Sự việc này được đưa ra ánh sáng khi chính phủ Nhật yêu cầu các nhà sản xuất ôtô kiểm tra hoạt động sản xuất sau nhiều bằng chứng cho thấy sự sai lệch trong các kết quả thử nghiệm của Subaru và Nissan năm ngoái. Quá trình sản xuất của các hãng ôtô đã được thắt chặt hơn sau khi tập đoàn Volkswagen AG của Đức thừa nhận đã cài phần mềm giả mạo kết quả khí thải trong hàng trăm nghìn xe Diesel ở Mỹ năm 2015, và có tới 11 triệu xe tương tự trên toàn thế giới.
Ở Nhật Bản, dù các nhà sản xuất ôtô không cần tổ chức đợt triệu hồi số lượng lớn lần nào, nhưng việc ngày càng có nhiều công ty vi phạm đã khiến hình ảnh của ngành sản xuất ôtô Nhật Bản hoen ố.
Trước đây, Suzuki, Mazda và Yamaha đã không kiểm tra kỹ tất cả các xe của mình và đã để lọt một số xe không đạt chuẩn (không được thử nghiệm trong điều kiện hợp lệ) vượt qua các bài thử.
Do đó, các nhà công ty này đã phải xem lại các thử nghiệm của mình đã thực hiện trong các giai đoạn khác nhau. Đối với Suzuki, họ phải bắt đầu từ các kết quả kiểm tra năm 2012. Trước đây, 3 hãng xe kể trên không có bất kỳ vấn đề lớn nào về lượng khí thải thực tế và độ tiết kiệm nhiên liệu của các xe bán ra ở Nhật và không đưa ra kế hoạch triệu hồi nào.
Sau khi xem xét lại, Suzuki (nhà sản xuất ôtô lớn thứ tư của Nhật) cho biết họ đã thử nghiệm 12.819 chiếc xe từ 6/2012, và 50% trong số đó đã không được thực hiện đúng cách.
"Chúng tôi thực sự xin lỗi khách hàng về sự giả mạo này và sẽ nỗ lực không tái phạm việc này", giám đốc điều hành của Suzuki, ông Toshihiro Suzuki nói trong cuộc họp báo. Tiếp theo, Mazda cho biết họ đã tìm ra sự bất thường trong 4% các thử nghiệm tương tự với hơn 70 chiếc xe. Còn đối với Yamaha là 2% và một số ít các xe không được kiểm tra đúng cách. Sau đó, cả 2 hãng xe này cũng đã xin lỗi các khách hàng của mình.
Sau sự việc này, cổ phiếu của Suzuki và Yamaha đều giảm, lần lượt là 6% và 5%, cổ phiếu Mazda giảm 1%.
Cách đây 1 tháng, Nissan cũng thừa nhận hãng đã không thực hiện thử nghiệm phát thải khí và tiết kiệm nhiên liệu đúng cách với 19 mẫu xe đang được bán ở Nhật Bản.
Ngoài ra, công ty Nhật khác như Kobe Steel, Mitsubishi Materials Corp và Toray Industries - 3 nhà cung cấp chính các bộ phận ôtô cho nhiều hãng xe trên toàn cầu - cũng đã thừa nhận giả mạo dữ liệu vào năm ngoái.