95% hộ dân có điện
Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, là tỉnh miền núi với 12 dân tộc sinh sống (84% là dân tộc ít người), có 250 km đường biên giới giáp Lào nên việc cấp điện lưới quốc gia là bước đột phá cho cuộc sống của người dân. Hiện, 100% xã, phường, thị trấn của Sơn La với 214.000 hộ dân (chiếm 84%) có điện lưới quốc gia.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư, UBND tỉnh Sơn La đã thành lập Ban chỉ đạo dự án cùng bộ ngành Trung ương chung tay thực hiện để hết 2015 cấp điện lưới cho trên 30.000 hộ dân. Tổng mức đầu tư của dự án 557 tỷ đồng (vốn ngân sách 85%; vốn đầu tư Tổng Cty Điện lực miền Bắc chiếm 15%).
Dự án cấp điện cho 557 bản thuộc 10 huyện và thành phố, giao cho Cty Điện lực Sơn La thực hiện. Dự án ưu tiên đầu tư xã chưa có điện lưới quốc gia như Hua Nhàn, Háng Đồng (Bắc Yên), Tân Xuân (Mộc Châu); bản thuộc biên giới Việt – Lào và các bản có từ 50 hộ dân trở lên, có đường giao thông để vận chuyển vật tư, thiết bị xây dựng hệ thống đường điện.
Ông Phạm Văn Long, Phó giám đốc Cty Điện lực Sơn La cho biết, hết tháng 11/2014, dự án đã đóng điện và đưa vào khai thác với 314km đường dây 35kV và 22kV; 573km đường dây 0,4kV; 146 trạm biến áp và lắp xong 17.213 công tơ điện cho các hộ dân. Đã có 70 xã với 337 bản được cấp điện lưới quốc gia. Bốn gói thầu cuối cùng lắp đặt điện cho 1.298 hộ dân sẽ hoàn thành trong năm 2015. Tổng số hộ được sử dụng điện lưới toàn tỉnh lên 95%.
Thực hiện quyết định của Chính Phủ về chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020, tỉnh Sơn La đã rà soát, tổng số còn 380 bản với 27.000 hộ dân chưa có điện lưới. Dự kiến, để cấp điện cho số hộ dân này cần tới 1.800 tỷ đồng đầu tư 1.000km đường dây trung áp; 1.500km đường dây hạ thế và 380 trạm biến áp.
Thoát nghèo nhờ điện
Xã Chiềng Sơ là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Sông Mã, nằm trong dự án với gần 1.300 hộ dân được cấp điện. Sau khi được cấp điện từ cuối năm 2013, cuộc sống người dân thay đổi. Người dân mua sắm máy xay xát để sản xuất kinh doanh, ngoài điện thắp sáng, trong nhà còn sắm thêm tivi, đầu kỹ thuật số, đầu thu để giải trí sau ngày làm việc mệt mỏi. Gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (bản Thắng Lợi, xã Chiềng Sơ) sau khi có điện về bản đã mạnh dạn vay ngân hàng 60 triệu đồng mua máy xay xát gạo, nghiền bột ngô. Mỗi ngày chị xay xát hàng chục bao thóc (mỗi bao giá 10 nghìn đồng) cho bà con. “Trừ tiền điện, mình kiếm được hơn 100 nghìn đồng tiền công xát gạo cho bà con mỗi ngày. Mình còn nuôi thêm nhiều lợn, gà mà không phải lo chuyện xay cám nữa”, chị Thủy cho biết.
Theo ông Tòng Văn Công Phó Chủ tịch xã Chiềng Sơ, đường dây 35kV đi qua xã từ lâu nhưng cuối năm 2013, 25/26 bản của xã với 1511 hộ dân mới có điện lưới để sử dụng. Trước đây người dân chỉ dùng đèn dầu hoặc điện từ các máy thủy điện nhỏ dựa vào nguồn nước kênh mương. Tuy nhiên, công trình thủy điện nhỏ này ảnh hưởng lớn đến nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Từ ngày có điện, cuộc sống người dân thay đổi rất nhiều, nhà nhà đã mua được ti vi, trình độ dân trí nâng cao, trẻ em có điện sáng học bài.
Ông Công vui mừng chỉ cho chúng tôi dàn máy vi tính, máy in, máy photocoppy đặt tại văn phòng UBND xã. “Có điện rồi, chúng tôi mới tiếp cận với công nghệ thông tin. Các thông báo, tài liệu tuyên truyền pháp luật cứ in ra gửi đến bà con thuận lợi lắm. Trước đây, muốn in thông báo đưa về các bản phải ra trung tâm huyện cách xã gần 20km. Nếu không phải chép tay lâu lắm”, ông Công khoe.
Theo ông Công, sau 1 năm có điện, số hộ nghèo trong xã giảm từ 43% (năm 2013) xuống còn 36% (năm 2014). Trước khi có điện, người dân trồng ngô phải phơi nắng và không có phương tiện phơi sấy, bảo quản nên bị tư thương ép giá. Khi có điện, người dân đưa nông sản vào phơi sấy, nhiều hộ xây lò sấy bằng điện lưới với quy mô vài trăm tấn, gấp hàng chục lần so với trước khi có điện.
Trên con đường chạy dọc bản Thắng Lợi, nhà nhà đều có đầu thu kỹ thuật số, từng kho ngô hàng chục tấn chất đầy. Đời sống của người dân đang ngày nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.