Sau vụ Tomahawk, xuất hiện động thái mới của Mỹ trên chiến trường Syria

Ảnh: Army
Ảnh: Army
TPO - Việc Mỹ triển khai Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) tới căn cứ tại Al-Tanaf ở miền Đông Syria là động thái thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới trong việc tăng cường hiện diện quân sự tại Syria thời gian tới.

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao

Hệ thống HIMARS của Mỹ được đánh giá là một trong những loại vũ khí phóng loạt nguy hiểm nhất hiện nay, ngoài đạn rocket, Hệ thống này còn có khả năng phóng tên lửa chiến thuật đáng sợ tầm ngắn MGM-140 với tầm bắn xa 300km, cùng một đầu đạn nặng tới 560 kg.

Theo các thông số kỹ thuật, Hệ thống HIMARS có thể bắn đồng thời 6 tên lửa với tầm xa tối đa hơn 70 km. Tuy nhiên, nếu phóng đơn lẻ từng quả tên lửa, tầm xa có thể lên tới 300km.

Hệ thống HIMARS chính là biến thể thu gọn của loại pháo phản lực M270 nhưng dùng khung gầm bánh lốp 6x6 thay vì bánh xích. Xe được lắp động cơ diesel Caterpillar 3115 ATAAC dung tích 6,6 lít có công suất 290 mã lực cho tốc độ tối đa 85 km/h, tầm hoạt động 480 km. Phương tiện này leo được dốc 60 độ, vượt chướng ngại vật cao 0,6m và và lội nước sâu 0,9 m.

Trước khi tiếp tục được triển khai tại miền Đông Syria, Mỹ đã từng sử dụng Hệ thống HIMARS để tấn công các tay súng phiến quân từ các căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. 

Phản ứng của Nga

Nga cho rằng, việc Mỹ triển khai Hệ thống HIMARS tới khu vực miền Đông Syria là một động thái nhằm chống lại quân đội chính phủ Syria. 

Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ "Mỹ đã chuyển hai bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS từ Jordan tới căn cứ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Al-Tanaf". Moskva nhấn mạnh việc triển khai bất cứ vũ khí từ nước ngoài nào trên lãnh thổ Syria, đặc biệt là các hệ thống pháo phản lực, cần phải nhận được sự đồng ý từ chính quyền Damacus.

Bộ quốc phòng Nga tỏ ý hoài nghi về mục tiêu thực sự mà quân đội Mỹ đang theo đuổi tại quốc gia Trung Đông này, đặc biệt trong bối cảnh lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu nhiều lần tấn công quân đội Chính phủ Syria ở khu vực gần biên giới. Theo tin từ Bộ quốc phòng Nga, thời gian tới, rất có thể Mỹ sẽ sử dụng Hệ thống HIMARS cho các cuộc tấn công tương tự. 

Mục đích thực sự của Mỹ

Đại tá Ryan Dillon, người phát ngôn của liên minh do Mỹ đứng đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria, cho biết các lực lượng liên minh vẫn thường xuyên triển khai tuần tra trong phạm vi 100km xung quanh Tanf - khu vực chiến lược gần biên giới giữa Syria và Iraq.

Ông Abu al-Atheer, phát ngôn viên của lực lượng chống đối Maghawir al-Thawra được Mỹ hậu thuẫn, cho biết quân đội Mỹ đang có kế hoạch lập một căn cứ quân sự thứ hai ở Zakf, cách Tanf khoảng 60-70 km về phía Đông Bắc. Mỹ sẽ điều thêm binh sĩ tới hai căn cứ quân sự tại Tanf và Zakf, đồng thời chuyển giao thêm khí tài cho các lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn ở Syria. 

Trước đó, hồi cuối tháng Một vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp, trong đó kêu gọi xây dựng “một chiến lược toàn diện và các kế hoạch cụ thể để đánh bại IS”. Đến cuối tháng 2 vừa qua, Lầu Năm Góc đã đưa ra dự thảo khung cho một kế hoạch rộng lớn hơn để đánh bại IS, và hiện tại chi tiết của tài liệu này vẫn đang được bảo mật.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự thế giới, động thái này của Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ điều thêm lực lượng và khí tài quân sự Mỹ tới Syria trong thời gian tới.

Việc Mỹ tiếp tục triển khai Hệ thống HIMARS trên các khu vực khác nhau tại Syria báo hiệu cán cân sức mạnh quân sự giữa các bên đặc biệt là giữa Nga và Mỹ trên chiến trường Syria sẽ có sự thay đổi rõ nét trong thời gian tới.

Cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Shayrat, tại tỉnh Homs của Syria diễn ra vào lúc 4h40, ngày 7/4 (giờ địa phương).

Từ biển Địa Trung Hải, các khu trục hạm Ross và Porter đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào mục tiêu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, vụ tấn công nhằm trả đũa cho vụ tấn công hóa học vừa xảy ra ở Idlib mà Washington đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng sau vụ này.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cũng cho rằng, việc phóng tên lửa của Mỹ nhằm vào sân bay quân sự Syria không đạt hiệu quả bởi chỉ có 23 trong tổng số 59 tên lửa Tomahawk nhằm trúng mục tiêu.

MỚI - NÓNG