Sau chiến thắng, tân Thủ tướng Anh đối mặt với thực tế ‘khó nhằn’

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: EPA)
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: EPA)
TPO - Ông Boris Johnson bắt đầu đảm nhận vị trí Thủ tướng Anh từ ngày 24/7, với lời hứa sẽ phá vỡ thế bế tắc từng khiến người tiền nhiệm của ông mất ghế. Ông tuyên bố sẽ khiến “những người hoài nghi, bi quan và tiêu cực” về Brexit phải im lặng. 

Nhưng giới phân tích cho rằng chính trị gia đi lên bằng quan điểm Brexit quyết liệt này cũng sẽ đối mặt với những vấn đề khiến bà Theresa May lúng túng trong suốt 3 năm làm thủ tướng: lãnh đạo một chính phủ không chiếm đa số trong nghị viện và hầu hết các nghị sĩ phản đối rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

Ông Johnson chỉ có 99 ngày để thực hiện lời hứa hiện thực hóa Brexit vào ngày 31/10, sau giai đoạn mà ông gọi là “3 năm tự hoài nghi vô căn cứ”. 

Ông cam kết một cách lạc quan rằng sẽ có “một thỏa thuận mới tốt hơn” với EU so với thỏa thuận nhiều lần bị Quốc hội Anh gạt bỏ của bà May. 

“Những người đánh cược chống lại nước Anh sẽ thua cuộc”, ông Johnson nói khi trong bài phát biểu bên ngoài tòa nhà số 10 phố Downing hôm 24/7. 

Cố gắng tránh những chia rẽ chính trị đã gây họa cho bà May, ông Johnson loại nhiều bộ trưởng dưới thời chính phủ trước để lập ra nhóm của mình, gồm chủ yếu những người ủng hộ Brexit quyết liệt. Ông Johnson chỉ định ông Sajid Javid làm bộ trưởng Tài chính, ông Dominic Raab làm ngoại trưởng; ông Priti Patel làm bộ trưởng nội vụ. Ông Michael Gove, người tham gia chiến dịch vận động rời bỏ EU cùng ông Johnson năm 2016, cũng được trao một vị trí trong nội các. 

Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị thủ tướng, ông Johnson đưa ra hàng loạt lời hứa, từ việc triển khai thêm cảnh sát trên đường bố đến việc dừng cấm nông sản biến đổi gien hay đẩy nhanh tốc độc truy cập internet. 

Với nhiều người không ưa vị chính trị gia gây chia rẽ này, cụm từ “Thủ tướng Boris Johnson” chỉ gợi lên một ý nghĩa là lời hứa không phải lúc nào cũng gắn với thực tế cụ thể. 

Nguy cơ hỗn loạn

Đối với tân thủ tướng 55 tuổi, trở thành chủ nhân số 10 phố Downing là đỉnh cao của tham vọng cuộc đời. Vị cựu ngoại trưởng và thị trưởng London này là một trong những người đi đầu trong phong trào đòi Brexit năm 2016 đang cảm thấy thất vọng vì đã qua 3 năm mà nước Anh vẫn ở trong EU. 

Đánh giá những phát biểu của ông trong ngày 24/7, giới phân tích nhìn thấy cách tiếp cận của ông với EU sẽ là sự kết hợp của những quyến rũ và đe dọa.

Ông hứa sẽ giữ quan hệ với EU “nồng ấm và gần gũi nhất có thể”, và hứa với 3 triệu dân EU ở Anh rằng “chắc chắn họ có thể ở lại”. Bà May cũng từng hứa như vậy, nhưng bao giờ đưa vào luật. 

Ông Johnson nói rằng Anh có thể buộc phải rời EU mà không có thỏa thuận nếu “Brussels từ chối đàm phán tiếp”, một cách bị cho là để đổ lỗi cho EU trong bất kỳ thất bại nào trong tương lai. Nhiều người cho rằng đó không phải cách để chiếm được lòng tin của các lãnh đạo EU.

EU kiên quyết sẽ không đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với bà May về chuyện Anh rời đi và khuôn khổ cho quan hệ trong tương lai. Không có thỏa thuận đó, nước Anh sẽ trải qua một Brexit hỗn loạn mà các nhà kinh tế học cảnh báo có thể gây gián đoạn thương mại sau khi các trạm kiểm soát hải quan và thu thuế được dựng lên giữa Anh và EU, kéo giá đồng bảng rơi xuống và đẩy kinh tế Anh vào suy thoái. Tại các siêu thị Anh, hoa quả và trái cây tươi sẽ trở nên đắt đỏ và khan hiếm. 

Sống hay đi lại ở châu Âu cũng sẽ đột ngột trở nên phức tạp hơn nhiều với người Anh, sau một thời gian dài được di chuyển tự do trong khối. Nhiều công ty dược cảnh báo một số loại thuốc có thể trở nên khan hiếm, vì 3/4 số thuốc đó đến từ hoặc qua EU. 

Nhưng ông Johnson khẳng định vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho sự ra đi không thỏa thuận. “Không phải bởi vì chúng ta muốn kết quả đó – tất nhiên không – mà bởi tư duy thông thường là cần phải chuẩn bị”, ông nói.

Sau khi ông Johnson chính thức nhậm chức, các lãnh đạo châu Âu, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, chào đón ông một cách lịch sự. Nhưng một số nhà làm luật EU vẽ ra một bức tranh ảm đạm về nguy cơ Brexit không thỏa thuận, cảnh báo điều đó sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. 

Nhóm phụ trách Brexit trong nghị viện EU nói trong một tuyên bố rằng quan điểm cứng rắn của ông Johnson trong quá trình vận động để giành được vị trí lãnh đạo đảng và ghế thủ tướng đã “gia tăng đáng kể nguy cơ Anh ra đi trong hỗn loạn”. 

Theo theo AP, LA Times
MỚI - NÓNG