Những tổn thương của doanh nghiệp trong đại dịch lần này là khó tránh khỏi, tuy nhiên, trong trung hạn, gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa của Chính phủ chắc chắn sẽ phần nào hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vực lại sức sản xuất kinh doanh.
Chiều nay 17/3, Bộ Tài chính vừa ký ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 127/2016/TT-BTC về việc giảm giá một số loại giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, để hỗ trợ kịp thời nhất cho thị trường và nhà đầu đầu tư.
Theo đó, Bộ tài chính điều chỉnh ngay 4 loại giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) bao gồm:giá dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, giá dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ, dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD...
Ngoài ra quy định mới cũng không thu giá dịch vụ đối với một số dịch vụ trên sở giao dịch chứng khoán như: đăng ký niêm yết lần đầu và thay đổi đăng ký niêm yết (đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công, chứng quyền có đảm bảo); đăng ký chứng khoán...
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020. Sau ngày 31/8/2020, mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 127/2016/TT-BTC.
Còn với TTCK Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, UBCKNN sẽ tiếp tục điều hành TTCK theo quan điểm: “Tôn trọng sự tự điều chỉnh theo quan hệ cung – cầu của thị trường, hạn chế tối đa các tác động, can thiệp về hành chính và kỹ thuật vào thị trường khi chưa thật sự cần thiết”.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tiếp tục vững tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, cũng như sức bền của TTCK Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thị trường lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tránh những phiên bán tháo không cần thiết” – Chủ tịch UBCKNN nói.
TTCK Việt Nam kết thúc phiên giao dịch buổi sáng ngày 18/3 trong sắc xanh. Thanh khoản của thị trường đã tăng khá mạnh trên 2 sàn niêm yết. Điều này chứng tỏ vẫn có dòng tiền mua vào bắt đáy các cổ phiếu có giá trị cơ bản tốt. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng, nhưng giá trị bán ròng trong phiên không quá lớn.
Trên TTCK Việt Nam, xu hướng rút ròng và bán ròng của NĐTNN cũng tương tự như TTCK trên thế giới. Tuy nhiên, so với mức độ rút ròng của NĐTNN tại các thị trường mới nổi ở châu á khoảng 27,2 tỷ USD (từ đầu năm tới ngày 17/03/2020) và khoảng 17,7 tỷ USD (từ đầu tháng 3 đến 17/03/2020) thì mức độ rút ròng 146 triệu USD tại TTCK Việt Nam chưa quá lo ngại.