“Đất nước nhìn từ biển” là dự án truyền thông về biển đảo có độ dài, quy mô lớn được Viện Truyền thông và Phát triển nhân lực phối hợp với Công ty Cổ phần Truyền thông Đối ngoại Việt Nam (VRI), Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Thái Bình Dương sản xuất. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự kiến sẽ là đơn vị đồng hành xuất bản các sản phẩm truyền thông cho dự án nầy.
Tập đầu tiên của ký sự “Đất nước nhìn từ biển” sẽ được phát sóng từ ngày 2/9 trên kênh VTC, VOVTV (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam). Dẫn chương trình ký sự này là MC Thời sự - Á hậu Phạm Kim Duyên…
MC Phạm Kim Duyên |
Ê-kíp thực hiện dự án truyền thông đặc biệt này quy tụ những gương mặt quen thuộc với khán giả điện ảnh và truyền hình như: Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, NSƯT. Nguyễn Lê Văn, nhà văn Đỗ Tiến Thụy, nhà biên kịch Nguyễn Thu Bình, đạo diễn Tuấn Đức, đạo diễn Quang Thành, Nhà báo TS. Nguyễn Văn Phú, Nhà báo Hoàng Tuyên, luật gia Phạm Mạnh Cường, Luật gia Nguyễn Xuân Khánh và Nhạc sĩ Quỳnh Hợp…
Hai trăm tập ký sự sẽ khắc họa “chân dung biển Đông”, phần lãnh thổ đặc biệt của đất nước một cách đầy đủ, qui mô, xuyên suốt theo hệ thống với những hình ảnh sống động, mới lạ, độc đáo và đầy ấn tượng, gắn liền với các huyền thoại, truyền thuyết của mỗi vùng biển đảo; quảng bá một cách có hiệu quả về các vùng hải đảo, các bãi biển đẹp, những điểm du lịch kỳ thú, giàu tiềm năng kinh tế nhằm góp phần thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước ngoài tham gia đầu tư vào kinh tế biển Việt Nam nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung...
Được biết, đạo diễn Tạ Quốc Lâm - người có kinh nghiệm làm phim tài liệu, ký sự, đạt nhiều giải thưởng uy tín trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình là Tổng đạo diễn dự án này.
Đạo diễn Tạ Quốc Lâm |
Hình ảnh đoàn làm phim đi khảo sát trước khi bấm máy |
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho biết: “Đất nước nhìn từ biển” của đạo diễn Tạ Quốc Lâm được cả ê-kíp chuẩn bị một cách cẩn trọng, được đăng ký bản quyền từ năm 2016 tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có thể coi là bộ “bách khoa thư biển đảo” bằng hình ảnh. Mỗi tập kí sự là một bức tranh sơn thủy, đa sắc màu về biển đảo Việt Nam, một tác phẩm nghệ thuật tổng hợp về phong cảnh thiên nhiên, con người, một bách khoa thư về các danh thắng, những công trình kiến trúc độc đáo, những miếu mạo đình chùa, những miền địa linh nhân kiệt, những phong tục tập quán, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng cư dân bên bờ biển Đông.
Từng ra quần đảo Trường Sa, được mời tham gia xây dựng đề cương và viết kịch bản cùng nhóm làm phim, tôi tin mỗi tập ký sự sẽ là những thước phim đẹp, lần lượt giới thiệu những vùng biển đảo kỳ vĩ, sẽ làm nổi bật truyền thống, giá trị văn hóa lịch sử, thông qua những lễ hội, nghệ thuật, kiến trúc, môi trường thiên nhiên, hoàn cảnh địa lý, sinh hoạt của các dân tộc, tôn giáo và tiềm năng kinh tế, đầu tư, du lịch, dầu khí, chế biến thủy hải sản… Đặc biệt sẽ có những thước phim góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, và những câu chuyện xúc động về những người lính đảo”…
Trong ký sự này, khán giả sẽ cùng đoàn phim hành trình theo “dáng hình đất đất nước”, “men theo bờ sóng” 28 tỉnh thành, khám phá những miền duyên hải tuyệt đẹp, làm rung động bao trái tim, tâm hồn Việt và cả những người khách bốn phương mỗi khi dừng chân. Cuộc hành trình xuất phát "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước", những nơi có cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Úc nhưng luôn đau đáu dự án truyền thông về biển đảo còn dang dở từ hơn 5 năm về trước, đạo diễn Tạ Quốc Lâm quyết định về nước và cùng nhóm viết kịch bản đi thực địa hai năm liền ở các vùng biển đảo nhiều lần để có chất liệu văn học tốt nhất cho từng tập ký sự. Anh khẳng định đây là một tác phẩm ký sự truyền hình, nên hình ảnh, chất liệu trực tiếp chuyển tải đến nhãn quan của khán giả có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định chất lượng, giá trị và sự thành công của ký sự.
Vì vậy, anh đã yêu cầu đoàn phim trong quá trình thực hiện ghi hình, đạo diễn và quay phim phải lựa chọn được những góc máy đẹp, thời điểm ánh sáng có lợi nhất để thể hiện được vẻ đẹp huyền thoại cũng như khai thác thế mạnh kinh tế của từng miền duyên hải, vùng biển đảo. Đặc biệt, khi đề cập đến các đảo, quần đảo, lực lượng kiểm ngư, người lính hải quân, người dân đất đảo, phải biết lưạ chọn chi tiết, khai thác tối đa điểm nhấn cảm xúc vì đó là linh hồn của thể loại ký sự.
Viện trưởng Viện Truyền thông và Phát triển nhân lực Nguyễn Quang Hiển chia sẻ: “Ký sự “ Đất nước nhìn từ biển” sẽ góp phần “đánh thức biển”, khơi dậy tình yêu biển đảo, nhận thức được tầm quan trọng, hiểu biết đầy đủ về biển đảo của Tổ quốc, nâng cao ý thức bảo vệ di sản vô giá, giữ gìn môi trường biển song song với việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh”.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hiển, sau khi ký sự “Đất nước nhìn từ biển” hoàn thiện, Viện sẽ chia sẻ toàn bộ nội dung phim được sản xuất bằng hai thứ tiếng Anh - Việt tới các cơ sở giáo dục làm tư liệu giảng dạy những môn học như: Lịch sử, Địa lý, Việt Nam học nhằm khơi dậy tình yêu biển, đảo trong học sinh, sinh viên; giúp các em nâng cao hiểu biết, nắm vững kiến thức về biển đảo Tổ quốc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; đồng thời góp phần giúp các nhà khoa học trong và ngoài nước có tư liệu hình ảnh sinh động trong việc nghiên cứu về biển đảo Việt Nam.
Với đội ngũ làm phim có kinh nghiệm, với sự chuẩn bị cầu kỳ, cẩn trọng, cùng 200 tập kịch bản đã viết gần như hoàn chỉnh, chúng ta có quyền kỳ vọng ký sự “Đất nước nhìn từ biển” sẽ là một tác phẩm truyền hình có chất lượng.
Hầu hết các chương trình sẽ được truyền phát trực tiếp: livestream bằng máy chuyên nghiệp trên nhiều nền tảng mạng xã hội trước khi phát sóng truyền hình.
Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (NXBCTQG), Tạp chí Biển Việt Nam sẽ có kế hoạch bảo trợ thông tin để xuất bản 3 tập sách song ngữ Anh -Việt: “BÁCH KHOA THƯ BIỂN ĐẢO VIỆT NAM” phát hành trên hệ thống phát hành của NXBCTQG, các trường Đại học & Cao đẳng và trên Tiki, Fahasa, Amazon…