỷ đồng lên hơn 62.000 tỉ đồng) do tăng vốn chủ sở hữu và tập trung đôn đốc thu nợ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN Trung ương. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần 7,5 lần (từ khoảng 3.700 tỷ đồng lên 27.700 tỷ đồng) do bổ sung vốn điều lệ, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn.

Phát huy mô hình SCIC

Mới đây, Nghị định số 99/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đã khẳng định vai trò của SCIC trong việc tiếp nhận và quản lý phần vốn Nhà nước tại DN.

Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ, thể chế cho hoạt động của SCIC, trong đó có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ mới của SCIC dự kiến trình Chính phủ ban hành trong Quý I năm 2013.

Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc SCIC Lại Văn Đạo, một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch năm 2013 trên cơ sở Nghị định và Điều lệ mới của SCIC, Tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng Chiến lược Phát triển của Tổng công ty đến 2020, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược trên nguyên tắc hiệu quả, trong đó quan tâm đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản..., tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Đối với các DN thuộc danh mục quản lý, SCIC sẽ tiếp tục đẩy nhanh công tác thoái vốn tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản trị DN thông qua hoàn thiện hệ thống Người đại diện và tăng cường cử cán bộ SCIC đến các DN quan trọng, đang gặp khó khăn hoặc có nhiều tồn tại cần giải quyết nhằm quản lý chặt chẽ hiệu quả vốn Nhà nước tại DN.

Thành lập Công ty Đầu tư SCIC (SIC)

Ngày 16- 10- 2012, Hội đồng Thành viên SCIC ra QĐ thành lập công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC). Công ty Đầu tư SCIC do SCIC là chủ sở hữu, hợp nhất báo cáo tài chính với SCIC, được SCIC cấp vốn điều lệ để hoạt động. Công ty Đầu tư SCIC thực hiện đồng thời 2 chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án. Vốn điều lệ ban đầu là là 1.000 tỷ đồng; được bổ sung trong quá trình hoạt động theo tiến độ trong 03 năm, năm đầu cấp tối đa 500 tỷ đồng. Vốn điều lệ được phân bổ theo từng năm tùy theo nhu cầu vốn Chủ sở hữu cho hoạt động kinh doanh của Công ty, dự kiến góp đủ trong 03 năm kể từ ngày thành lập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.