Sau mô hình ‘hiệp sĩ’, Bình Dương có thêm đội cơ động

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau mô hình CLB Phòng, chống tội phạm, Bình Dương tiếp tục thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (Đội CĐXLSC). Với mô hình mới, Bình Dương kỳ vọng giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, hỗ trợ người gặp nạn trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 1/6 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời cho biết mô hình Đội CĐXLSC chính thức đi vào hoạt động.

Theo đó, Bình Dương có 9 huyện/thị xã/thành phố đều thực hiện mô hình trên. Hiện đã có 2 địa phương đi vào hoạt động, những nơi khác đang tuyển chọn nhân sự. Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương cho biết, mô hình ra đời căn cứ Quyết định số 46 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án thành lập Đội cơ động xử lý sự cố giao thông tỉnh Bình Dương.

Đội cơ động chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý tin báo về sự cố giao thông và phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo sự phân công, chỉ đạo của Trưởng Công an các huyện, thị xã, thành phố trên các tuyến đường bộ thuộc địa giới hành chính của địa phương.

Sau mô hình ‘hiệp sĩ’, Bình Dương có thêm đội cơ động ảnh 1

Bình Dương ra mắt mô hình Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông tại TP Thuận An

Khi xảy ra các vụ việc có liên quan đến sự cố an toàn giao thông, Đội CĐXLSC phải nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với Công an địa phương và các lực lượng khác tổ chức cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn, điều tiết, phân luồng, khắc phục sự cố.

Chủ động nắm chắc tình hình về trật tự an toàn giao thông để tham mưu lãnh đạo Công an cấp huyện thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý sự cố giao thông, chống ùn tắc giao thông. Thực hiện các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn trật tự công cộng và những nhiệm vụ cụ thể khác do lãnh đạo Công an địa phương giao theo đúng quy định của pháp luật.

Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông do lực lượng Công an trực tiếp quản lý, chỉ huy, điều hành; tuân thủ theo quy định của pháp luật, Quy chế hoạt động; hoạt động theo cơ chế phối hợp với Công an xã, phường, thị trấn, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, lực lượng 113 bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ; chịu sự chỉ huy, quản lý, điều hành, phân công, kiểm tra trực tiếp của Trưởng Công an cấp huyện.

Sau mô hình ‘hiệp sĩ’, Bình Dương có thêm đội cơ động ảnh 2

Đại tá Ngô Xuân Phú, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin tại buổi họp báo

Tại mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 1 đội do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập và giao cho Trưởng Công an cấp huyện trực tiếp tuyển chọn, quản lý, điều hành mọi hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi Đội CĐXLSC có 1 đội trưởng và từ 1 đến 2 đội phó. Nếu số lượng đội viên nhiều, thì chia làm nhiều tổ và phân công 1 tổ trưởng phụ trách.

Đối tượng được tuyển chọn tham gia Đội Cơ động xử lý sự cố giao thông là công dân thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân đã hoàn thành nhiệm vụ; chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đã xuất ngũ; công dân ở địa phương có nhân thân tốt và tự nguyện tham gia.

Kinh phí hỗ trợ cho thành viên Đội cũng được quy định như lực lượng 113 bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trước đó, vào năm 2013, tỉnh Bình Dương thành lập mô hình CLB Phòng, chống tội phạm. Sau khi mô hình đi vào hoạt động phát huy hiệu quả và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng.

MỚI - NÓNG