Sau phiên lao dốc, chứng khoán tuần tới ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thị trường chứng khoán có tuần thanh khoản cao nhất từ trước đến nay, nhưng VN-Index lại giảm 45 điểm ở phiên cuối tuần, thổi bay thành quả 2 tuần trước đó. Thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn là những lo ngại của giới phân tích cho chứng khoán tuần tới.

Tuần qua, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 28.160 tỷ đồng, tăng 19,08% so với tuần trước, là mức thanh khoản cao nhất lịch sử. Tuy nhiên, VN-Index lại giảm mạnh với áp lực bán áp đảo, đặc biệt ở phiên chỉ số lao dốc 45 điểm ngày 20/8.

Chuyên gia của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng, thanh khoản gia tăng cho thấy tâm lý muốn thoát khỏi thị trường của nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuần tới, dòng tiền có thể sẽ có sự sụt giảm đáng kể, khi nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn, nhất là lúc thị trường vẫn đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Nhóm phân tích của CTCK Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường vẫn có điểm tích cực trong phiên lao dốc ngày 20/8, dòng tiền vào bắt đáy xuất hiện, có thể kìm hãm đà rơi của chỉ số.

Theo chuyên gia của CTCK Ngân hàng BIDV (BSC), tuần tới (23-28/8), VN-Index sẽ kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 1.320 điểm, với 2 kịch bản. Nếu thành công, chỉ số duy trì xu vận động trong vùng 1320-1350 điểm. Nếu không, thị trường có thể điều chỉnh xuống ngưỡng hỗ trợ 1260 điểm.

Theo dữ liệu của Fiingroup, tuần qua, khối ngoại bán ròng cả 5 phiên với giá trị 5.667 tỷ đồng trên HoSE, tuy nhiên phiên thị trường lao dốc lại không phải ngày nhóm này bán ròng mạnh nhất.

Ngày 20/8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 733,2 tỷ đồng, chỉ bằng 38% phiên 18/8, nhóm này bán ròng 1881,9 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng tập trung vào nhóm bất động sản, gồm VIC, KBC, NVL, cùng với CTG, HPG, HCM, VNM, PVD, GMD. Ở chiều ngược lại, VHM lại là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất, bất chấp giá giảm và thông tin cổ đông lớn bán ra. Trên HNX và UPCoM, khối ngoại mua ròng lần lượt 63,9 và 16,4 tỷ đồng.

Phiên 20/8, khi thị trường lao dốc, khối ngoại và kể cả NĐT cá nhân bán ròng, thì tự doanh mua ròng hơn 743 tỷ đồng.

Với nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước, phiên lao dốc 20/8 là lần đầu tiên nhóm nay chuyển bán ròng sau liên tiếp 2 tuần mua ròng. NĐT cá nhân bán ròng 366,6 tỷ đồng, trong đó bán ròng khớp lệnh 190,5 tỷ đồng, tập trung vào nhóm ngân hàng, chứng khoán: VPB, SSI, TCB, STB, MBB, cùng MSN, MWG, DCG, VNM. Trái ngược với động thái bán ròng cổ phiếu bất động sản của khối ngoại, NĐT cá nhân mua ròng chủ yếu VHM, KBC, MHC, VIC, NVL, DIG.

Việc NĐT cá nhân liên tiếp mua ròng cổ phiếu bất động sản đến từ kỳ vọng hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công được những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 7/2021, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ (40%).

Không chỉ cổ phiếu bất động sản, vật liệu xây dựng cũng lọt tầm ngắm của nhà đầu tư. Đáng chú ý, cổ phiếu xi măng đồng loạt bứt phá với thanh khoản cải thiện rõ rệt, ngoài kỳ vọng đầu tư công, thì xi măng vẫn ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu giữa đại dịch. BCC của Xi măng Bỉm Sơn tăng giá hơn 53% sau 1 tháng, đóng cửa phiên 20/8 ở mức 15.000 đồng/ cổ phiếu. Phiên 9/8, khối lượng khớp lệnh của mã này mới ở mức 1,3 triệu cổ phiếu, thì sang 10/8 lập tức tăng vọt 5,6 triệu cổ phiếu/ phiên. Khối lượng giao dịch trung bình tuần qua hơn 2,5 triệu cổ phiếu/ phiên.

HT1 của Xi măng HT1 chỉ giảm 1,02% trong phiên 20/8 VN-Index lao dốc. Khối lương giao dịch tuần qua trung bình hơn 4 triệu cổ phiếu/ phiên, gần gấp đôi so với trung phiên theo tháng. Cũng như BCC, ngày 10/8 HT1 ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất 1 năm qua – 6,2 triệu cổ phiếu. Đây cũng là 2 mã thanh khoản vượt trội trong nhóm xi măng.

MỚI - NÓNG