Đến 23:00 - Về số người còn nằm trong đống đổ nát (mất tích), thông tin hết sức khác nhau.
Theo TTXVN, còn khoảng 70 người bị mất tích. Còn theo nguồn tin của Tiền phong, còn khoảng gần 100 người mất tích. Cơ quan chức năng cũng chưa thể thống kê chính xác được số người mất tích.
Vì trên thực tế, ngoài số công nhân của đơn vị thi công còn có khá nhiều người dân địa phương được Cty TNHH cơ khí xây dựng Vĩnh Thịnh thuê làm công nhật, với mức lương 40.000 – 50.000 đồng/ngày.
Đến 22:30, theo các nguồn tin mà Tiền phong nhận được, có 43 người chết, trong đó có 39 người đã được đưa về Quân Y viện 121 TP Cần Thơ để giám định tử thi.
4 nạn nhân còn lại là những lao động công nhật tại công trường, gia đình không đồng ý giám định, đã được đưa về quê ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long). Số người bị thương theo thống kê là 130 người.
19:50 - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến hiện trường vụ tai nạn. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã báo cáo sơ bộ tình hình ngay tại hiện trường với Phó Thủ tướng. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp kín với tất cả các thành viên của lực lượng cứu hộ.
Phó Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị thi công, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải nỗ lực làm việc suốt đêm với tinh thần cứu người là trên hết.
Phó Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, thuốc thiết yếu, có mặt kịp thời ngay sau khi sự cố xảy ra để cứu giúp người bị nạn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hai địa phương tiếp tục nỗ lực để giải quyết sự cố, giúp những gia đình có người bị chết và những người bị thương. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến các Bệnh viện để thăm hỏi các nạn nhân.
Đến thời điểm này, dự đoán còn khoảng từ 4 đến 12 người đang bị kẹt trong đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tích cực hoạt động để cứu hộ các nạn nhân. Được biết, nhà thầu sẽ làm việc liên tục cả 3 ca.
Báo Tiền phong kêu gọi cứu trợ nạn nhân trong vụ sập cầu
|
Hàng trăm người dân vẫn kiên trì chờ đợi thông tin về người thân ngay tại hiện trường trong màn đêm buông xuống. Ảnh: Hữu Quang |
Ban biên tập báo Tiền phong vừa quyết định gửi 30 triệu đồng cứu trợ tới gia đình một số công nhân bị nạn trong vụ sập cầu Cần Thơ thảm khốc xảy ra vào sáng 26/9. Số tiền này sẽ được gửi tới tận tay gia đình các nạn nhân trong sáng nay.
Trước tai nạn thảm khốc và đau thương này, báo Tiền phong xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân và gia đình người thiệt mạng. Tiền phong kêu gọi tấm lòng hảo tâm của bạn đọc trong và ngoài nước hãy giúp đỡ ủng hộ thân nhân và gia đình những người công nhân nghèo không may gặp nạn.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, ĐT: 04.9434341. STK: 12310000062175 Ngân hàng đầu tư và phát triển VN, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội.
Các văn phòng đại diện báo Tiền phong: Miền Trung: 19 Ngô Gia Tự, TP Đà Nẵng, ĐT: 0511.828039; TP.HCM: 384/54 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ĐT: 08.8484366; Tây Nguyên: 26 Trần Nhật Duật, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, ĐT: 050.950029 , 050. 953670; Đồng bằng sông Cửu Long: 46A, Quốc lộ 91B, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, ĐT: 071.823829.
Xin trân trọng cám ơn!
19:15 - Hiện tại mọi nỗ lực cứu hộ vẫn đang khẩn trương triển khai. Tuy nhiên từ 14 giờ đến nay, theo chứng kiến của phóng viên Tiền phong Online, lực lượng cứu hộ chưa đưa được người bị kẹt ra ngoài. Nguyên nhân do chưa tìm được phương án hiệu quả cho việc bốc dỡ đống đổ nát để cứu những người bị kẹt.
Hiện Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức vẫn đang có mặt ở hiện trường. Thứ trưởng và các chuyên gia đang tính các phương án cứu hộ để trình Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Dự kiến khoảng nửa giờ nữa, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ đến hiện trường vụ tai nạn để kiểm tra.
19:00: Theo nguồn tin của Tiền phong Online, Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phía Nam cử hơn 100 chiến sĩ thuộc C15 và C14 xuống bảo vệ hiện trường. Lực lượng này sẽ phối hợp với đại diện của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an điều tra vụ sập cầu.
Ngoài ra, tham gia bảo vệ hiện trường có công an của 2 tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ cùng bộ đội của Quân khu 9.
Trước tai nạn này, nhiều tổ chức, đơn vị đã kịp thời hỗ trợ số lượng lớn tiền, hiện vật và nhân lực để giúp các công nhân bị thương và gia đình những nạn nhân thiệt mạng.
Đến 19 giờ cùng ngày, 3 tổ cấp cứu khẩn cấp thuộc các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, chỉnh hình, ngoại tổng quát và ngoại thần kinh của bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã có mặt tại Cần Thơ cùng thuốc men và thiết bị cấp cứu cơ động để cấp cứu nạn nhân.
Hiện công tác kết hợp quân dân y cũng được triển khai ngay, Quân khu 9 tăng cường hai đội cấp cứu từ Viện Quân y 120 (Tiền Giang) cho Viện Quân y 121 (Cần Thơ) và điều tàu cấp cứu tới hiện trường để phối hợp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.
Hiện nay, khu vực sập cầu đang được phong tỏa để bảo đảm công tác cứu hộ.
Dao Dinh Ngan; Email: ngandd@yahoo.com Lời chia buồn
Từ Âu châu xa xôi, tôi chân thành gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến những anh chi em lao động bi tai nạn trên công trường. Kính mong các anh chi được siêu thoát nơi vĩnh hằng và kính mong gia quyến của các anh chị vượt qua được nỗi đau mất mát này. Thật quả là một tổn thất lớn lao ngoài sức tưởng tượng. Nhân dân sẽ luôn ghi nhớ công lao của các anh các chị.
Đất nước chúng ta đang phát triển, rất cần có những công trình mang tầm vóc để tạo đà cho sự phát triển. Trong sự phát triển đó, có rất nhiều công sức đóng góp của hàng triệu con người, trong đó có các anh các chị. Và nó cũng bị đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, thậm chí có cả máu nữa. Nhưng mong sao, đừng bao giờ có máu đổ. Hãy làm những gì có thể bằng lương tâm và trách nhiệm để làm sao công trình thì vươn cao mà máu thì không bao giờ đổ nũa.
Xin đóng góp một phần nhỏ bé cùng với mọi người để khắc phục phần nào hậu quả tai nạn vói tấm lòng của một người con xa xứ. Tôi xin ủng hộ 1 triêu đồng vào quỹ giúp đỡ nạn nhân. Số tiền này sẽ do người thân của tôi chuyển đến Tòa soạn nhanh nhất
18:30 - Đã có 59 nạn nhân bị tử vong do sập cầu Cần Thơ và còn khoảng gần 70 người bị kẹt dưới đống đổ nát đang được cứu giúp. Mặc dù công tác cứu hộ đã được kịp thời triển khai nhưng cho đến nay lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm được phương án hiệu quả cho việc bốc dỡ đống đổ nát để cứu những người bị kẹt.
Tiếng kêu cứu tuyệt vọng...
|
Ảnh : Kiến Giang |
Chiều tối ngày 26/9, một số thân nhân của những người mất tích cho biết, còn nghe tiếng kêu cứu qua điện thọai di động của người thân họ từ trong đống đổ nát.
Người thân họ đang khát, đói và bị thương. Tuy nhiên, việc xác định đúng vị trí của nạn nhân là rất khó khăn nhưng khó khăn hơn là nếu xác định được vị trí nạn nhân thì làm sao gỡ đống đổ nát để tìm đường đưa nạn nhân ra? Hàng trăm tấn bê tông, sắt thép từ cắm sâu trong lòng đất đến cao hơn 20m với kết cấu vô cùng phức tạp.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thanh Tòng có mặt tại hiện trường nói: “Chúng tôi không có thiết bị chuyên dùng cứu nạn trường hợp như thế này. Chỉ còn biết gỡ dần từng thanh sắt, từng mảnh bê tông, ở thấp thì dùng sức người, ở cao thì nhờ cần cẩu hỗ trợ”.
Tại hiện trường vụ tai nạn có 3 chiếc cần cẩu nhưng địa bàn hẹp nên chỉ có 2 chiếc tham gia vào cứu nạn, một chiếc nâng lực lượng cứu hộ đứng trong lồng sắt để làm việc trên cao, một chiếc hỗ trợ cẩu từng thanh sắt nặng ra khỏi hiện trường ở bên dưới. Với tốc độ đang diễn ra, muốn gỡ hết đống bê tông, sắt thép khổng lồ phải mất hàng tháng.
Có ý kiến đề nghị cắt các khối bê tông, nhưng Ban quản lý công trường cho biết nếu cắt, các khối bị gãy sẽ tiếp tục đè xuống, gây nguy hiểm hơn cho những công nhân bị kẹt. Hiện nay, 5 cần cẩu lớn đang được huy động để nâng các dầm cầu, cố định mối nối để tránh nguy cơ sập tiếp.
Tiếp xúc với một số công nhân thi công cầu, phóng viên TTXVN đã được một công nhân cho biết: Ngoài nguyên nhân là hệ thống dàn giáo yếu, có thể cầu sập còn do nguyên nhân từ địa chất của khu vực cầu, vì trong mấy ngày gần đây mưa quá nhiều, đất xung quanh khu vực thi công cầu bị lún. Một công nhân khác kể rằng cách đây một tuần, trong khi đang làm việc, anh đã thấy nhịp cầu bị rung.
17:00 - Có 2 nạn nhân còn sống sót, đang bị kẹt giữa đống đổ nát lấy đá đập vào những thanh sắt để phát ra âm thanh kêu cứu. Phóng viên Tiền phong đứng ở bên ngoài nghe rất rõ những âm thanh này. Thậm chí, những người bên ngoài còn nhìn thấy tay của các nạn nhân đang huơ huơ cầu cứu.
Lực lượng cứu hộ đang chuyển sữa và nước qua những khe nhỏ cho các nạn nhân, trước khi tìm cách tiếp cận hiện trường giải thoát cho họ. Lực lượng cứu hộ gồm cả công an, bộ đội và hàng trăm y bác sĩ.
Thông tin cập nhật của phóng viên TPO tại hiện trường cho biết: đến 17 giờ số người thiệt mạng là 49 người (một nguồn tin khác cho biết có 52 người thiệt mạng), trong đó có 22 người chết tại chỗ và 97 người bị thương.
Sau khi tai nạn xảy ra, bệnh viện đa khoa T.Ư thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận 90 người (cả người bị thương và người thiệt mạng); Bệnh viện Tây Đô tiếp nhận 6 người; Bệnh viện 30/4 tiếp nhận 15 người; Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long 5 người. Những trường hợp bị thương nặng được đưa về Bệnh viện Quân y 121 Quân khu 9.
Theo thông ở Bệnh viện Quân y 121, hiện con số nạn nhân thiệt mạng được chuyển về riêng bệnh viện này là 37 người. Bệnh viện mới nhận được thông tin có thêm 4 người đã chết, đang trên đường đưa về. Như vậy, chỉ tại riêng Bệnh viện Quân y 121, đã có 41 người chết.
Có mặt tại hiện trường, Thiếu tướng Đặng Phi Hổ - Phó tư lệnh Quân khu 9 cho biết Quân khu đã điều lực lượng đặc công, bộ binh với quân số 150 người cùng hàng trăm cán bộ y bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 121 và các đơn vị quân y thuộc Quân khu trên địa bàn Cần Thơ trực 24/24 giờ để tham gia cấp cứu cho các nạn nhân.
Quân khu 9 cũng đưa 1 tàu lớn đặc chủng, 1 tàu nhỏ, 2 ca nô phục vụ cấp cứu.
Hiện Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Cần Thơ để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả.
Chiều 26/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã quyết định chính sách hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng/người chết, 3 triệu đồng/người bị thương, đồng thời điện chia buồn tới thân nhân, gia đình những nạn nhân thiệt mạng và bị thương:
“Tôi rất đau buồn và xúc động khi nhận được tin sự cố xảy ra tại trụ số 13, 14, 15 gói thầu số 2 cầu Cần Thơ vào sáng ngày 26/9/2007. Thay mặt Lãnh đạo Bộ GTVT, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân và gia đình của những người không may đã mất; đồng thời xin gửi lời thăm hỏi chân thành đến những người không may bị thương trong vụ tai nạn.
Với tư cách Bộ trưởng GTVT và Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, tôi đã chỉ đạo và đề nghị tất cả các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có liên quan tiến hành các công tác nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn, lo lắng chu đáo cho những người không may bị chết và tất cả những người bị thương...”.
Chiều cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi, chia buồn tới gia đình có người bị nạn, đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng/người chết và 1 triệu đồng/người bị thương để góp phần giúp đỡ các gia đình sớm khắc phục khó khăn
16:00 - Đối chiếu giữa bảng chấm công của nhà thầu và số nạn nhân được cứu, vẫn còn 20 người được cho là vẫn kẹt trong đống bê tông nặng hàng tấn. Hiện, máy cẩu, máy khoan cắt bê tông... đã được huy động để khoan phá khối bê tông trên. Dự kiến, phải đến sáng mai công việc này mới hoàn thành. Một bác sĩ cho biết, có thể các nạn nhân này đã chết.
Theo một đại diện của nhà thầu, khi xảy ra tai nạn có 137 công nhân đang làm việc (nguồn tin khác lại cho rằng số công nhân làm việc tại hiện trường là 180). Trong số này, có nhiều người là anh em một nhà.
Nguồn tin này cũng cho biết, ngày thường, số công nhân làm việc trên cầu Cần Thơ từ 200 - 300 người. Hôm nay, số lượng công nhân tham gia thi công có giảm đi chút ít.
Trước đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cử một đoàn bác sĩ xuống Cần Thơ để cấp cứu các nạn nhân. Các bác sĩ này đến từ các Bệnh viện Trưng Vương, Nhân dân 115, Trung tâm Chỉnh hình và Bệnh viện Bình Dân.
Đến 16 giờ ngày 26/9, tại hiện trường cứu hộ vụ sập cầu dẫn cầu Cần Thơ, công việc cứu hộ vẫn tiếp tục, nhưng tiến độ rất chậm.
Hiện nay, Quân khu 9 đã huy động 400 cán bộ chiến sĩ thuộc binh chủng đặc công, vệ sinh phòng dịch, công binh đến hiện trường tham gia cứu nạn, nhưng lực lượng này cũng không thể tiếp cận cứu nạn trực tiếp vì việc cứu hộ rất phức tạp. Nhà thầu thi công đã huy động 5 cần cẩu loại lớn đế cố gắng cố định đầu trên của mối nối bị sập, ổn định mặt sàn ở nguyên vị trí, để gỡ các thanh sắt ở dưới tìm kiếm nạn nhân.
Hiện số người đang bị kẹt dưới đống đổ nát vẫn chưa thống kê chính xác.
15:00 - Quãng đường dài hơn 2 km chật cứng người dân và lực lượng cứu hộ, trong số này có rất nhiều người đến tìm thông tin về người thân của các công nhân đang làm việc tại công trường.
Theo con số thống kê chính thức từ Quân khu 9, đến nay số người thiệt mạng trong vụ sập cầu Cần Thơ đến thời điểm này đã là 49 người, 87 người bị thương.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy các nhịp cầu bị sập thuộc gói thầu số 2 nằm trên địa bàn xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long). Vụ tai nạn xảy ra vào ca sáng khi đó có khoảng trên 200 công nhân thuộc Cty TNHH Vĩnh Thịnh và của nhà thầu Nhật Bản VSL.
Đặc biệt, trong số các công nhân làm việc tại công trường có rất nhiều thanh niên của xã Mỹ Hòa làm hợp đồng theo ngày với mức lương 40.000 – 50.000 đồng/ngày tại công trường.
Hiện các đơn vị đã điều 2 xe cẩu hạng nặng tới hiện trường để kéo những tấm sắt, bê tông gãy đổ để cứu những nạn nhân còn đang bị kẹt dưới đống đổ nát. Theo nhận định dưới đống đổ nát hiện vẫn còn rất nhiều công nhân bị mắc kẹt.
Một số nhân chứng có mặt tại hiện trường cũng cho biết khi sàn bê tông của 3 nhịp số 13, 14 và 15 bị sập, một công nhân đã nhảy xuống một cái hố lớn gần cầu và may mắn thoát nạn.
13:00 - Những người bị thương được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện tư nhân Tây Đô và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Một số công nhân bị thương nặng đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh).
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức đang có mặt tại hiện trường chỉ đạo khắc phục hậu quả. Nhiều cán bộ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ trực tiếp đến các bệnh viện chỉ đạo, đồng thời động viên đội ngũ y bác sĩ trong quá trình cấp cứu, điều trị người bị nạn.
Theo nguồn tin của TPO, hiện tất cả những người tử nạn đều được chuyển tới Viện Quân y 121 để thực hiện giám định pháp y. Tuy nhiên vì số người chết quá nhiều nên không đủ bác sĩ pháp y để giám định kịp thời.
Chiều nay, chính quyền địa phương đã quyết định hỗ trợ bước đầu cho thân nhân những người thiệt mạng là 2 triệu đồng/người, Cty Dược Hậu Giang cũng hỗ trợ 3 triệu đồng/người.
Đã có ít nhất 22 người thiệt mạng. Xe cấp cứu vẫn liên tục hoạt động trên các tuyến đường dẫn về các bệnh viện lớn tại thành phố Cần Thơ, chứng tỏ vẫn còn tìm thấy người bị thương tại hiện trường. UBND thành phố Cần Thơ đã huy động toàn bộ các y, bác sĩ tại 4 bệnh viện lớn tại Cần Thơ gồm:
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Tây Đô cùng lực lượng sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ với hàng trăm người, túc trực cấp cứu tại các bệnh viện và có mặt tại hiện trường, tiếp tục sơ cứu những công nhân mới được tìm thấy trong đống đổ nát.
Lực lượng công an, cảnh sát cơ động thuộc thành phố Cần Thơ, bảo vệ thuộc Cty bảo vệ Tây Sơn tại Cần Thơ với hàng trăm người đã sử dụng hàng chục tàu cao tốc, ca nô liên tục chuyển người bị thương đến bệnh viện; chuyển thi thể những người xấu số đến nơi khâm liệm.
11:30: Tại Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ, có thêm 4 công nhân tử nạn, nâng tổng số người thiệt mạng lên 15 người. Tại tất cả các bệnh viện của TP Cần Thơ đã quá tải, Sở Y tế huy động toàn bộ lực lượng y, bác sĩ tham gia cấp cứu nạn nhân.
Dưới đống đổ nát này là hàng trăm công nhân bị vùi lấp. Ảnh: Sáu Nghệ
Ngân hàng máu của các bệnh viện đang được huy động tối đa nhưng vẫn thiếu. Hàng trăm công nhân chấn thương rất nặng và phải mổ cấp cứu khẩn cấp. Tại bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, hàng người chết ngày một dài thêm. 8 phòng mổ của bệnh viện này đã nêm chặt người.
Giữa trưa, hàng ngàn người dân tập trung đông nghẹt bến Ninh Kiều mong ngóng những chuyến tàu chở các công nhân bị thương vào bờ. Những công nhân may mắn thoát nạn ngồi bệt xuống nền đất, những đôi mắt đỏ ngầu vô hồn nhìn về phía hai trụ cầu giữa sông.
Hàng trăm chiếc cáng cứu thương rỉ máu chạy liên tục... Ảnh: Kiến Giang
Tài, anh công nhân đến từ Nam Định không đứng vững, bíu lấy lan can bến tàu gào lên thảm thiết. Anh kể lại: Đang làm việc phía bên trên đường dẫn thì nghe đánh sầm một cái. Anh bị một khối bê tông rớt vào đầu, ngất xỉu. “Có hơn 150 anh em ở bên dưới” - Tài nấc nghẹn. Giữa sông, những chiếc tàu lớn nhỏ quần thảo liên tục. Hàng trăm chiếc cáng cứu thương rỉ máu chạy liên tục...
Bênh cạnh tôi, kỹ sư Nguyễn Tài Tập một tay nghe điện thoại, một tay gạt nước mắt. Tiếng đầu dây bên kia: “Đã tìm được thàng Hùng chưa em?”. Im lặng. Anh Tập chạy về phía bến tàu để nhìn người bị thương mới được đưa lên. 60 công nhân của đội anh đang nằm trong đống đổ nát.
Kỹ sư Nguyễn Tài Tập của nhà thầu VSL, là người phụ trách giám sát một đội thi công đường dẫn vào cầu, nơi có hàng trăm công nhân của 4 nhà thầu đang làm việc. Anh kể: Khi tất cả các công nhân vào làm việc dưới thân đường dẫn được 15 phút thì tất cả phần bê tông trên mặt đường, cốt thép đỡ và giàn giáo cùng đổ sập. Anh chỉ kịp nghe một tiếng “ầm” chát chúa, toàn bộ đường dẫn đã đổ xuống.
Phần đường dẫn từ bờ Vĩnh Long ra trụ cầu chính được đổ bê tông từ 2 ngày trước. Anh Tập cho biết nguyên nhân có thể là do giàn giáo đỡ quá yếu và mưa lớn trong ngày hôm qua làm sụt lún một phần móng.
Hiện tại, công tác cứu nạn vẫn đang được tiến hành. Do phần đổ nát quá lớn, chính quyền 2 tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ đã huy động toàn bộ lực lượng hàng ngàn người túc trực tại hiện trường khẩn trương cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu nạn nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng này.
11:00: Phóng viên quan sát tại hiện trường, nhận thấy có gần 30 công nhân thi công nhịp dẫn cầu Cần Thơ đã tử vong, được các ngành chức năng chuyển đến nơi khâm liệm. Hiện trường vẫn còn ngổn ngang sắt thép, bê tông, gỗ và vẫn chưa được thu dọn.
Nhiều công nhân may mắn sống sót cho biết: dưới đống đổ nát có thể còn nhiều công nhân đã chết hoặc bị thương còn mắc kẹt.
Cho đến giờ này, cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê được hết có bao nhiêu người chết và bị thương trong tai nạn này. Nhưng có ít nhất 36 người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ; trên 40 người đang được cấp cứu tại Quân y viện 121, Bệnh viện tư nhân Tây Đô, Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ.
Con số thương vong chắc chắn còn tăng cao gấp nhiều lần vì hàng trăm công nhân vẫn đang bị vùi dưới đống đổ nát. 80 công nhân thi công cầu Cần Thơ đã được chuyển đến các bệnh viện của 2 tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ.
Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, là cầu dài nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2008.
>> Tiếp tục cập nhật...
Vài nét về công trình cầu Cần Thơ
* Vị trí: Bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện tại 3,2 km về phía hạ lưu.
* Chiều dài toàn bộ tuyến dự án là 15,85 km; tổng chiều dài cầu 2.750 m, trong đó cầu dây văng dài 1.010m, cầu dẫn 1.630m.
* Khổ cầu rộng 23,1m trong đó có bốn làn xe, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.
* Khổ thông thuyền: 30x300 m và 39x110m.
* Tốc độ xe chạy theo thiết kế: 80 km/h (qua các khu dân cư 60km/h).
* Kỹ thuật: Cầu được thiết kế vĩnh cửu theo dạng dây văng, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bêtông cốt thép dự ứng lực.
* Trụ tháp: dạng hình chữ Y ngược, cao 164,8m tính từ bệ cọc.
* Vốn đầu tư: khoảng 300 triệu USD, tương đương 4.841 tỷ đồng.
* Thời gian thực hiện: 2004 - 2008.