Theo phương án được đơn vị tư vấn (Cty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT - TRICC) đưa ra, tốc độ sau khi hiện đại hóa đạt bình quân 80-90km/h với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng. Đường sắt quốc gia cũng kết nối với các cảng biển, các khu công nghiệp tập trung, các khu du lịch.
Giải pháp thực hiện gồm nâng cấp đầu tư phương tiện đầu máy toa xe, tăng năng lực thông qua và năng lực vận tải, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức khai thác. Phương án mở rộng đường ray hiện nay từ khổ 1m lên 1,435 m không được đề cập.
Hiện nay, tốc độ chạy tàu đạt khoảng 60-70 km/giờ, tàu nhanh nhất (SE) chạy từ Hà Nội vào TPHCM mất 29,5 giờ. Với phương án đang được Bộ GTVT xem xét, thời gian di chuyển giữa hai trung tâm lớn nhất của cả nước còn 21-23 giờ.
Chủ trì cuộc họp, thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị đơn vị tư vấn phải đưa ra được cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh được tốc độ chạy tàu; rà soát lại các công trình cần phải nâng cấp, cải tạo; xem xét các dự án có thể xã hội hóa; nghiên cứu về giải pháp thoát lũ… Thứ trưởng Thể chỉ đạo cần hoàn thiện quy hoạch chi tiết và trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 12 tới.
Cùng ngày, Bộ GTVT xem xét kế hoạch lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại trên toa tàu để giải quyết tình trạng xả thải thẳng xuống đường ray (mỗi năm trung bình khoảng 3.800 tấn phân, nước tiểu).
Theo đại diện TCty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), hiện tại, có 4 nhà cung cấp thiết bị đã lắp đặt thử nghiệm trên một số toa xe. Trong tháng 12/2013, TCty sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ bộ. Hiện, ngành GTVT đặt mục tiêu đến năm 2015 phải chấm dứt tình trạng xả thẳng từ tàu.
Liên quan đến quyết định ngừng hoạt động 5 đôi tàu khách (Vinh - Đồng Hới, Đồng Hới - Huế, Gia Lâm - Đồng Đăng, Yên Viên - Hạ Long và Long Biên - Quán Triều) từ ngày 1/1/2014 của TCty ĐSVN, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa yêu cầu tạm dừng kế hoạch này và tiếp tục hoạt động trong đợt Tết Dương lịch và nguyên đán 2014.