Sau kết án, cựu Tổng giám đốc PVN có thể tiếp tục nghiên cứu khoa học?

Bị cáo Phùng Đình Thực tại tòa phúc thẩm.
Bị cáo Phùng Đình Thực tại tòa phúc thẩm.
TPO - Qua phân tích các tình tiết, kiểm sát viên cho rằng nếu tòa phúc thẩm tuyên án tù, nguyên Tổng giám đốc ngành Dầu khí có thể làm đơn xin miễn thi hành án để tiếp tục nghiên cứu khoa học…

Làm lợi 16.000 tỷ đồng?

Chiều nay (14/5), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ tuyên án phúc thẩm với 14 bị cáo trong vụ kinh tế - tham nhũng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong vụ án, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên TGĐ PVN kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm (tuyên ông 9 năm tù), khẳng định mình không phạm tội. Tuy vậy, kiểm sát viên phúc thẩm cho rằng, năm 2011, ông Thực cùng bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch PVN đã chỉ đạo cấp dưới, cho PVC làm tổng thầu dự án Thái Bình 2, chỉ đạo cho PVC ứng tiền sai quy định gây thất thoát 119 tỷ đồng.

Lời khai của một số bị cáo, nhân chứng khác đã góp phần thể hiện ông Thực có hành vi phạm tội. Tuy nhiên, kiểm sát viên cũng đề nghị tòa phúc thẩm giảm án cho Phùng Đình Thực vì xét vai trò của bị cáo trong vụ án.

Đáng chú ý, tại tòa phúc thẩm, ông Thực trình bày sau khi để xảy ra sai phạm tại Thái Bình 2, bị cáo đã tích cực nghiên cứu khoa học, là chủ trì và chủ biên một công trình khoa học lớn, làm lợi cho Nhà nước 779,7 triệu USD (khoảng 16.000 tỷ đồng).

Vì vậy, ông Thực được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ (lần thứ hai của ông) vào năm 2017.  Trước tình tiết này, chủ tọa phiên tòa nói: “Tòa sẽ xem xét có phải bị cáo lập công trước hay sau khi có hành vi phạm tội, để áp dụng tình tiết giảm nhẹ thích hợp cho bị cáo”.

Trong lời luận tội, ngoài đề nghị giảm án cho bị cáo Thực, kiểm sát viên cũng đề xuất, nếu ông Thực đang mắc bệnh và đang tham gia nghiên cứu công trình khoa học quan trọng thì sau khi Tòa tuyên án phúc thẩm, bị cáo có thể làm đơn xin miễn chấp hành hình phạt.

Nghiên cứu đề tài quan trọng?

Theo luật sư Đinh Anh Tuấn - bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, kiểm sát viên đưa ra đề xuất trên dựa vào quy định của Luật Thi hành án hình sự. Cụ thể, người bị kết án có thể được miễn thi hành án với điều kiện sau khi phạm tội đã lập công, lập công lớn hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Sau kết án, cựu Tổng giám đốc PVN có thể tiếp tục nghiên cứu khoa học? ảnh 1

Cơ quan công tố khẳng định bị cáo Phùng Đình Thực phạm tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vị luật sư giải thích về khái niệm lập công lớn: “Được hiểu là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác… hoặc có những phát  minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị… được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận”.

Đặt vào trường hợp của bị cáo Thực, luật sư Tuấn khẳng định công trình khoa học làm lợi cho Nhà nước 16.000 tỷ đồng, ông Thực và các cộng sự nghiên cứu trong nhiều năm. Việc tập hợp kết quả nghiên cứu thành phương pháp luận và công nghệ, ông Thực tiến hành trong 02 năm 2014 - 2015. Công trình này được hoàn thành và báo cáo vào năm 2015, tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2017.

Luật sư Tuấn cũng cho biết, hiện nay ông Thực đang tiếp tục nghiên cứu công trình khoa học “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ và kỹ thuật nâng cao hệ số thu hồi dầu giai đoạn cuối đối tượng móng Bạch Hổ”.

Theo Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu - Thiết kế Dầu khí: “Đây là công trình khoa học đặc biệt cấp thiết và có ý nghĩa khoa học cao, giá trị thực tiễn lớn trong bối cảnh sản lượng dầu khai thác của Vietsovpetro và Petrovietnam đang suy giảm nhanh”. Hội đồng trên và PVN cũng đề nghị trong thời gian tới, ông Thực tiếp tục tham gia chủ trì nghiên cứu giai đoạn 2 để sớm đưa công trình vào thực tiễn tại mỏ Bạch Hổ.

Theo luật sư Tuấn, các tài liệu chứng minh ông Thực lập công sau khi có sai phạm cũng như bản thân ông đang tiếp tục nghiên cứu khoa học đã được nộp cho tòa trước khi khai mạc.

“Vị đại diện VKSND chắc chắn đã nghiên cứu các tài liệu do ông Thực giao nộp nên mới phát biểu tại phiên tòa như vậy…” - luật sư Tuấn nhận xét và rất đồng tình nếu ông Thực tiếp tục được nghiên cứu khoa học, cống hiến cho ngành dầu khí.

Về trình tự, thủ tục để được miễn chấp hành hình phạt, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng người bị kết án phải có đơn xin miễn chấp hành hình phạt kèm theo bản tường trình về việc đã lập công hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo (có xác nhận).

Đơn và bản tường trình phải được VKSND xem xét trước khi được chuyển tiếp tới tòa án có thẩm quyền và Tòa án sẽ đánh giá người xin miễn hình phạt có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa không? Từ đó, tòa đưa ra quyết định trên cơ sở bảo đảm tính giáo dục, cải tạo của hình phạt cũng như chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước.

MỚI - NÓNG