Sạt lở bờ biển, nguy cơ mất U Minh Hạ

Một cánh rừng phòng hộ ở Cà Mau đã bị sạt lở sâu vào hàng chục mét. Ảnh: Ngọc Huyền
Một cánh rừng phòng hộ ở Cà Mau đã bị sạt lở sâu vào hàng chục mét. Ảnh: Ngọc Huyền
TP - Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, mùa sạt lở bờ biển đang uy hiếp nhiều cánh rừng phòng hộ. Đặc biệt, bờ biển phía Tây của tỉnh Cà Mau dài trên 91 km, trước đây hiền hòa bồi lắng thì mấy năm nay nổi lên sóng dữ bất thường, gây xói lở nghiêm trọng. 

Chi cục trưởng Nguyễn Long Hoai kể, mùa mưa năm 2010, sóng biển làm sạt lở hết rừng phòng hộ ở vàm Rạch Dinh và mỗi năm lấy đi 15-50 m, đến nay đã mất 3.800 ha rừng phòng hộ. Tại bờ biển phía Tây này, có 5 chỗ sạt lở với chiều dài 32 km ở huyện U Minh. Bờ biển nối từ huyện U Minh xuống huyện Phú Tân đang bị sạt lở rất nặng.

Bờ biển phía Đông tỉnh Cà Mau cũng đang bị sóng dữ cuốn đi nhiều mảng rừng phòng hộ. Đai rừng phòng hộ rộng 1 km, nay nhiều nơi chỉ còn trăm mét. Mới đây, làng chài Tân Thuận gần cửa biển Gành Hào gần tỉnh Bạc Liêu đã phải di dời. Khu vực Mũi Cà Mau, vùng đất trồng màu ven biển Khai Long của xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) đã bị sóng biển cuốn trôi gần như hoàn toàn.

Mấy năm qua, tỉnh Cà Mau đầu tư trên 510 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn, khắc phục sạt lở tại các điểm xung yếu với tổng chiều dài khoảng 17 km. Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng hỗ trợ tái sinh rừng phòng hộ dài 8,2 km tương đối có hiệu quả, còn lại chỉ là giải pháp tạm thời chống đỡ sóng dữ được vài mùa mưa, ngay cả 2,7 km kè bê tông kiên cố cũng mong manh trước những con sóng cao hơn 3 m. 

Hiện nay, hàng chục cây số rừng phòng hộ ở huyện U Minh bị sạt lở nghiêm trọng, có nơi đai rừng chỉ còn rộng khoảng 30 m. Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau lo ngại, nếu không có vốn thực hiện các giải pháp bảo vệ thì vài năm tới, đai rừng phòng hộ nơi đây không còn. Khi ấy, cả vùng rừng U Minh Hạ sẽ bị sóng biển hung dữ đe dọa trực tiếp, có thể biến mất.

Cần bảo vệ rừng ngập mặn ven biển

Tại diễn đàn “Quản lý và sử dụng rừng ngập mặn bền vững các tỉnh ven biển Nam bộ”, do Bộ NN&PTNT tổ chức, diễn ra tại Cà Mau ngày 25/7, các nhà khoa học, các nhà quản lý và hơn 200 nông dân sống nghề rừng cùng lên tiếng bảo vệ, quản lý, phát triển bền vững rừng ngập mặn ven biển. 

Theo thống kê, rừng ngập mặn ven biển từ năm 1943 đến nay đã giảm 60%, còn khoảng 166.000ha. Rừng ngập mặn ven biển suy giảm do chiến tranh, áp lực dân sinh, biến đổi khí hậu. Trong 5 năm gần đây, rừng ngập mặn Cà Mau đã bị xói lở bình quân 1.800 ha/năm. Rừng ngập mặn ven biển đang bị tàn phá, chất lượng suy giảm, sức chịu đựng yếu trước tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình quản lý rừng cộng đồng, phát triển nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, gây bồi để trồng rừng... có kết quả, nhưng chưa được nhân rộng. Rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM) đã được giao khoán cho người dân, tổ chức quản lý với những chính sách hỗ trợ người giữ rừng, nhưng các tỉnh nghèo không thể áp dụng vì thiếu kinh phí. 

Ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tổng kết diễn đàn: “Rừng ngập mặn phát triển kinh tế, chống giông bão, chống biến đổi khí hậu, không gì thay thế. Cần có chính sách, cơ chế để bảo vệ, quản lý, khai thác và phát triển bền vững”. 

Nguyễn Tiến Hưng

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.