Hội An (Quảng Nam):

Sau lũ lụt, quất tăng giá chóng mặt

Sau lũ lụt, quất tăng giá chóng mặt
TP - Sau mai, đào ở khắp nơi đồng loạt tăng giá thì mới đây, người dân trồng quất sẽ tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi cho những chậu quất sắp sửa được đem ra thị trường trước xuân Mậu Tý.

>> TP.HCM: Mai Tết đắt giá do triều cường

Lý do: 5 cơn lũ liên tiếp trong năm vừa qua khiến người dân xã Cẩm Hà (Hội An, Quảng Nam) điêu đứng vì cây quất úa vàng.

Xã Cẩm Hà được xem là “thủ phủ” của cây quất ở Hội An, khi có đến 70% dân số sinh sống bằng nghề trồng quất.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa cận Tết, Cẩm Hà rực lên một màu vàng ươm từ bạt ngàn rừng quất. Những quả quất căng mọng, óng ánh trong sắc xuân đã từ lâu là một thương hiệu riêng của người Cẩm Hà. Cùng với thương hiệu rau sạch Trà Quế, trồng quất cũng trở thành ngành nghề chủ yếu để Cẩm Hà trở thành một trong những xã có đời sống ổn định ở Quảng Nam.

Tuy nhiên, về Cẩm Hà lần này, thay vì màu vàng óng của những quả quất căng mọng lại là màu vàng úa của bạt ngàn vườn quất. Nguyên nhân rất đơn giản: 5 cơn lũ liên tiếp trong năm qua đã khiến hàng ngàn chậu quất ngâm mình trong nước hơn 2 tháng.

Ông Nguyễn Văn Giỏi (thôn Cửa Suối) – một trong những người trồng quất lâu năm ở Cẩm Hà, cho biết: “Năm nay tụi tôi tăng giá quất một phần vì giống, phân bón quá cao, nhưng phần lớn cũng vì thiệt hại nặng nề của các trận lũ vừa rồi”.

Vườn quất ông Giỏi năm nay có 500 chậu thì đã hư hết gần 150 chậu. Ngoài một số chậu quất bị hư được ông Giỏi vứt đi thì số còn lại chiếm hẳn một góc vườn. Những cây quất bị ngâm nước lâu ngày thấp lè tè, lá và quả cùng một màu vàng úa.

“Loại này là vứt rồi đó. Bỏ ra cơ man nào là tiền vốn để đúc chậu, mua giống, bón phân…, cuối cùng coi như hòa vốn. Lấy công làm lãi” - Ông Giỏi buồn bã.

Không riêng gì tình cảnh của ông Giỏi mà với gần 70 hộ dân ở thôn Cửa Suối, giá quất cũng đang là đề tài nóng bỏng. Theo ông Hà Vui – chủ vườn quất 400 chậu, năm nay, người trồng quất sẽ tăng giá gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi so với năm ngoái.

Cụ thể, mỗi chậu quất cao khoảng 1,2m năm ngoái có giá là 300.000 đồng, năm nay sẽ tăng lên 450.000 đồng hoặc 500.000 – 600.000 đồng/chậu. “Phải tăng giá thôi, không thì lỗ lòi mắt” - Ông Vui nói.

Thôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của cơn lũ ở xã Cẩm Hà là thôn Bàu Ốc, với gần một nửa số quất bị hư hoàn toàn. Bàu Ốc như một vùng lõm giữa bạt ngàn đất cát Cẩm Hà, nên liên tiếp những cơn lũ đến, nước không rút ra kịp, hàng ngàn cây quất bị ngâm mấy tháng trời cũng là điều dễ hiểu.

Anh Nguyễn Bình – một “đại gia quất” ở Bàu Ốc Thượng, từng nổi tiếng với những chậu quất có giá trị cao. Năm ngoái, hàng chục chậu quất của anh bán với giá trung bình 2 triệu đồng/chậu.

Thậm chí những chậu quất thế có hình con rồng, sư tử, tháp… có giá 8 – 10 triệu. Những ngày này, anh Bình chạy như con thoi từ Đà Nẵng đến Nha Trang để tìm mối bỏ quất.

Chị Nguyễn Thị Hơn – vợ anh Bình, cho biết: “Năm ngoái, vợ chồng tui thu nhập 250 triệu nhờ quất, năm nay, với 100 chậu quất thế và 1.500 chậu quất mini, quất tự nhiên, ước tính sẽ thu về khoảng 400 triệu đồng. Đó là chưa tính gần 400 chậu bị nước ngâm thối rễ, phải vứt”.

Anh Nguyễn Văn Ích - người làm công cho gia đình anh Bình, vừa chăm sóc cây quất thế, vừa nói: “Năm nay, sẽ có những chậu quất thế có giá gần 20 triệu, chúng tôi bán ở thị trường Đà Nẵng, có loại đưa ra tận Hà Nội hoặc vào Nha Trang”.

Ông Nguyễn Kim Sáu - Chủ tịch xã Cẩm Hà, cho biết: “Toàn xã Cẩm Hà có 1.308 hộ dân thì hơn 70% hộ sống nhờ cây quất. Năm nay thiệt hại nặng nề vì lũ nên bà con tăng giá quất cũng là chuyện bình thường”. 

MỚI - NÓNG