Suốt thời gian cô ấy mang bầu, tôi đã rất đau đầu với nghi ngờ: Cái thai trong bụng vợ là con mình hay con tình địch? Cũng chính bởi nghi ngờ này mà tôi đã không thể chăm sóc cô ấy toàn vẹn. Có hôm tôi còn bù khú rượu chè với bạn bè đến 10h đêm mới về, nôn mửa ra đầy nhà khiến cô ấy lại phải vác bụng đi dọn.
Sau khi con sinh ra, giống tôi như lột đánh tan mọi nghi kỵ của tôi. Tuy nhiên, điều khiến tôi bất ngờ là khi hết thời gian ở cữ, tôi muốn gần gũi thì cô ấy từ chối thẳng thừng. Tôi nghĩ có thể do thức đêm chăm con nên cô ấy mệt. Song vài lần sau vợ tôi vẫn giữ thái độ như vậy. Tôi không hiểu vì sao và làm sao bây giờ?
Đức Bình (Hưng Yên)
Sinh con thường là biến cố trọng đại đối với bất cứ người phụ nữ nào. Đa phần là vui sướng với cục cưng mới ra đời. Tuy nhiên, có một số ít phụ nữ lại bị suy sụp tinh thần hay lo lắng buồn phiền thái quá sau khi sinh. Chứng bệnh này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi em bé chào đời.
Nó thường xuất hiện ở những phụ nữ nuôi con một mình hay những cặp vợ chồng không có người thân ở gần để giúp đỡ, nương tựa. Thay đổi nhà ở, việc làm trước khi sinh; ông xã không đỡ đần việc nhà, không ngó ngàng đến con hoặc điều kiện kinh tế khó khăn, lo sợ tiếp tục mang bầu… cũng dễ khiến người vợ bị suy sụp tinh thần.
Rất có thể, thái độ không quan tâm, nghi ngờ, bỏ rơi hai mẹ con cô ấy của bạn trong thời gian cô ấy mang bầu đã khiến cô ấy lâm vào chứng bệnh này. Vì vậy, bạn cần phải thay đổi thái độ với bà xã như: Chia sẻ đỡ việc nhà; bày tỏ thái độ quan tâm, chăm lo đến sức khỏe, tâm trạng của bà xã; thể hiện tình yêu thương của bạn với em bé…để cô ấy hiểu rằng những nghi kỵ trước đây của bạn là sai lầm và bạn đang muốn sửa sai…
Nếu đã khắc phục rồi mà triệu chứng của cô ấy vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn có thêm biểu hiện như: Ăn không thấy ngon hoặc không muốn ăn; có cảm giác hoang mang, bất ổn, không muốn đi ra ngoài hay gặp gỡ ai hoặc đột nhiên sợ hãi, không dám ở nhà một mình thì bạn cần phải đưa bà xã đến chuyên gia tâm lý hoặc tâm thần để cô ấy được giúp đỡ.