Sao chưa dùng vắc-xin?

Sao chưa dùng vắc-xin?
Tính đến ngày 26/1, trong 27 tỉnh đã bùng phát 552 ổ dịch tại 294 xã của 105 huyện...

Theo Cục Thú y, trong ngày 26/1, đã có thêm 2 tỉnh bùng phát ổ dịch cúm gia cầm là Bắc Ninh và Quảng Bình, khiến 340 gia cầm chết và bị tiêu huỷ, nâng số tỉnh có ổ dịch cúm gia cầm lên 27 (chưa tính tỉnh Đăk Lăk có 1 ổ dịch đang chờ xét nghiệm).

Số gia cầm chết và tiêu hủy trong ngày 26/1 là: 2636 gà; 18.285 vịt, ngan và 67.000 chim cút. Như vậy, tính đến ngày 26/1, trong 27 tỉnh đã bùng phát 552 ổ dịch tại 294 xã của 105 huyện.

Ngoài 5 tỉnh đã qua 12 đến 17 ngày không bùng phát thêm ổ dịch mới và một số tỉnh chỉ có 1 - 3 xã có ổ dịch, các tỉnh còn lại vẫn đang trong tình trạng bị dịch cúm gia cầm hoành hành.

Tỉnh Long An từ ngày 17 - 26/1 đã bùng phát 140 ổ dịch trên địa bàn 30 xã thuộc 13/14 huyện. Đây cũng là tỉnh có số gia cầm bị tiêu huỷ nhiều nhất: 51.453 gà; 48.675 vịt, ngan và 170.600 chim cút.

Tỉnh Bạc Liêu có 35 điểm ở 18 xã thuộc 6/6 huyện; số gia cầm chết lên đến 69.628 con.

Tỉnh Bến Tre có 18 xã ở 5 huyện có ổ dịch; số gia cầm chết và tiêu huỷ là 150.000 con.

Theo quy định về công bố dịch thì trong 3 ngày tới, nếu các tỉnh vẫn không khống chế được tốc độ lây lan của dịch cúm gia cầm thì khả năng phải công bố dịch trên cả nước là rất lớn. Nhiều người đã nóng lòng với những phương pháp dập dịch, khống chế dịch đang triển khai rất ổn định trong hơn 1 tháng qua.

Theo một quan chức của ngành nông nghiệp, các biện pháp dập dịch: tiêu huỷ, khử trùng, tẩy uế, ngăn chặn vận chuyển vẫn chỉ là những biện pháp thực hiện bên ngoài môi trường. Phương pháp khống chế từ bên trong là tiêm vắc- xin vào cơ thể gia cầm để tạo sự miễn dịch chưa được thực hiện.

Cục Thú y và Viện Thú y đến nay vẫn đưa ra cảnh báo: “Nếu dùng vắc-xin khả năng xảy ra biến chủng rất lớn và nguy hiểm”. Nhưng với các biện pháp đang thực hiện, có khống chế được dịch cúm gia cầm hay không đã trở thành câu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore đã sử dụng vắc-xin phòng cúm cho gia cầm để chống dịch. Khi tiêm phòng vắc-xin, H5N1 có biến chủng hay không, các nhà khoa học Việt Nam chưa đưa ra được kết luận cụ thể.

Đến nay, nhiều tỉnh bùng phát ổ dịch cả 10 ngày mới công bố được chính xác ổ dịch đó có dương tính với H5N1 (tỉnh Quảng Bình có ổ dịch từ ngày 18/1, tỉnh Bắc Ninh có ổ dịch từ ngày 23/1, nhưng đến ngày 27/1 mới kết luận được gia cầm chết dương tính với H5N1).

Rất nhiều tỉnh khác có ổ dịch bùng phát, nhưng 4 - 5 ngày sau đó mới công bố được ổ dịch. Thực tế này cho thấy, việc xét nghiệm chậm trễ đang làm ảnh hưởng đến tiến độ dập dịch hoặc là nhiều địa phương có ổ dịch bùng phát nhưng bưng bít thông tin, chậm báo cáo với cơ quan chức năng. Dù với lý do gì thì đây cũng là nguyên nhân đang cản trở việc dập dịch hiệu quả.

Trong 3 ngày qua, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục đi kiểm tra tại các tỉnh. Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đi kiểm tra, chỉ đạo chống dịch ở Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng.

Có dùng vắc-xin, thay đổi cách chống dịch sớm hay không còn phụ thuộc vào kết quả của đợt thị sát này.

Miền Bắc:

Phát hiện thêm 3 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1

Thêm 3 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 được khẳng định thông qua kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm, một nguồn tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết chiều 27/1.

Các bệnh nhân này là Nguyễn Xuân Đại - 30 tuổi ở Phú Thọ, nhập viện ngày 25/1; Phạm Xuân Quỳ - 66 tuổi, Hà Nội, nhập viện ngày 23/1; Hàn Ngọc Mạnh - 30 tuổi, Hưng Yên, nhập viện ngày 22/1.

Cả 3 trường hợp này đang điều trị tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới. Đáng mừng là tình trạng bệnh của cả 3 đang tiến triển tốt.

Như vậy, tính đến thời điểm này, tại miền Bắc đã phát hiện 6 trường hợp nhiễm H5N1, một bệnh nhân đã tử vong. Bệnh nhân Nguyễn Thanh Hưng (Hà Nội), sẽ được xuất viện vào hôm nay (28/1).

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ TW, trước khi mắc bệnh, 2 bệnh nhân Quỳ và Mạnh đã có những hoạt động liên quan tới gia cầm bị bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia dịch tễ đang điều tra tìm rõ nguyên nhân mắc bệnh của bệnh nhân Đại.  

 Sóc Trăng:

Thêm một ổ dịch cúm gia cầm

Ông Nguyễn Văn Tư – Trưởng trạm thú y thị xã Sóc Trăng - cho biết tình hình dịch cúm gia cầm ở thị xã Sóc Trăng đang diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Đã có ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại phường 8 ở hộ ông Nguyễn Phúc Trung với trên 30 con gà, vịt và ngỗng bị nhiễm virus H5N1. 

Sáng 26/1, tại khóm 5 (phường 9) đàn vịt 200 con của hộ ông Nguyễn Trung Thành bị chết hàng loạt với số lượng gần 70 con. Sau khi phát hiện vịt chết với những triệu chứng của bệnh cúm gia cầm, ông Thành đã nhanh chóng thông báo với ngành thú y thị xã đến tiêu hủy toàn bộ đàn vịt bị bệnh và lấy mẫu huyết thanh gửi đi xét nghiệm.

Như vậy, từ ngày 19 - 27/1 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xuất hiện hai ổ dịch ở thị trấn Mỹ Xuyên và phường 8 (thị xã Sóc Trăng).  

TP.Hồ Chí Minh: 

Không triển lãm chim kiểng trong dịp Tết

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo không cho phép các hoạt động triển lãm chim kiểng trong dịp Tết nhằm tránh  lây lan virus cúm gia cầm.

Cũng theo ông Nhân, thành phố có chủ trương chuyển toàn bộ các cơ sở chăn nuôi gà, chim cút, gà chọi ra ngoại thành vào thời điểm sau Tết và chấm dứt các hoạt động chăn nuôi gia cầm trong nội thành. 

MỚI - NÓNG