Theo Discovery News, sao chổi Catalina có tên khác là C/2013 US10. Sao chổi này được phát hiện vào tháng 10/2013 thông qua dự án Catalina Sky Survey của Đại học Arizona, Mỹ. Ở thời điểm đó, nó mờ hơn so với mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường khoảng một triệu lần. Trong lúc sử dụng hai kính thiên văn có đường kính 1,5 mét và 68 cm để tìm kiếm các thiên thể gần Trái Đất (NEO), đội khảo sát đã phát hiện ra Catalina.
Khi được phát hiện, Catalina vẫn đang bay hướng về phía Mặt Trời với tốc độ hơn 165.000 km/h. Nó đến gần Mặt Trời nhất trong năm nay vào ngày 15/11. Ảnh chụp qua kính thiên văn của nhiếp ảnh gia Chris Schur ở Arizona,Mỹ, hôm 22/11 cho thấy ngôi sao chổi có hai đuôi tạo thành một góc rộng. Màu xanh lá cây ở đuôi sao chổi là màu sắc của các hợp chất cacbon phát sáng dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím từ Mặt Trời. Hiện nay, Catalina đang bay qua vành đai phía trong hệ Mặt Trời.
Catalina sẽ tiếp cận Trái Đất ở khoảng cách gần nhất (110 triệu km) vào ngày 17/1/2016, gấp 280 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Vệt đuôi mờ trải dài của Catalina sẽ xuất hiện trên bầu trời Trái Đất vào hôm 31/12, gần ngôi sao màu đỏ Arcturus trong chòm sao Bootes.