Sáu dự án điện gió 15.000 tỷ đồng ở Tây Nguyên giờ ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
Sáu dự án điện gió, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư gần 15 nghìn tỷ đồng được Đắk Nông chọn lựa là “cú hích” để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, “cú hích” này đang chậm tiến độ vì một số lý do.
Sáu dự án điện gió 15.000 tỷ đồng ở Tây Nguyên giờ ra sao? ảnh 1

Hứa hẹn đóng góp gần nghìn tỷ đồng/năm

Chủ tịch UBND huyện Đắk Song (Đắk Nông) Nguyễn Văn Phò vừa thông tin về 6 dự án điện gió với tổng công suất 430 MW được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ tháng 10/2020. Dự kiến cuối năm 2021, 6 dự án đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Sáu dự án điện gió 15.000 tỷ đồng ở Tây Nguyên giờ ra sao? ảnh 2

Chủ tịch UBND huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò khẳng định, nhiều năm qua nguồn thu ngân sách chủ yếu từ nông nghiệp, trong đó các cây trồng chủ lực gắn với vùng miền gồm hồ tiêu, cao su, cà phê, bơ... Ngân sách toàn huyện mỗi năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, con số rất khiêm tốn so với tiềm năng. Kỳ vọng các dự án khi đi vào hoạt động, ngân sách của Đắk Song mỗi năm sẽ có khoản thu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các dự án sẽ góp phần thúc đẩy kích cầu các lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn, bởi một lượng lớn công nhân, người lao động đến địa phương làm việc.

“Với 190 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, nguồn thu ngân sách chỉ chiếm 1/10, so với nguồn thu ngân sách từ điện gió mang lại. Đó là bài toán kinh tế mà Đắk Song rất kỳ vọng ở các dự án này” – Chủ tịch huyện Đắk Song nói.

Vướng giải phóng mặt bằng

Liên quan sự việc trên, ông Nguyễn Vũ Tuấn, Phó giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Đắk N'Drung, Đắk Nông (chủ đầu tư) cho biết, tính đến ngày 16/5/2021, chủ đầu tư đã hoàn thành giải phóng mặt bằng cho các vị trí tuabin và trạm biến áp; hoàn thành GPMB nhiều tuyến đường phục vụ dự án; đền bù, chi trả cho nhiều hộ dân có đất đai, cây cối hoa màu bị thu hồi. Chủ đầu tư cũng đã nâng cấp, mở rộng 76 tuyến đường với tổng chiều dài 29 km.

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn trong việc GPMB và thi công do một số hộ dân không đồng thuận với mức giá đền bù của doanh nghiệp đưa ra.

Sáu dự án điện gió 15.000 tỷ đồng ở Tây Nguyên giờ ra sao? ảnh 3

Người dân đóng cọc không cho phương tiện hoạt động.

Cụ thể, tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh, một số hộ dân khoan giếng, trồng thêm cây, lắp đặt các công trình trên đất… Đáng chú ý, có hộ dân yêu cầu chủ đầu tư đền bù lên tới 2 tỷ đồng/ha…

Cũng theo ông Nguyễn Vũ Tuấn, tới nay doanh nghiệp đã đầu tư vào 3 dự án lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bao gồm tiền đền bù GPMB cho người dân; mua thiết bị, vật tư… thanh toán cho nhà thầu EPC. Do một số hộ dân chưa đồng thuận trên, hằng ngày chủ đầu tư phải chịu phạt từ các nhà thầu vì không bàn giao được đất thi công đúng hạn, số tiền lên tới 5 – 7 tỷ đồng/ ngày.

“Nếu sự việc này tiếp tục kéo dài, dự án sẽ không hoàn thành đúng tiến độ gây tổn thất, thiệt hại lớn cho chủ đầu tư”– ông Tuấn nói.

Chính quyền địa phương nói gì?

Xác nhận sự việc trên, ông Đỗ Văn Thịnh - Chủ tịch HĐND xã Thuận Hà cho biết, có việc một số hộ dân chưa đồng thuận khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng.

“Từ phản ánh của doanh nghiệp, xã đã thành lập đoàn liên ngành đến kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng thuận. Với các trường hợp cố tình dựng công trình tạm, trồng cây, khoan giếng… để được nhận đền bù, xã đã lập biên bản và loại khỏi danh sách nhận tiền đền bù”, Chủ tịch HĐND xã Thuận Hạnh nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch huyện Đắk Song Nguyễn Văn Phò thừa nhận, để tình trạng trên xảy ra kéo dài, chưa xử lý dứt điểm có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ngày 13/5/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản chỉ đạo triển khai tiếp các dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3; giao Công an tỉnh; UBND huyện Đắk Song, chủ đầu tư; các Sở Công thương, TN-MT… nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, giải quyết những vướng mắc đang tồn tại.

UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đắk Song chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu người dân phối hợp với doanh nghiệp, không cản trở thi công; có biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư theo quy định pháp luật.

Trong số 6 dự án điện gió nói trên, 3 dự án (Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, Đắk N’Drung 2, Đắk N’Drung 3) có quy mô tổng công suất 300 MW, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng.

Diện tích đất thu hồi phục vụ dự án khoảng 190ha đất nông nghiệp thuộc 2 xã Thuận Hà và Thuận Hạnh. Khi đi vào vận hành, 3 dự án này sẽ nộp ngân sách cho Đắk Nông khoảng 800 tỷ đồng/năm.

MỚI - NÓNG