Sau những chai sữa đậu nành trên đường phố

Sau những chai sữa đậu nành trên đường phố
TP - Tiện. Rẻ. Quen. Đó là những lý do được người dân dùng sữa đậu nành bán ngay trên đường phố đưa ra. Nhưng ít người biết, đây là một sát thủ thầm lặng đang tấn công vào sức khỏe cộng đồng.

>> Sữa đậu nành bán rong: Bí mật "Ngon-bổ-rẻ"

Sau những chai sữa đậu nành trên đường phố ảnh 1
Một xe bán sữa rong đứng ngay trước cổng trường

Bẩn từ lò đến chợ

Khu bán sữa đậu nành tại chợ Bà Chiểu, Gia Định rất đông người mua bán từ sáng sớm. Phần đông là các bà nội trợ và những người từ các nhà hàng đến mua bỏ mối vì chợ Bà Chiểu là một chợ đầu mối lớn nhất khu vực Gia Định, TPHCM.

Tuy nhiên, mùi hôi hám của khu vực này rất đáng sợ. Dưới chân toàn sình lầy, khu bán sữa đậu nành nằm sát với khu chợ bán cá, bán rau. Cá và rau cùng đậu phụ, sữa đậu nành xếp từ trên sạp cao tràn xuống vỉa hè. Thêm vào đó là vài hàng bán mắm sống càng làm cho không khí trở nên nặng mùi hơn.

Đến trưa, nắng rọi vào các quầy bán sữa đậu nành, làm cho các bịch sữa trở nên nóng rực lên dưới nắng, cùng với khói ám lên từ các chảo chiên đậu với mớ dầu cũ kỹ vàng khè, bùn nhão nhoẹt dưới chân người đi… Cứ thế, nhưng không hiểu vì sao, ngày nào các bịch sữa đậu nành của các hàng chợ ở đây cũng bán hết. Nhiều bà mẹ vẫn mua sữa đậu nành ở đó về cho con ăn.

Gần chợ Bà Chiểu, ngay trên đường Phan Đăng Lưu có trường trung học Hà Huy Tập. Buổi sáng sớm, các ông bố, bà mẹ dựng xe trước cổng trường và cho tiền con vào mua sữa đậu nành uống. Xe sữa đậu nành với các chai nhựa PET tróc lở, móp méo rất đông khách.

Chị chủ hàng liên tục múc sữa từ một cái ca nhựa lớn đổ vào trong những bịch, những ly, bỏ đá, đường vào và đưa cho các em bé đứng xếp hàng. Mỗi ly sữa ở đây giá 2.000 đồng, một nửa là sữa, một nửa là đá. Hỏi thăm một bà mẹ đứng bên xe sữa chờ con uống, bà trả lời: “Quen mất rồi…”.

Một kết quả khảo sát từ Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho thấy hiện có 52,7% dân số của TPHCM dùng thức ăn đường phố hàng ngày. Có đến 85,7% địa điểm bán thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh do bán ở vỉa hè, lề đường, trong đó có 28,7% địa điểm nằm cạnh cống rãnh, nhà vệ sinh…

Cảnh mua bán sữa đậu nành là vậy, còn sản xuất thì sao?

Khoảng 3 giờ sáng, bà Sáu Già, một người làm trong lò sữa đậu nành tại phường 9, bến Phú Lâm, quận 6, TPHCM đã tíu tít làm việc. Hôm nay khách hàng đến lấy sữa bán buổi sáng rất đông. Hàng ngày lò sữa này cung cấp sữa bán sỉ cho các quán cơm, quán giải khát và các nhà trẻ ở khu vực lân cận… Ước chừng hàng ngày có đến vài trăm lít sữa được chuyển đi.

Lò sữa của bà Sáu chỉ chừng độ 10m2, rất chật hẹp. Vì vậy mà bà và 4 người cùng làm phải xoay ra vỉa hè và vỉa hè trở thành nơi sản xuất và kinh doanh lý tưởng của bà Sáu.

Độ 10 giờ sáng, các bà ve chai đi qua lò của bà Sáu để cung ứng vỏ chai. Một bà đặt cái vỏ chai xuống vỉa hè, ngay sát đống chai đựng sữa của bà Sáu già. Bà Sáu dừng tay đặt sữa và móc trong túi ra 1.500 đồng trả cho cái chai đó. Rồi bà ra hiệu, lập tức một cô bé người làm từ lề chạy sang nhặt cái chai lên, mang về súc rửa sơ sài ngay bên lề kia của hẻm.

Cái vỏ chai sau 5 phút được chuyền lại cho bà Sáu Già. Bà lập tức trút sữa đậu nành nóng đựng trong các thùng (vốn là thùng chứa sơn xây nhà) vào chai. Xung quanh bà, để la liệt trên nền đất là các vỏ chai đang vô sữa. Sữa đổ tung tóe trên nền đất.

Năm chai sữa được xếp vào trong một chiếc túi khá bẩn và sau đó được chất lên xe gắn máy và chở đi bỏ mối. Bà Sáu Già nói: “Mỗi chai sữa chừng 700ml này tôi bán giá 3.000 đồng, còn nếu mua chai PET nhựa chừng 1,5 lít thì giá bán là 6.000 đồng, rẻ chán. Khi mua của tôi, các quán cơm hay tiệm giải khát lề đường sẽ bán lại với giá chừng 3.000 đồng/ly. Như vậy cứ một lít sữa bán ra ngoài họ bán với giá cho người mua là 15.000 - 23.000 đồng. Họ lời quá nên rất tín nhiệm tôi”.

Bà nói thêm: Các nhà trẻ, mẫu giáo vẫn tới đặt mua sữa của tôi hoài để cho các em bé ăn trong ngày đó mà.

Khi được hỏi là nếu muốn mua giá rẻ hơn thì sao, bà cho biết: “Giá nào cũng có, muốn 3.000 đồng hay 4.000 đồng/lít tôi đều bán”. Ngầm hiểu, bà pha loãng thêm ra.

Sản xuất thô sơ, nhưng mối hàng của bà Sáu Già khá nhiều. Lò nấu sữa của bà có hai thùng sữa lớn phải nổi lửa cả ngày. Bà bán một ngày 3 ca. Một ca 3 giờ sáng. Một ca độ 9 giờ và một ca nữa vào buổi chiều…

Theo khảo sát thì hiện nay các lò sữa đậu nành như vậy nằm phần nhiều trong các khu vực các quận 5, 6, 8, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, các địa điểm ngoại ô… Và mỗi ngày hàng vạn lít sữa như vậy đang được cung cấp rộng rãi trên thị trường.

Sau những chai sữa đậu nành trên đường phố ảnh 2Người tiêu dùng nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần lưu ý đến thời hạn sử dụng. Sữa đậu nành đóng túi nylon chỉ nên dùng trong ngày, chỉ dùng nếu còn màu trắng đục và thơm mùi đậu tương, nếu có mùi chua và xuất hiện váng thì phải bỏSau những chai sữa đậu nành trên đường phố ảnh 3

Tiến sĩ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế

Với quy mô nhỏ lẻ, cách làm du kích, không có nhãn hiệu, các lò sữa này không có ai kiểm soát từ quy trình sản xuất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Những quán cơm trong các trường đại học, các khu đông sinh viên, học sinh và những nhà trẻ tư nhân, các tiệm giải khát vỉa hè là khách hàng đông đảo của các lò sữa như lò sữa đậu nành tại Bến Phú Lâm này.

Đắt và mất an toàn

Giá một bịch (230 ml) hay một ly sữa đậu nành trôi nổi là 2.000-3.000 đồng đến 5.000 đồng. Như vậy, giá bán lẻ một lít sữa đậu nành có thể dao động từ 15.000 đồng đến 22.000 đồng/lít.

Giá này quá cao vì giá của 1 kg đậu nành hiện nay trên thị trường là 25.000 đồng và mỗi một kilôgam họ có thể làm ra từ  15-20 lít sữa. Trong khi đó, theo công thức làm sữa đậu nành đạt chuẩn thì cứ 400 gr đậu nành mới làm ra 1 lít sữa. Như vậy 1kg đậu nành chỉ làm ra được 2,5 lít sữa mà thôi, nếu muốn có sản phẩm sữa ngon lành, có độ đạm cao và giàu dinh dưỡng.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí, Phòng Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm -Sở Y tế TPHCM thừa nhận, việc quản lý những người bán rong thực phẩm có nguy cơ rất phức tạp.

Theo quy định, họ phải khám sức khỏe ít nhất một năm một lần và qua lớp tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu có bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm gây ô nhiễm thực phẩm như lao tiến triển, viêm gan siêu vi A, E, tả, lỵ, thương hàn, viêm đường hô hấp cấp thì phải dừng công việc để trị bệnh…nhưng phần lớn quy định này không được thực hiện.

Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã từng công bố 90% mẫu sữa đậu nành không nhãn hiệu khảo sát được có chứa vi khuẩn trong một cuộc khảo sát rộng rãi về các sản phẩm sữa, trong đó có sữa đậu nành.

Tại Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã từng công bố trên 70% số sữa đậu nành đang tiêu thụ tại Hà Nội có xuất xứ từ các cơ sở tư nhân, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều sản phẩm sữa đậu nành đóng chai kích cỡ 330 ml có dập nút sắt, bán tràn lan trên các bến xe, nhà ga, quán nước vỉa hè, các cổng trường học, bệnh viện. Chúng cũng do tư nhân sản xuất, nhãn mác thường không đề ngày sản xuất, hạn sử dụng hay sử dụng chất bảo quản gì.

Theo tiến sĩ y khoa Bùi Mạnh Hà thì ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra nếu sữa đậu nành được nấu từ các loại đậu bị nấm mốc. Độc tố sinh ra trong đậu ẩm mốc rất độc và có thể gây ra ung thư gan.

Sữa đậu nành đường  phố đang góp phần vào nguy cơ nhiễm độc của người dân. Thạc sỹ, bác sĩ Trang Thị Ánh Tuyết, Đại học Y khoa TPHCM cho rằng: Nên lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đã qua các xét nghiệm vi sinh, ở cơ sở sản xuất đàng hoàng, có giấy phép kinh doanh.

Chỉ có các sản phẩm sữa đậu nành sản xuất công nghiệp trong quy trình hiện đại khép kín, sàn và tường nhà sản xuất đều được khử khuẩn thường xuyên, công nhân lao động biết giữ vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới nên cho lưu hành trên thị trường để đảm bảo sức khỏe của người dân.

Kết quả kiểm tra vi sinh của các mẫu phẩm sữa đậu nành đường phố do Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm - Sở Khoa học công nghệ TPHCM thực hiện và thông báo ngày 18/04/2009 cho thấy trong các mẫu đều có các loại vi sinh gây bệnh tiêu chảy: Vi sinh Bacillus cereus nhiều gấp 900 lần tiêu chuẩn cho phép; Coliform gấp 30.000 lần chỉ tiêu cho phép; E. Coli gấp 250 lần cho phép; Tổng số nấm men mốc gấp 7 lần qui định cho phép; Tổng vi sinh vật hiếm khí gấp 6.800 lần cho phép.
MỚI - NÓNG