Sau công bố quy hoạch sông Hồng: Dân và chính quyền thấp thỏm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mặc dù đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống đã được phê duyệt nhưng bản vẽ vẫn chưa được triển khai đến các quận, huyện. Việc chậm trễ khiến người dân bức xúc, trong khi các hoạt động xây dựng trái phép vẫn diễn ra.

Từ đầu tháng 4, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và quy hoạch phân khu sông Đuống, tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng).

Quy hoạch được đánh giá sẽ tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” đối với hàng vạn hộ dân đang sinh sống tại khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn đang chật vật với cuộc sống ngoài đê.

Ông Nguyễn Chí Thành (phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, từ khi công bố quy hoạch, chính quyền địa phương vẫn không có thông báo gì đến người dân khiến họ lo lắng không biết phải di dời hay được tiếp tục sinh sống tại đây. “Người dân ở đây nhiều đời, có những gia đình đã ở đến đời thứ 7. Nhưng đến nay vẫn không ai cho biết quy hoạch chốt ra sao để có phương án xây lại nhà”, ông Thành nói.

Sau công bố quy hoạch sông Hồng: Dân và chính quyền thấp thỏm ảnh 1

Hàng nghìn hộ dân ở khu vực ngoài đê Bắc Cầu (phường Ngọc Thụy) đang lo lắng vì quy hoạch chưa triển khai

Tại các khu vực quy hoạch dân cư tại quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, thời điểm này các nhà xây dựng mới vẫn đang mắc quy hoạch. Nhà dân muốn xây dựng vẫn chỉ được cấp phép tạm 4 tầng 1 tum, đồng thời phải xin thỏa thuận với cơ quan đê điều. Tuy nhiên, một số cá nhân đã “đón đầu” quy hoạch bằng cách xây dựng trái phép tại các khu vực vốn chưa được chuyển đổi (không phải đất ở) khiến chính quyền địa phương càng thêm vất vả trong quản lý.

Quận, huyện cũng chờ bản vẽ quy hoạch

Ông Võ Thanh Tùng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Tây Hồ cho biết, đồ án quy hoạch của thành phố đã xác định các chỉ tiêu chính về mật độ xây dựng, dân cư, cây xanh... cho khu vực ngoài đê. Tuy nhiên, hiện quận vẫn chưa nhận được bản vẽ quy hoạch chính thức từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết, một số khu vực dân cư chưa được đề cập trong danh mục được tồn tại nằm chủ yếu ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ và một phần huyện Thanh Trì. Về vấn đề này, thành phố đã giao các quận, huyện nghiên cứu chi tiết hơn, khoanh vùng các khu vực, báo cáo Bộ NN&PTNT để xem xét trên cơ sở định hướng của quy hoạch chung. Riêng với bản đồ quy hoạch 1/5000, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang đốc thúc các sở ngành liên quan sớm ban hành bản đồ để các quận huyện có cơ sở thực hiện xác định hiện trạng và quy hoạch chi tiết 1/500.

Sau khi nhận được bản vẽ chính thức, UBND quận dự kiến sẽ lập kế hoạch tổng thể với 2 nội dung chính: Lập bản đồ hiện trạng 1/500, từ đó lập bản đồ chi tiết theo quy hoạch dựa trên cơ sở bản đồ dân cư hiện hữu. Còn đến thời điểm này việc cấp phép xây dựng vẫn được thực hiện, chỉ cấp phép tạm và phải có thỏa thuận đê điều.

Theo ông Tùng, việc lập quy hoạch chi tiết cần nguồn lực rất lớn, không thể làm tổng thể cả quận mà phải chia từng khu vực để lập. “Việc này cần thành lập 1 ban chỉ đạo với sự phối hợp của các phòng chuyên môn, các phường trên địa bàn để xác định ranh giới. Từ đó mới chọn khu vực nào để lập quy hoạch chi tiết”, đại diện UBND quận thông tin.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch UBND phường Cự Khối, quận Long Biên cho biết, phía ngoài sông của phường hiện có 2 tổ dân phố với khoảng 800 hộ dân. Trong đó có tổ dân phố số 4 đang nằm trong vùng quy hoạch nên rất khó khăn. Gần 400 hộ dân ở đây sinh sống lâu năm, nhưng không được tách sổ, không xây dựng mới, nếu xây dựng phải trên nền hiện trạng có sẵn.

Ông Hùng thông tin: “Từ cụm dân cư này đi ra sông còn hơn 1km, nhưng vướng quy hoạch nên rất bất cập. Sau khi bản vẽ được đưa xuống địa phương, phường sẽ kiến nghị đưa tổ dân phố này ra khỏi quy hoạch, xây trường học để đảm bảo cuộc sống cho người dân”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.