Sau COVID-19, WHO tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 23/7 tuyên bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới nhất - hiện đang lan rộng ở hơn 70 quốc gia - là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Mặc dù đã lưu hành ở Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ, nhưng bệnh đậu mùa khỉ chưa từng gây ra các đợt bùng phát lớn bên ngoài châu Phi hay lây lan rộng rãi từ người sang người, cho đến tháng 5 vừa qua khi một số ổ dịch được ghi nhận ở châu Âu, Bắc Mỹ.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu có nghĩa là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ được coi như một “hiện tượng bất thường” có thể lan sang nhiều quốc gia hơn và đòi hỏi một phản ứng toàn cầu phối hợp.

WHO trước đây từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19, đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi năm 2014, đợt bùng phát virus Zika ở Mỹ Latinh năm 2016…

Tháng trước, các chuyên gia của WHO cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng ủy ban đã nhóm họp vào tuần này để đánh giá lại tình hình.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 74 quốc gia kể từ khoảng tháng 5.

Cho đến nay, các ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ chỉ được báo cáo ở châu Phi - nơi một phiên bản virus nguy hiểm hơn đang lây lan, chủ yếu ở Nigeria và Congo.

Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan sang người từ các động vật hoang dã bị nhiễm bệnh. Các đợt bùng phát thường không vượt qua biên giới.

Tuy nhiên, ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác, bệnh đậu mùa ở khỉ đang lan rộng ở những người không tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh hoặc không du lịch châu Phi gần đây.

Chuyên gia về bệnh đậu trên khỉ hàng đầu của WHO, Rosamund Lewis, cho biết trong tuần này rằng 99% số ca bệnh đậu mùa khỉ ngoài châu Phi là nam giới và trong số đó, 98% số ca bệnh liên quan đến nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Michael Head, một nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, cho biết thật đáng ngạc nhiên khi WHO chậm trễ tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, vì đợt bùng phát này đã đáp ứng điều kiện để được coi là tình trạng khẩn cấp cách đây vài tuần.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại đặt câu hỏi rằng liệu tuyên bố của WHO có hữu ích hay không. Họ cho rằng căn bệnh này không đủ nghiêm trọng, trong khi các quốc gia giàu đã có đủ kinh phí để chống chọi với bệnh đậu mùa khỉ và hầu hết những người mắc bệnh đều có thể phục hồi mà không cần chăm sóc y tế, mặc dù các tổn thương có thể gây đau đớn.

“Tôi nghĩ tốt hơn là nên chủ động thay vì chờ đợi và phản ứng khi quá muộn”, Head nói, và cho biết thêm rằng tuyên bố của WHO có thể giúp các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới dễ dàng huy động quỹ để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở cả phương Tây và châu Phi.

Tại Mỹ, các chuyên gia đang phân tích để xác định xem liệu bệnh đậu mùa khỉ có thể trở thành một bệnh lây truyền qua đường tình dục cố định ở nước này, như bệnh lậu, herpes và HIV hay không.

Albert Ko, Giáo sư Dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng tại Đại học Yale cho biết: “Điểm mấu chốt là chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi trong đặc điểm dịch tễ học của bệnh đậu mùa khỉ, hiện đang lây lan bất thường.”

Ông Ko kêu gọi nhanh chóng mở rộng xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, tránh lặp lại sai lầm như những ngày đầu bùng phát COVID-19.

“Những trường hợp chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cánh cửa để chúng ta nhanh chóng ngăn chặn sự bùng phát ở châu Âu và Mỹ có thể đã đóng lại, nhưng vẫn chưa muộn để ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ gây ra thiệt hại lớn cho các nước nghèo vốn không có nguồn lực để xử lý nó.”

Placide Mbala, chuyên gia dịch tễ học tại Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo, cho biết ông hy vọng các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ sẽ được triển khai một cách công bằng. Các quốc gia như Anh, Canada, Đức và Mỹ đã đặt hàng hàng triệu liều vắc xin, trong khi vắc xin ở châu Phi vẫn đang vô cùng khan hiếm.

“Giải pháp cần mang tính toàn cầu”, theo Mbala. Ông cho biết thêm rằng bất kỳ liều vắc xin nào được gửi đến châu Phi cũng sẽ được sử dụng cho những người có nguy cơ cao nhất, như thợ săn ở các vùng nông thôn.

Ông nói: “Việc tiêm phòng ở phương Tây có thể giúp ngăn chặn sự bùng phát ở đó, nhưng vẫn sẽ có những trường hợp mắc bệnh ở châu Phi. Trừ khi vấn đề được giải quyết ở đây, rủi ro đối với phần còn lại của thế giới sẽ vẫn còn."

Theo AP
MỚI - NÓNG