Sáng tạo vì cộng đồng

Ngô Văn Mạnh (ngoài cùng bên trái) và nhóm nghiên cứu nhận giải nhất Nhân tài Đất Việt 2010
Ngô Văn Mạnh (ngoài cùng bên trái) và nhóm nghiên cứu nhận giải nhất Nhân tài Đất Việt 2010
TP - Làm trưởng phòng IT một Cty máy tính khi là sinh viên năm thứ ba, Trưởng dự án 3G Cty Mimas ở tuổi 23, Ngô Văn Mạnh (SN 1986) cho rằng bí quyết thành công là cháy hết mình cho đam mê.

Mạnh còn được biết đến với nhiều giải thưởng khoa học công nghệ trong nước và quốc tế có tính ứng dụng cao cho cộng đồng, cho người có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây nhất là gương mặt ấn tượng trong đề cử giải Quả Cầu Vàng 2010.

Ngô Văn Mạnh (ngoài cùng bên trái) và nhóm nghiên cứu nhận giải nhất Nhân tài Đất Việt 2010
Ngô Văn Mạnh (ngoài cùng bên trái) và nhóm nghiên cứu nhận giải nhất Nhân tài Đất Việt 2010.

Làm sếp khi ở giảng đường

Chàng trai quê ở Tiên Du, Bắc Ninh cho biết, từ ngày đầu vào học lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Bắc Ninh cậu bị cuốn hút bởi chiếc máy tính của bạn cùng lớp. "Thích nhưng không có điều kiện để mua máy, hồi đó mình chỉ dùng ghé máy tính với bạn thôi", Mạnh tâm sự.

Năm học lớp 12, thừa hưởng chiếc máy tính cũ của anh trai, cậu bắt đầu mày mò, tự học, tìm hiểu về hệ điều hành Windows, về Word, Excel... Đam mê máy tính càng bùng cháy trong Mạnh khi cậu trở thành sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ thông tin năm 2005. "Không ít lần mình thức trắng đêm vì chiếc máy tính", Mạnh kể lại.

Ngay từ năm thứ hai ĐH, cậu tham gia nhóm nghiên cứu xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Chính sự năng động cộng với kiến thức tốt đã giúp Mạnh dễ dàng có việc làm khi đang là sinh viên năm thứ ba. "Em đi thực tập ở Cty Mimas, nơi xây dựng trang web quảng cáo, vận dụng những kiến thức về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, em được mời làm part time tại Cty", Mạnh kể. Số tiền 1 triệu đồng/tháng giúp cậu sinh viên xa nhà trang trải một phần tiền trọ và sinh hoạt.

Gần 1 năm làm việc tại Cty, Mạnh bật lên trở thành trưởng phòng, chuyên nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên mặc dù đang làm part time. Con đường từ một thực tập sinh lên sếp với cậu thênh thang. Lý giải điều ấy, Mạnh tâm sự: "Quan trọng là có đam mê. Mình tâm niệm khi làm việc hết sức có thể, cống hiến bằng sức trẻ và sáng tạo, thành công sẽ đến".

Mạnh có thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng khi đang là sinh viên năm thứ tư ĐH trước sự ngưỡng mộ của bạn bè đồng trang lứa. Khi ấy Mạnh bắt đầu làm cho Cty Mimas. Thời gian ngắn sau, cậu làm trưởng dự án 3G Cty này ở tuổi 23.

Mạnh còn có kinh nghiệm 2 năm làm thầy ở giảng đường, giảng về công nghệ, phần mềm, xây dựng các project trên nền .NET... cho sinh viên ở các buổi hội thảo tại trường.

Công nghệ cho người thua thiệt

Một lần đến bệnh viện, Mạnh cùng nhóm bạn chứng kiến hình ảnh bà mẹ ngồi khóc nức nở bên đứa con bị bệnh động kinh. Đứa bé lên cơn giãy giụa nhưng người mẹ không thể hiểu nổi hành động của con, không hiểu được con mình đang muốn gì để chiều nó. Thương con, người mẹ bất lực ôm con khóc. Công trình nghiên cứu Hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán các bệnh liên quan đến thần kinh của Mạnh và nhóm nghiên cứu ra đời từ nỗi ám ảnh đó.

Nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân bị bại liệt. Từ những biểu hiện của khuôn mặt, cảm xúc hay suy nghĩ của bệnh nhân, hệ thống sẽ thu nhận tín hiệu từ não bộ bệnh nhân truyền về hệ thống máy tính, máy tính tự động phân tích, xử lý các trạng thái, sau khi phân tích hệ thống máy tính tự tìm ra được loại bệnh và gửi thông tin vào di động của bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Hệ thống phán đoán được khi nào bệnh nhân lên cơn động kinh.

Với ý nghĩa đó, sản phẩm này đã đạt giải nhất ImagineCup 2009 cấp Việt Nam và Ban giám khảo chung kết cuộc thi ImagineCup quốc tế tại Ai Cập đánh giá cao. Khi đó Mạnh đang là sinh viên năm thứ tư.

Ngô Văn Mạnh tại Imagine Cup quốc tế 2009 (Cairo - Ai Cập)
Ngô Văn Mạnh tại Imagine Cup quốc tế 2009 (Cairo - Ai Cập).

Hệ thống số hóa tư duy con người, giải nhất Nhân tài Đất Việt 2010 là công trình nghiên cứu nhóm nghiên cứu của Mạnh tiếp tục phát triển từ thành công của đề tài trên.

Hệ thống phần mềm này dùng để nhận dạng các trạng thái con người: nhận dạng trạng thái khuôn mặt (cười, nhếch mép…), nhận dạng trạng thái xúc cảm (xúc động, vui vẻ, căng thẳng,…), nhận dạng trạng thái suy nghĩ (phán đoán được hành động từ biểu hiện của suy nghĩ). Với công trình nghiên cứu này, người nhà bệnh nhân bại liệt có thể hiểu được bệnh nhân đang muốn tắt điện, ăn cơm, uống nước…từ các biểu hiện của khuôn mặt.

Công trình nghiên cứu này có thể ứng dụng trong công tác an ninh, điều tra như nhận biết nghi phạm, tội phạm nói dối hay không.

Những đề tài khoa học mà Mạnh cùng nhóm bạn nghiên cứu đều hướng đến người thiệt thòi, người có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện Mạnh vừa đi làm, vừa học thạc sỹ, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu công nghệ, hướng tới cộng đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG