Thành công và thành danh từ các lĩnh vực đó, Tập đoàn Sao Mai còn nhanh nhạy “bén duyên” với ngành du lịch, chuỗi nhà hàng, khách sạn, Resort nghỉ dưỡng trong nhiều năm qua.
Chỉ trong 2 năm trở lại đây, Sao Mai liên tiếp thâu tóm 3 CT Du lịch có cổ phần của Nhà nước: Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Du lịch Phú Hùng – Phú Quốc và Công ty Cổ phần Du lịch An Giang
PV: Xin chào ông. Thưa ông, âm thầm “bén duyên” hay nói một cách khác là lần lượt thâu tóm thành công đến 3 Cty Du lịch có cổ phần của Nhà nước. Vậy “sự may mắn nào” đã mang đến cho Sao Mai hay còn một điều gì khác hơn ?
CT HĐQT Lê Thanh Thuấn: Trong kinh doanh luôn có những thách thức và đan xen nhiều cơ may. Nhưng đã là một nhà quản lý thì điều quan trọng hơn là chúng ta phải tạo ra cơ hội chứ không phải chờ vào cơ may. Tôi cho rằng, may mắn không chưa đủ mà phải có tầm nhìn. Chính tầm nhìn cùng với cái tâm của người lãnh đạo sẽ là cốt lõi để tạo ra thuận lợi.
Tất cả chúng ta còn nhớ, năm 2008 khi “cơn bão” suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu tràn vào Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã đối phó không kịp và gánh chịu sự “tàn phá” khủng khiếp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khi “giông tố” của cơn khủng hoảng đi qua, đa số các doanh nghiệp bị lâm vào cảnh khó khăn, bế tắc tột cùng. Đứng trước “hậu quả nặng nề” này, Nhà nước phải khẩn trương thực hiện việc cổ phần hóa. Chúng tôi đã thấy rõ điều này nên cũng có kế hoạch “thế chân vào chỗ trống“. Và như vậy, đã đến lúc Sao Mai ghi tên của mình trong một lĩnh vực mới khi qua thực tiễn nhiều năm, nguồn nhân lực của Tập đoàn đã “thừa sức” kiểm soát du lịch. Sao Mai đã nhanh tay nắm bắt cơ hội và mạnh dạn đầu tư vào những công ty đó.
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã sở hữu 3 công ty du lịch mang thương hiệu lâu đời với cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư rất chuyên nghiệp, cùng đội ngũ nhân viên hiện hữu đã dày dạn kinh nghiệm, yêu nghề. Đó là những “hành trang” không phải một sớm một chiều có thể xây dựng được. Vì thế khi hoạch định vào ngành du lịch, chúng tôi đã có lợi thế nắm giữ một “tài sản vô hình lẫn hữu hình” khá vững chắc, từng bước tạo nên xung lực mới cho các công ty. Đây là những minh chứng sống cho việc đầu tư ngoạn mục vào lĩnh vực du lịch của Sao Mai trong chiến lược phát triển đa ngành của mình..
PV: Vậy ông lo ngại điều gì khi “mua lại “ những CT du lịch hoạt động chưa hiệu quả đó?
Ông Lê Thanh Thuấn: Tại sao phải lo ngại! Trong khi tôi đang rất hào hứng. Vì chỉ một thời gian ngắn tôi đã có cả 3 thứ: Tài sản hữu hình (cơ sở vật chất, thị trường, nguồn khách hàng), tài sản vô hình (nguồn nhân lực chuyên nghiệp quản trị du lịch) và đặc biệt đó là thương hiệu và uy tín. Sợ thất bại ư? Không sợ, khi chúng ta đã biết bản chất của yếu tố gây ra thất bại trong mỗi doanh nghiệp, chúng ta sẽ có cách triệt tiêu nó ngay, càng sớm càng tốt.
Các bạn biết đấy, tiềm năng du lịch đến từ điều kiện khách quan nhưng biến tiềm năng thành khả năng phụ thuộc vào tầm nhìn và ý chí của con người. Nhiều người vẫn nghĩ đơn giản rằng có tiền là sẽ thay đổi được bộ máy, phương thức quản lí hay đầu tư được cơ sở vật chất mới,…cho các công ty du lịch cũ. Tuy nhiên, tiền mới là điều kiện đủ và điều kiện cần đó là nguồn nhân lực quản trị và phương thức quản lý.
PV: Xây dựng mới thì dễ nhưng sửa đổi cái cũ để biến thành cái mới cho mình thì quả là khó. Sao Mai đã làm gì để xoay chuyển tình thế?
Ông Lê Thanh Thuấn: Phóng viên có bao giờ nghe “Con tàu rất an toàn khi neo đậu tại cảng, nhưng người ta đóng tàu không phải vì mục đích đó”. Trong giông bão anh mới biết đâu là vị thuyền trưởng dũng cảm & mưu trí và có tầm. Và chinh chiến trên thương trường ta mới đánh giá được con tàu nào có sức bền bỉ. Do đó, nếu nói Sao Mai mạo hiểm cũng đúng nhưng chưa đủ mà phải nói rằng chúng tôi dám đương đầu với những thách thức, phát triển ổn định trong mọi hoàn cảnh. Vì để tái cấu trúc lại các doanh nghiệp du lịch này, Sao Mai phải nghiên cứu thật kỹ và từng bước đổi mới một số phương diện, trong đó tái cấu trúc nguồn nhân lực và ứng dụng phương thức quản lý mới được xem là quyết sách.
Thứ nhất là tăng cường nguồn nhân lực tốt để sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo và đổi mới về cơ chế phương thức quản lí. Tập đoàn sẽ đánh giá và giữ lại những bộ phận có khả năng phát triển; những bộ phận không có tiềm năng và bộc lộ yếu kém sẽ được cô lập và xử lý cho phù hợp với sự quản lí mới.
Thứ hai là nâng cấp, đầu tư thêm cơ sở vật chất khang trang, hiện đại tại những vị tri tiềm năng cho các công ty cũ để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong thời buổi hội nhập. Tuy vậy, Sao Mai vẫn luôn đề cao vấn đề nguồn nhân lực. Với Tập đoàn, không có tài sản nào quý giá hơn con người, họ là những người “đồng tay chèo” con thuyền mang tên Sao Mai vươn ra biển lớn nên chúng tôi đã giữ lại 100% nguồn nhân lực ở các công ty du lịch cũ. Tiếp theo sẽ mở nhiều lớp đào tạo chuyên môn cho cán bộ công nhân viên (CBNV) nâng cao nghiệp vụ, những nhân lực bố trí chưa phù hợp sẽ được luân chuyển sang các vị trí khác phù hợp hơn và cử những người có tiềm năng phát triển đi du học nước ngoài để nâng cao trình độ nhằm bổ sung cho bộ máy hiện nay. Đó là bài học “Đắc nhân tâm” về cách quản trị nhân sự, tạo nên thành công cho Tập đoàn.
Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh với các doanh nghiệp “cổ thụ” trong ngành du lịch cũng là điều mà tôi quan tâm, nhưng quan điểm của Sao Mai là “tập trung vào khách hàng chứ không phải đối thủ cạnh tranh” nên tôi luôn lấy “trách nhiệm” làm “gốc rễ” cho sự phát triển. “Hiểu ý khách hàng, hợp lòng nhân viên”, là một trong những chìa khóa giúp Sao Mai tái cấu trúc các công ty du lịch cũ sau khi đã chi phối. Hơn hết, vấn đề không thiếu phần quan trọng là phải tạo ra sự đoàn kết trong những công ty mới thành một khối thống nhất để có sức mạnh to lớn nhất gánh vác sứ mệnh chung mà Tập đoàn đề ra.
PV: Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp là công ty đầu tiên có cổ phần Nhà nước mà Sao Mai sở hữu. Ông có thể chia sẻ cụ thể về quá trình tái cấu trúc từ công ty này.
Ông Lê Thanh Thuấn: Sau thời gian tiếp quản, chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân thất bại của CT CP DL Đồng Tháp. Đây là một bài toán khó cho Sao Mai khi tiến hành chi phối, quản lí CT này. Làm thế nào để có thể mang lại sự biến hóa mới cho CT CP Du lịch ĐT với những “khuyết tật” cũ như thế. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải có chiến lược đúng đắn, thay đổi từ phương thức quản lí, cơ sở vật chất đến chiến lược kinh doanh để tạo nên “trạng thái” mới cho công ty này.
Ở CT CP Du lịch Đồng Tháp có một lực lượng CBNV dày dặn kinh nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy CT này lại phân bổ vốn không hợp lí. Những nơi có tiềm năng thì lại không được đầu tư vốn để phát triển. Trong khi số lượng vốn “chính yếu” của CT lại rót hết vào những nơi khác. Điển hình là khu du lịch Mê Kông, một địa chỉ chiếm hết vốn chủ sở hữu của CT này mà hiệu quả kinh doanh hàng năm thì lại không khả quan. Chúng tôi biết, chủ đầu tư có khát vọng đưa Mê Kông thành khu du lịch sầm uất để đón khách bạn và khách vùng biên ở đây, nhưng khu du lịch này lại thuê công ty tư vấn thiết kế không có chuyên môn để hoạch định không gian nhằm khai thác tiềm năng đó đúng mức, dẫn đến đầu tư manh mún, thiếu khoa học để lại nhiều bất cập như: chất lượng dịch vụ tồi, cơ sở hạ tầng phản logic, không đạt chuẩn, không làm hài lòng khách hàng,…biến một nơi tiềm năng thành một nơi hỗn độn. Vấn đề có phải là do chủ đầu tư đã hoạch định chiến lược sai ? Điều tôi muốn nói chính là do công ty cũ đã đầu tư vốn quá tham vào khu du lịch Mê Kông một cách thiếu biện chứng từ một đồ án thiết kế thiếu tư duy, dẫn đến chưa biết cách “tôn tạo” cho nơi đó có những điểm đột phá xứng tầm với số vốn đã đổ vào.
Ngoài việc triển khai tái cấu trúc lại CT này, Sao Mai còn nhận thấy được tiềm năng của Đồng Tháp trong chiến lược phát triển du lịch ở ĐB SCL. Vì thế, chúng tôi đã “khai thác” thêm nhiều điểm “vàng “ ở tỉnh. Cụ thể đó là địa danh Sa Đéc, Tập đoàn đang tiến hành xây dựng một nhà hàng hiện đại ở đây để phục vụ cho các sự kiện lớn, và đang tham gia đấu thầu triển khai dự án khách sạn 5 Sao bên cạnh Coopmart Sa Đéc. Những động thái này góp phần thổi luồng sinh khí mới cho vùng đất Sa Đéc cũng như mang lại những điểm sáng mới cho du lịch Đồng Tháp.
Mặc dù còn gặp một số trở ngại nhưng Sao Mai vẫn đang tiếp tục công cuộc kiến tạo ngành du lịch cho những công ty đã chi phối. Câu chuyện tái cấu trúc ấy sẽ phần nào “đánh thức” tiềm năng du lịch khu vực, giúp Sao Mai khai thác hiệu quả và phát triển bền vững ngành du lịch trong thời gian không xa.
PV: Vâng xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi vô cùng thú vị này. Đến đây chúng tôi đã hiểu vì sao nhiều người đã gọi ông là “Người thắp lửa” và “Người truyền lửa” cho hơn 7.000 nhân sự trong Tập đoàn luôn nhiệt huyết tinh thần làm việc, cống hiến. Du lịch có từ điều kiện tự nhiên nhưng làm du lịch đến từ những con người biết cách khai thác và quản lý.
Ngày 12/12 tới đây, tại thành phố Long Xuyên, Tập đoàn Sao Mai sẽ ra mắt Ban lãnh đạo CT Cổ phần du lịch An Giang. Sự kiện này cũng là “nghi thức chào đón” CT du lịch An Giang về với Sao Mai Group để trở thành thành viên thứ 16 trong Tập đoàn. Chỉ trong chưa đầy 5 năm, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã chứng kiến “cú nhảy ngoạn mục” của Sao Mai về qui mô sở hữu thành viên, nguồn nhân lực hơn 7.000 người và số vốn điều lệ gần 6.000 tỷ đồng. Từ một “Ông lớn về uy tín” trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, xuất khẩu thủy sản, chế biến bột cá mỡ cá thô, thực phẩm gia vị thì nay Sao Mai lại tiếp tục vinh danh trên lĩnh vực : Du lịch & chuỗi nhà hàng khách sạn.