Sáng tạo: Khi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi 'lên' Facebook

Trang cá nhân của danh nhân Nguyễn Du dưới sự sáng tạo của học sinh. Ảnh: Hoài Linh
Trang cá nhân của danh nhân Nguyễn Du dưới sự sáng tạo của học sinh. Ảnh: Hoài Linh
Trang cá nhân dành cho Nguyễn Du, Nguyễn Trãi là kết quả từ bài tập về nhà của học sinh lớp 10, trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM.

Những hình ảnh vẽ lại timeline của hai tác giả văn học lớn thời kỳ trung đại được đăng trên diễn đàn Học văn - Văn học thu hút sự chú ý của các bạn trẻ.

Đây là bài tập về nhà của các học sinh lớp 10TA và 10A16, trường THPT Võ Thị Sáu với yêu cầu vẽ lại trang cá nhân của hai tác giả văn học Nguyễn Du và Nguyễn Trãi bằng sự tưởng tượng của mỗi bạn.

Tác giả văn học đến gần với học sinh

Học sinh lập tài khoản Facebook Nguyễn Du, Nguyễn Trãi và rất chịu khó cập nhật xu hướng của giới trẻ hiện nay. Từ những bài hát đang nghe, đến cách trò chuyện, cách đăng các trạng thái đều rất trẻ trung, hài hước.

Nhiều độc giả bật cười thích thú với những tưởng tượng của các bạn trẻ. Nguyễn Du - tác giả của Truyện Kiều cũng thích nghe Người lạ ơi và nhắn tin riêng với Nguyễn Trãi để kêu gọi thả tim cho trạng thái vừa đăng.

Điều thú vị hơn nằm ở danh sách bạn bè của tác gia Nguyễn Du. Dường như ông có thể kết bạn xuyên thời gian, từ những nhân vật trong tác phẩm, tác giả cùng thời đến cả những tác giả văn học hiện đại.

Sáng tạo: Khi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi 'lên' Facebook ảnh 1

Nguyễn Trãi làm thơ đăng Facebook và kêu gọi ý kiến nhận xét. Ảnh: Hoài Linh.

Đối với các bạn học sinh có lẽ trang cá nhân của Nguyễn Trãi sẽ nghiêm túc hơn. Nếu Nguyễn Trãi dùng Facebook, ông sẽ làm thơ, đăng lên trang cá nhân để bạn bè cùng nhận xét. Facebook có thể sẽ trở thành văn đàn, thi đàn nếu nó xuất hiện vào thời kỳ văn học trung đại.

"Chết cười với mấy em, quá sáng tạo, sáng tạo không tưởng", nick name Dương Thị Huyền nhận xét.

Bạn Hồ Hoàng lại ao ước: "Giá như ngày xưa thầy mình cũng cho học như thế này thì điểm văn mình cũng đâu tệ".

Cách học mới

Thầy Nguyễn Hoài Linh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Võ Thị Sáu - người trực tiếp ra bài tập này cho biết: "Đây là bài tập phục vụ cho việc tìm hiểu về thể loại văn thuyết minh, cụ thể là thuyết minh về các tác giả văn học. Mình nghĩ ra bài tập này như một cách thay đổi hình thức kiểm tra cho các em".

Sáng tạo: Khi Nguyễn Du, Nguyễn Trãi 'lên' Facebook ảnh 2

Trang cá nhân đầy đủ thông tin của Nguyễn Trãi. Ảnh: Hoài Linh.

"Thông thường giáo viên cung cấp kiến thức, học sinh tiếp thu và biến kiến thức đó thành cái của mình sau đó cho các em kiểm tra trên giấy. Tuy nhiên, nếu học sinh tự học, tự tìm hiểu trước sẽ khiến các em thoải mái và tự định vị được kiến thức. Khi giáo viên sửa bài thì học sinh một lần nữa được học từ chính cái sai của mình thì chắc chắn các em sẽ tiếp thu tốt và hiểu bài hơn", thầy Linh lý giải về cách dạy học sáng tạo này.

Với yêu cầu lập trang Facebook bằng cách phác thảo trên giấy A4, chỉ dùng bút chì và không tô màu, những bài làm gửi về khiến thầy Linh bất ngờ vì sự sáng tạo của học sinh.

"Để tạo sự chủ động cho học sinh, mình yêu cầu các bạn tìm hiểu trước về hai tác gia này và vẽ trang cá nhân của hai vị sau đó mình mới giảng kiến thức sau. Dù không giảng giải chi tiết cách làm như thế nào nhưng đa số những bài mình nhận đều thực hiện khá tốt và nhiều bài có đầu tư, sáng tạo, hài hước", thầy Linh nói.

Giáo viên này cho hay vì đây là bài tập yêu cầu học sinh tự tìm hiểu trước nên chắc chắn sẽ có những chi tiết sai trong bài làm. Nhưng những lỗi sai này sẽ không bị trừ điểm nặng, vì khi các bạn tự tìm hiểu chắc chắn sẽ có đúng có sai. Đến lúc phát bài, giáo viên sẽ giảng và định hướng lại kiến thức cho học sinh.

Đồng thời, thông qua những gì các bạn thể hiện qua bài làm, giáo viên sẽ hiểu được phần nào cách suy nghĩ của từng học sinh. Từ đó giáo viên sẽ lồng ghép nội dung hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội văn minh trong buổi sửa bài.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG