Sáu bộ họp với 38 tỉnh, thành: Dân vẫn hứng lũ từ thủy điện

Đê quai của Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ ngày 1/8, làm hư hại hàng trăm héc-ta hoa màu. ảnh: Lê Kiến
Đê quai của Thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ ngày 1/8, làm hư hại hàng trăm héc-ta hoa màu. ảnh: Lê Kiến
TP - Ngày 6/8, tại cuộc họp giữa 6 bộ và 38 tỉnh, thành có hồ thủy điện, lãnh đạo nhiều địa phương bày tỏ lo ngại về an toàn hồ đập và “tố” việc xả lũ ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân vùng hạ du. 

Thủy điện nhỏ ảnh hưởng rừng, đất canh tác

Vấn đề an toàn hồ đập thủy điện nóng lên suốt tuần qua với sự cố vỡ đê quai tại Thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai) gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Theo báo cáo của UBND huyện Đức Cơ, sự cố làm hư hại 439,8 ha cây trồng, trong đó có 344,8 ha của 170 hộ dân. 

Theo ông Đào Xuân Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, khi Thủy điện Ia Krel 2 vỡ đập lần đầu (2013), UBND tỉnh được Bộ Xây dựng thông báo là do nhà đầu tư và các đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát thi công không đảm bảo.

Lúc chủ đầu tư xây dựng đê quai, UBND tỉnh cũng yêu cầu phải mở kênh dẫn dòng, đảm bảo chiều rộng, chiều sâu thoát nước. Nhưng rồi nước lũ lên cao nên đê quai bị vỡ.

“Về quy hoạch, thủy điện ở Gia Lai như hiện nay là đủ rồi. Gia Lai sẽ dừng các dự án thủy điện nhỏ vì xây dựng các thủy điện 3MW, 10 MW sẽ ảnh hưởng tới rừng và đất trồng của bà con”, ông Liên nói. 

“Việc nhận diện được những hạn chế, yếu kém, thiếu sót là rất quan trọng. Vấn đề kiểm định an toàn đập, một số chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc. Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm. Nếu mức độ sai phạm nghiêm trọng, không loại trừ xử lý theo pháp luật để làm gương”.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng
Theo ông Liên, việc đầu tư Thủy điện An khê Ka Nak đang gây ra nhiều hệ lụy, việc đánh giá tác động môi trường có vấn đề. “Các anh nên xem lại dòng sông Ba, đến giờ phút này không hề có nước, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, ông Liên nói.

UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Công Thương và các chuyên gia sớm nghiên cứu phương án đảm bảo hiệu quả thủy điện cũng như đời sống người dân.

“Không những tác hại về môi trường mà hiệu quả kinh tế của thủy điện An khê Ka Nak cũng cần xem lại vì số tiền bồi thường lên tới trên 100 tỷ đồng. Một thủy điện nhỏ mà vốn đầu tư lớn như vậy khó có hiệu quả”, ông Liên khẳng định. 

Ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đề nghị Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng quan tâm tới tác động của việc điều tiết hồ chứa trong mùa lũ và mùa kiệt đối với vùng hạ du.

“Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa là phải có sự đồng thuận của các bên liên quan, hài hòa lợi ích và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như sản xuất của người dân”, ông Nhân nói.

Theo ông Nhân, thời gian qua, việc nâng cốt nước của lòng hồ thủy điện Sơn La cao hơn cốt 215 là có vấn đề, ảnh hưởng đến tổ chức sản xuất và đời sống người dân xung quanh khu vực lòng hồ thủy điện. Mức cốt 215 đã được Thủ tướng quy định, nay nâng cao hơn, chỉ có ngành điện là có lợi, còn người dân bị ảnh hưởng, ông Nhân nói.

Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, việc vận hành hồ chứa hiện vẫn quá thủ công. Với các hồ chứa, cần phải có hệ thống cảnh báo hiện đại để người dân hạ du biết khi nào xả lũ. “Nếu không có hệ thống này, chắc chắn không thể tránh được những sự cố đáng tiếc. Bằng chứng là mới đây, tại Lai Châu, có 3 cháu bị lũ cuốn trôi do xả lũ”, ông Quảng nói. 

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khẩn thiết đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành quy trình vận hành liên hồ tại Thanh Hóa. “Vì chưa có quy trình vận hành liên hồ nên chúng tôi đang rất lo. Cùng với tác động của Thủy điện Hủa Na (Nghệ An), có thể sẽ dẫn đến tình trạng lũ chồng lũ tại Thanh Hóa. Nếu điều đó xảy ra, sẽ ảnh hưởng tới 6 huyện, với hàng triệu người dân bị ảnh hưởng do nước lũ”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc trồng rừng thay thế khi làm thủy điện hiện rất khó khăn. “Việc xử lý hành lang bảo vệ đập ở hạ du đang rất vướng. Hiện, diện tích thuộc hành lang bảo vệ đập tại Lâm Đồng tương đối lớn. Người dân không được làm gì tại chỗ đất này, trong khi chính quyền cũng không thu hồi, bồi thường nên đời sống bà con vô cùng khó khăn”, ông Tiến cho biết. 

Theo ông Quảng, hiện có tình trạng nhiều nhà máy thủy diện không chịu nộp tiền phí dịch vụ môi trường rừng. “Các doanh nghiệp lớn nộp đầy đủ, nhưng doanh nghiệp nhỏ rất bầy hầy. Ban đầu, khi xin dự án thì cam kết, hăng hái, nhưng khi vào rồi, bắt đầu lẩn như chạch. Tôi đề nghị Chính phủ phải có chỉ đạo, chứ không thể để doanh nghiệp cứ bầy hầy như vậy”, ông Quảng nói.

Khó cắt lũ cho vùng hạ du

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ TN&MT đã xây dựng 11 quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện. Thủ tướng đã ký ban hành 6 quy trình. Theo ông Vĩnh, việc xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa hiện rất khó khăn. Đa số các hồ đều tham gia xả lũ nên việc xây dựng quy trình phải tính toán lại quy định các hồ thủy điện đều phải dành một phần dung tích để tham gia xả lũ cho vùng hạ du. 

Một mối nguy ông Vĩnh nêu ra là: So với tổng dung tích các hồ chứa trên các dòng sông (đặc biệt từ sông Cả trở vào đến sông Đồng Nai), tổng dung tích các hồ chứa so với tổng cơn lũ hằng năm chiếm một phần rất nhỏ. Vì thế, việc cắt giảm lũ cho hạ du rất khó khăn. Theo ông Vĩnh, hiện chỉ mới xây dựng quy trình vận hành cho mùa lũ. Cố gắng trong năm 2015 sẽ xây dựng quy trình vận hành cho cả mùa cạn. 

Ông Lê Hùng Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy Lợi, Bộ NN&PTNT), cho biết, bộ này đang sửa đổi Nghị định về an toàn hồ đập. Với thủy điện, hiện chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch thủy lợi với quy hoạch giao thông nên đầu tư vốn không hiệu quả. 

“Các chuỗi về điều kiện tự nhiên đã thay đổi rất nhiều, nên thiết kế các công trình thủy điện cách đây 20-30 năm khác xa bây giờ. Do đó, cần xem xét điều chỉnh hợp lý nhiệm vụ các công trình thủy điện trong thời gian tới, không thể chỉ vì một mục đích duy nhất là phát điện”, ông Nam nói.

Tây Nguyên tăng cường kiểm tra an toàn hồ chứa thủy điện

Vừa qua, Sở Công Thương Gia Lai kiểm tra an toàn 40 hồ đập, phát hiện 14 công trình thấm nước qua thân đập ở mức độ nhẹ, trong đó có một số thủy điện lớn như Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, An Khê Ka Nak.

Bên cạnh đó, phần lớn thủy điện nhỏ không lắp đặt thiết bị quan trắc đập, nhiều chủ đập thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn đập mang hình thức đối phó. Có 8 thủy điện vẫn chưa trình phương án quản lý an toàn đập.

Theo Sở Công Thương, đáng lo nhất là sự lặp lại tình trạng khi có lũ xảy ra, các nhà máy xả lũ không theo quy trình, thông báo xả lũ trong thời gian rất ngắn làm cho nhân dân vùng hạ du không có thời gian phòng chống kịp thời.

Tại Đăk Nông, từ tháng 5, Sở Công Thương tỉnh phối hợp Sở TN&MT, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh và lãnh đạo các huyện, kiểm tra 11 hồ chứa thủy điện. Lượng nước lưu vực sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk đang ở mức ổn định, các hồ thủy điện thực hiện xả điều tiết. 

H.Kiên - Lê Hường

MỚI - NÓNG