Sáu sự kiện quân sự thế giới nổi bật năm 2015

Nga lần đầu không kích chống IS, đấu pháo giữa 2 miền Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga là 3 trong những sự kiện tác động mạnh đến tình hình thế giới năm 2015.

Nga tham gia không kích IS

Ngày 30/9, Không quân Nga tuyên bố tiến hành chiến dịch không kích chống lại các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Moscow triển khai đến Syria 12 cường kích Su-24, 12 cường kích Su-25, 6 tiêm kích bom Su-34, 4 tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-30SM, 12 trực thăng tấn công Mi-24, 4 trực thăng vận tải Mi-8.

Cường kích Su-24 của Nga trong một phi vụ không kích IS. Ảnh: RT.

Không quân Nga đã thực hiện hàng nghìn phi vụ không kích tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của IS như trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện, kho tàng.

Ngày 7/10, 4 tàu chiến Hải quân Nga ở biển Caspian phóng 26 tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M -14 Kalibr tấn công các mục tiêu IS ở Syria từ khoảng cách 1.500 km. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Nga sử dụng tên lửa hành trình trong thực chiến kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Chris Harmer, nhà phân tích hải quân cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, Mỹ, nhận định với Foreign Policy rằng phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất là một vũ khí mang tính chính trị nhắm vào Washington hơn là để chống IS. "Họ sử dụng nó để cho thế giới thấy rằng họ có khả năng đó", ông nói. 

Đến cuối tháng 11, Không quân Nga điều động phi cơ ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95, Tu-22M3 oanh kích dữ dội các vị trí đóng quân của IS.

Mark Galeoti, giáo sư tại Đại học New York, đánh giá ngoài việc ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đang thử nghiệm các công nghệ và cách thức hoạt động mới. Việc tăng cường quân sự của Nga ở Syria góp phần đáng kể trong việc tiêu diệt sức mạnh của IS. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cuộc nội chiến ở Syria trở nên phức tạp hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga


Ngày 24/11, tiêm kích F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 Fencer của Nga đang làm nhiệm vụ dội bom IS. Phía Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm nhập không phận trong vòng 17 giây. Trong khi đó, phía Nga cũng đưa ra bằng chứng phủ nhận vấn đề.

Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, không quân một nước NATO bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga. Sự việc đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao chưa từng có giữa Moscow và Ankara. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động của Ankara là “đâm sau lưng và đồng lõa với khủng bố”.

Chiến đấu cơ Su-24 bốc cháy dữ dội sau khi trúng tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BBC.

Ngay sau sự cố Su-24, Tổng thống Putin ra lệnh tăng cường phòng không tại Syria và triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 đến bảo vệ sân bay Latakia. Ngoài ra, Moscow áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi các biện pháp trừng phạt của Nga là “cảm tính và không phù hợp”. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Nga áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ khiến nước này thiệt hại nhiều hơn.

Giáo sư quan hệ quốc tế Stanislav Tkachenko thuộc Đại học St. Petersburg cảnh báo “bất kỳ động thái nào gây thiệt hại kinh tế cho Ankara cũng sẽ bị trả đũa tương xứng”

Giới phân tích nhận định, căng thẳng ngoại giao giữa Moscow và Ankara sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho cả 2 nước trong năm 2015 cũng như năm 2016 nếu tình hình không sớm được cải thiện. 

Mỹ điều tàu khu trục đến đảo nhân tạo trên Biển Đông

Ngày 27/10, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Lassen (DDG-82), lớp Arleigh Burke đã đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Việc Washington điều động tàu hải quân đi ngang vùng 12 hải lý là hành động mạnh nhất của Mỹ nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng  gay gắt trước động thái điều tàu đi ngang vùng 12 hải lý của Mỹ.

Tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Lassen trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Châu Hải Toàn nói rằng Mỹ cần phải kiềm chế để không nói hoặc làm bất cứ hành động khiêu khích nào, đồng thời hành động có trách nhiệm nhằm duy trì và ổn định trong khu vực.

Bên cạnh việc phản đối bằng ngoại giao, Hải quân Trung Quốc còn điều động 2 tàu khu trục theo dõi từ xa hoạt động của tàu chiến Mỹ.

Trong khi đó, giới chức và nghị sĩ Mỹ tiếp tục khẳng định lập trường của nước này. Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng sẽ là sai lầm nguy hiểm nếu Mỹ tiếp tục hạn chế hải quân đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. "Việc này gián tiếp thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh xung quanh các đảo nhân tạo", ông nói.

Tạp chí Diplomat nhận định việc Washington điều động tàu chiến đi qua vùng 12 hải lý cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề. Đầu tiên là khẳng định cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải. Tiếp đến là phủ nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Đấu pháo giữa 2 miền Triều Tiên

Ngày 20/8, Triều Tiên bất ngờ nã pháo vào chốt quân sự gần hệ thống loa phóng thanh của Hàn Quốc triển khai dọc biên giới. Ngay sau đó, Hàn Quốc đã bắn hơn 10 phát đạn pháo 155 mm đáp trả. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến tranh chống lại Hàn Quốc.

Cùng ngày, Bình Nhưỡng ra tối hậu thư cho Seoul trong vòng 48 giờ phải tháo dỡ hệ thống loa dọc biên giới, nếu không nước này sẽ có thêm hành động quân sự. Tối hậu thư của Bình Nhưỡng đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên lên mức căng thẳng chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.

Pháo binh Hàn Quốc bắn trả Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.

Phía Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích của Triều Tiên. Mỹ cũng tuyên bố bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Tuy nhiên, sau đó, 2 bên đã tiến hành đàm phán hạ nhiệt căng thẳng. Giới phân tích nhận định, chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” là biện pháp mà Bình Nhưỡng vẫn thường áp dụng nhằm đạt được một số mục đích trong mối quan hệ với Seoul.

Chiến thuật này không phải là mới, nhưng mỗi lần Bình Nhưỡng sử dụng nó đều khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên rơi vào thế nguy hiểm.

Nga khoe loạt tăng thiết giáp mới

Cuộc diễu binh tại Quảng trường Đỏ trong tháng 9 thu hút sự chú ý đặc biệt từ dư luận nước Nga cũng như quốc tế. Lần đầu tiên, quân đội Nga công khai một loạt vũ khí mới sau nhiều năm phát triển một cách bí mật.

Nổi bật trong các vũ khí mới là xe tăng chiến đấu chủ lực T-14, xe chiến đấu bộ binh T-15 thuộc dự án khung gầm hạng nặng thống nhất Armata.

Xe tăng T-14 của Nga trong lễ diễu binh trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Sputnik.

Các kỹ sư Nga đã đạt được bước đột phá lớn trong thiết kế xe tăng thiết giáp. T-14 sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa hiện đại cùng hệ thống hỏa lực cực mạnh mang lại sức mạnh tác chiến vượt trội. Giới phân tích quân sự phương Tây nhận định, T-14 vượt trội so với các mẫu tăng thiết giáp hiện có của NATO.

Armata là dự án xe tăng lớn nhất được phát triển dưới thời hậu Xô Viết. Tờ Jane’s Defence Weekly (Anh) nhận xét dự án Armata là thiết kế mới, sự thay đổi đáng kể nhất trong các phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga kể từ thập niên 60-70.

Đánh giá về những vũ khí mới của Nga, Washington Post nhận định, người Nga đã thành công trong việc thêu dệt câu chuyện bí ẩn xung quanh dự án Armata. Điều đó sẽ tạo nên bước đột phá trong xuất khẩu vũ khí của họ. 

Trong khi đó, Financial Times cho rằng, thông qua việc giới thiệu các loại vũ khí mới, Tổng thống Vladimir Putin muốn gửi thông điệp mạnh mẽ đến các nước trên thế giới. Lực lượng mặt đất, một phần của lực lượng vũ trang Nga bắt đầu thể hiện khác biệt từ kết quả chương trình hiện đại hóa.

Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới

Ngày 18/9, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới cho phép lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Dự luật mới nhấn mạnh đến việc mở rộng hợp tác với Washington, đồng minh thân cận nhất của Tokyo nhằm thực thi quyền phòng vệ tập thể.

Tàu khu trục của lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: JMSDF.

Theo luật mới, SDF có quyền tiến hành các hoạt động quân sự trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công, hoặc có mối nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia Nhật. Ví dụ, nếu tuyến vận tải biển của nước này qua khu vực Trung Đông bị phong tỏa, lực lượng Phòng vệ biển (JMSDF) có thể triển khai tàu chiến đến khu vực này để bảo vệ.

Trước và sau khi dự luật được thông qua, dư luận trong và ngoài nước Nhật phản ứng rất khác nhau về văn kiện mang tính bước ngoặt này. Trong khi Bắc Kinh lên tiếng phản đối dự luật và cho rằng, luật sẽ mở đường cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt. Trái lại, Washington hoan nghênh những thay đổi tích cực ở Tokyo, luật sẽ là cột mốc quan trọng giúp liên minh Mỹ - Nhật trở nên vững chắc hơn.

Các học giả trên thế giới đều cho rằng, luật an ninh mới là bước ngoặt lớn nhất của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Nó sẽ tác động rất lớn đến tình hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong những năm tiếp theo.

Nishi Osamu, giáo sư danh dự tại Đại học Komazawa, Nhật Bản nhận định, luật mới sẽ giúp  liên minh quân sự Mỹ - Nhật trở nên vững chắc hơn, qua đó góp phần định hình an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.

Theo Theo Zing