Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp

Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp
TPO – 21h hôm nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, tâm bão số 1 ở Hải Phòng và Thái Bình. Cho đến 1 - 2 giờ sáng mai, dự báo, bão bắt đầu suy yếu thành ấp thấp; đến trưa mai cơ bản bão hết nguy hiểm.

>>Trưa nay, bão vào Hải Phòng - Nghệ An
>>Sơ tán hàng chục ngàn dân tránh bão
>>Hàng không liên tục huỷ nhiều chuyến bay để tránh bão

Bão đổ bộ vào bờ biển Đồ Sơn, Hải Phòng
Bão đổ bộ Hải Phòng. Ảnh: Phạm Duẩn

0h ngày 18-7 : Hà Nội mưa to

Kể từ 0h hôm nay 18-7, thủ đô Hà Nội lại đang bắt đầu hứng chịu một trận mưa bão có cường độ rất lớn. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong Online, lượng mưa ít nhất cũng bằng trận mưa từng gây ngập lụt Hà Nội hôm 13-7 vừa qua. TPO sẽ cập nhật liên tục diễn biến của trận mưa đang diễn ra tại thủ đô đến bạn đọc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 20 giờ hôm nay, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (từ 75 đến 117 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Tối nay, vùng tâm bão số 1 đã đi vào địa phận các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình. Do ảnh hưởng của bão số 1, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có gió mạnh cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11.

Ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đo được gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 34m/s (cấp 14); Cô Tô: 21m/s (cấp 9); giật 33m/s (cấp 12); Bãi Cháy 17m/s (cấp 8), giật 32 m/s (cấp 11); Bạch Long Vĩ có gió mạnh 40m/s (cấp 13); giật 57m/s (cấp 17).

Các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa, mưa vừa, một số nơi có mưa to đến rất to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 132mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 182mm; Tân Mỹ (Quảng Bình) 162mm…

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, gió giật mạnh làm gãy một cần cẩu, tuy nhiên, chưa có thiệt hại về người. Tính đến tối 17 - 7 khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn còn 6 ngư dân của huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi bị mất tích, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được.

Đối với 6 ngư dân này, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng bộ NN&PTNT đề nghị lực lượng tìm kiếm cứu nạn tìm mọi biện pháp để tiếp cận với các ngư dân bị nạn một cách nhanh nhất. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 18 - 7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm nay còn có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3 – 5 mét. Các tỉnh ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Dự báo không còn nguy hiểm

Trong buổi thảo luận vừa diễn ra tối nay tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các chuyên gia nhận định, khoảng 1 - 2 giờ sáng mai, sau khi đi sâu vào đất liền, bão sẽ suy yếu thành áp thấp. Cho đến trưa mai, về cơ bản, bão không còn nguy hiểm.

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của PV Tiền Phong Online vào lúc 21h30 tối nay 17-7, vẫn chỉ có mưa nhỏ, tuy nhiên gió đã bắt đầu mạnh lên so với lúc chiều, song cũng chỉ đạt cấp 4 -5. Nhìn chung tình hình vẫn ổn, mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. 

21h: Theo Cục quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, về cơ bản, bão đã đi qua Nam Định, nhưng đáng ngại là tình trạng mưa to sau bão, có thể gây úng ngập trên diện rộng. Theo đánh giá của Chi cục trưởng Đỗ Văn Khánh, từ 21 giờ tối, mưa bắt đầu to và kéo dài. Dự báo có thể lên tới 300mm.

Trung tá Lê Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng công an tỉnh Nam Định cho rằng, hai vấn đề cần quan tâm hiện nay là lượng mưa lớn sau bão và công tác tiêu nước nội đồng. Nếu lượng mưa quá lớn, kế hoạch tiêu nước nội đồng không kịp tiến độ, sẽ đe dọa trực tiếp tới 70.000 ha lúa đã cấy trên địa bàn tỉnh.

Cũng theo trung tá Tuấn, do bão không trực tiếp đổ bộ vào Nam Định, thời gian bão đi qua không trùng với triều cường, sóng biển chỉ mấp mé chân đê, không đe dọa đến công trình đê biển ở Nam Định.

Vỡ đê biển đảo Cát Hải

Khoảng 20h, một tiếng sau khi bão vào Hải Phòng, 50 mét đê biển trên đảo Cát Hải – Hải Phòng bị vỡ, nước tràn vào khu dân cư, gây ảnh hưởng đến 500 hộ dân trong khu vực. Rất may, trước đó, các hộ dân đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Hiện, vẫn chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại. Các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ cùng dân cư địa phương đang cố gắng khắc phục, hàn khẩu đoạn đê bị vỡ, gia cố, bảo vệ những đoạn đê xung yếu khác.

 Bão vào Hải Phòng, hất văng nhiều container

19h hôm nay, 17 - 7, những đợt gió mạnh kèm mưa lớn bẻ gẫy hàng loạt cây xanh ở nội thành Hải Phòng. Nhiều container ở khu vực cảng Hải Phòng bị gió bão hất văng. 

Nhiều nhà dân và xưởng sản xuất bị tốc mái. Biển động mạnh. Từng đợt sóng cao hơn 5 mét đập vào bờ kè Đồ Sơn, Cát Hải.

Đê biển đảo Cát Hải là nơi lo lắng nhất Hải Phòng. Cơn bão năm 2005 đã phá tan một đoạn đê biển khá dài ở đảo Cát Hải.

Các đảo Cát Bà, Cát Hải và Bạch Long Vĩ, Hải Phòng bị cô lập hoàn toàn, chỉ có thể liên lạc qua điện thoại. Ở TP Hải Phòng, một người bị thương nhẹ vì cành cây gẫy văng vào. Áo phao cứu sinh cá nhân, phao bè đã được phát cho người dân ở ven biển đề phòng vỡ đê... Năm tàu du lịch đang trú bão tại khu vực đảo Cát Bà đã bị bão đánh chìm. Một bè nuôi trồng thủy sản bị bão đánh vỡ tan. Rất may, ba mẹ con chủ bè được cứu thoát.

Đường đi của bão lúc 19h tối nay. Nguồn: Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương.
Đường đi của bão lúc 19h tối nay. Nguồn: Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương..

Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) Phạm Xuân Hòe cho biết: Ba chiếc tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh đã bị sóng đánh chìm tại vùng biển Cát Bà khi đang neo đậu tránh bão số 1 tại bến phà Gia Luận, chiều 17/7.

Đó là các tàu: Hoàn Cầu QN 4659, tàu Bái Tử Long QN 4698 và tàu Ánh Dương (không có số hiệu) bị sóng đánh chìm vào khoảng 18 giờ ngày 17 - 7. Do công tác di dời các thuyền viên lên bờ được thực hiện tốt nên không có thiệt hại về người. Cả ba tàu du lịch này hoạt động trên bến phà Gia Luận phục vụ khách du lịch tham quan tuyến du lịch Cát Bà (Hải Phòng) - Tuần Châu (Quảng Ninh). Ngoài ba tàu du lịch trên bị chìm, tại khu vực Gia Luận, một chiếc tàu đánh cá loại nhỏ cũng bị chìm ngập nhưng may mắn lực lượng cứu hộ đã kịp thời trục vớt.

Người dân ba đảo bị cô lập với đất liền là Cát Hải, Cát Bà và Bạch Long Vĩ đã dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men đủ dùng trong một tuần. Điều đáng quan tâm là rất nhiều chủ tàu thuyền, lồng bè vì tiếc của đã cố tình ở lại làm lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế di dời 33 tàu, 174 lồng bè, 993 ngư dân về nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào Hải Phòng.

Ảnh: Phạm Duẩn
Sóng biển Đồ Sơn cao 5-7 m. Ảnh: Phạm Duẩn.
 

Các vị trí đê điều xung yếu được xử lí, chống tràn các cửa khẩu qua đê, bảo vệ các công trình xây dựng ven biển và sẵn sàng chống ngập úng trong đô thị, các khu dân cư và trong hệ thống thuỷ lợi... Hơn 60 nghìn m3 đá, cát, gần 16 nghìn áo phao cứu sinh, gần 650 nhà bạt, hàng trăm ô tô, tàu thuyền... cùng lực lượng gần 36 nghìn người sẵn sàng hộ đê, chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

Hiện nay, bão số 1 vẫn tiếp tục hoạt động, gây ra nhiều thiệt hại tài sản cho nhân dân Hải Phòng. Dự kiến đến khoảng 23 giờ đêm17/7, bão mới dời Hải Phòng.

Thái Bình: Bão gây mưa to, gió giật mạnh cấp 8, cấp 9

18 giờ 45, bão số 1 gây gió gật mạnh cấp 8, cấp 9, mưa vừa đến mưa to tại Thái Bình. Theo thông tin ghi nhận từ các cơ quan ban ngành chức năng và hai huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, đến thời điểm này, Thái Bình chưa có thiệt hại về người. 

Tại TP Thái Bình, chiều tối, gió mạnh cũng đã quật đổ nhiều cây xanh. Tất cả các cửa hàng, cửa hiệu trưa nay đã phải đóng cửa sớm và chằng chống nhà cửa, cây cối đề phòng bão đổ bộ vào.

Theo ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND TP Thái Bình, các lực lượng tham gia phòng chống bão cũng đều có mặt tại điểm chốt và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chiều 17/7, khi mưa to gió lớn, hầu hết người dân ở TP Thái Bình đều không ra đường. UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng sớm khắc phục thu dọn các cây bị đổ để đảm bảo an toàn giao thông và khuyến cáo người dân không nên ra đường, nhất là trong thời điểm đêm nay khi bão đổ bộ vào.

Trước đó, đến 17h, ngày 17-7, Hải Phòng sơ tán được gần 8.500 người dân đến nơi an toàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Phòng trực 100% quân sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hải Phòng huy động 723 cán bộ chiến sỹ, 50 tàu xuồng, ô tô các loại thường trực cơ động phòng chống bão.

Sở Giao thông Vận tải sẵn sàng phương tiện hỗ trợ di dân và vận tải phục vụ phòng chống bão. Huyện đảo Cát Hải huy động 180 người, 2 máy xúc, 5 xe ôtô, 250 m3 đá hộc dự trữ để sửa chữa đê đá bị sạt lở. Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 3.791 tàu thuyền gồm 12.543 ngư dân vµ 594 lång bÌ gồm 1.765 dân di chuyển về nơi trú tránh.

16h30: Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: lúc 15h chiều nay, bão chỉ còn cách bờ biển Hải Phòng – Nam Định khoảng 60km về phía Đông Nam. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Tại đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, gió đo được 40m/giây, giật 57m/giây, đạt cấp 17.

“Mắt bão rất lớn, rìa mắt bão đã sát Quảng Ninh” – ông Hải cho biết.

Theo dự báo, mưa tập trung vào Thanh Hóa, Nam Định và khu vực Nam Bắc Bộ.

Riêng tại Hà Nội, lượng mưa dự đoán lên đến 200 - 300mm (trong khi ngày Hà Nội chìm trong biển nước vừa qua, lượng mưa khoảng 165mm trong 2 tiếng – PV).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tình từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đêm nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9; vùng tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Sóng biển cao 5-7m.

Các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng tâm bão giật cấp 9, cấp 10.

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng núi có nguy cơ bị sạt lở đất và ngập úng ở vùng trũng.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 4 giờ chiều nay, bốn người mất tích, hỏng hai tàu đánh cá của Quảng Ngãi, chìm năm tàu (trong đó, bốn ở Quảng Ngãi, một ở Hà Tĩnh). 

Dân tiếc của không chịu di dời trước bão

16h: Mặc dù bão đã cận kề, nhưng người dân một số nơi vẫn chưa chịu di dời với muôn vàn lý do.

Tại Quảng Ngãi, Bộ đội Biên phòng cho biết: họ đang gặp khó khăn khi thuyết phục những người dân nuôi trồng thủy sản, nuôi vạc. “Đến những phút chót, bắt buộc phải cưỡng chế mà người dân vẫn chưa chịu đi” – Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho hay.

Tại Hải Phòng, nhiều người dân khác không chịu đi vì “chủ quan, khinh địch”.

Theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, ông Trần Quang Hoài, đến lúc này, các tỉnh Quảng Bình và Thanh Hóa, vẫn chưa sơ tán hết dân.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Vũ Văn Tám chỉ đạo, các tỉnh phải khẩn trương rà soát lần cuối về việc di dân, tránh thiệt hại đến mức tối đa về người và của.

 

Lập Ban chỉ huy tiền phương tại Thái Bình

Sau chuyến khảo sát tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT, Trưởng Ban Chí đạo Phòng Chống Lụt Bão T.Ư Cao Đức Phát quyết định lập ban chỉ huy tiền phương tại huyện Tiền Hải, Thái Bình.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 4

Bộ trưởng Cao Đức Phát (thứ hai từ trái sang) kiểm tra cống Trà Linh, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: Hà Nhân 

Trước đó, làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh và Ban chỉ huy Phòng Chống Lụt Bão tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu công tác phòng, chống bão số 1 phải trên tinh thần cảnh giác, bởi 5 - 6 năm nay, Thái Bình chưa hứng bão, người dân có thể chủ quan.

Lực lượng quân đội phải ứng trực ở nơi xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có thiệt hại lớn. Đặc biệt, tuyệt đối không cho người dân trở lại những chòi canh tôm, vạng ngoài biển.

Đáng lo ngại là hiện còn 51 người dân nuôi trồng đánh bắt thủy sản chưa chịu vào bờ. Các đồn Biên phòng đã và đang phối hợp với chính quyền xã tăng cường vận động, cưỡng chế tàu, thuyền vào nơi an toàn.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 5

Người dân Thái Thụy, Thái Bình gia cố đê chống bão. Ảnh: Hà Nhân

Trao đổi nhanh với phóng viên Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện, bão số 1 đã giảm cường độ, xuống chỉ còn cấp 7, 8. Tỉnh đã hoàn thành công tác di dân, đưa hơn 1.000 người vào vị trí an toàn.

Ninh Bình: Một số người dân lao ra biển cứu tôm, cua

15h: Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho phóng viên Tiền phong biết, từ 13 giờ ngày 16 - 7, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban phòng Chống Lụt bão tỉnh đã đến những nơi được dự báo phải chịu ảnh hưởng của bão số 1, trong đó vùng ven biển huyện Kim Sơn có thể bị ảnh hưởng nặng nhất. Hiện nay, lực lượng công an, bộ đội (Đội biên phòng 104) trực 24/24 tại bờ biển Bình Minh.

Đến 7 giờ sáng nay, lực lượng phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình huy động toàn bộ tàu thuyền cập bến an toàn, kêu gọi những hộ gia đình nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào nơi an toàn tránh bão.

Mặc dù các đường ra ngoài đê đã được lực lượng công an, bộ đội phong tỏa, tuy nhiên, vì tiếc của, một số người bất chấp sự nguy hiểm, vẫn băng ra biển vớt tôm, cua.

Lực lượng bộ đội, công an đã dùng cọc tre, dây thép để giúp người dân chống đỡ nhà tre, nhà tạm để đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình công cộng như trường học, bệnh viện...

Sức gió hiện nay tại khu vực bờ biển Kim Sơn vào khoảng cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, lượng mưa tăng dần từ 30 đến 40 ml/giờ. 

Thanh Hóa: Một người chết ở bãi biển Tĩnh Gia

14h30: Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng, thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão tỉnh Thanh Hóa, cho biết: 9 giờ sáng nay, 17 - 7, năm người quê thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tắm biển ở bãi biển Tĩnh Gia (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Một người chết đuối.

Theo ông Hải, nạn nhân được xác định là chị Nghô Thị Nga (SN 1992, quê thị xã Sơn Tây). Chị Nga tắm chung phao với bạn trai, khi gặp sóng lớn, tuột khỏi phao và chết đuối.

Trong khi đó, đến trưa 17- 7, còn gần 700 tấn muối thô đang ở các kho ở ngoài đồng, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Nguyên nhân là các kho tạm trữ muối ở nhà đã đầy. Giá muối quá rẻ nên một lượng lớn muối của diêm dân Hậu Lộc bị tồn đọng thời gian qua.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 6

Kho muối ngoài cánh đồng xã Hòa Lộc. Ảnh: Hoàng Lam

Trong số đó, có 200 tấn muối của Hợp tác xã muối Hòa Lộc mua của diêm dân và gần 500 tấn muối của người dân. Nếu bão đổ vào chiều 17- 7, cộng với triều cường lên cao, nước sẽ ngập toàn bộ kho muối của Hợp tác xã và của diêm dân. Nguy cơ thiệt hại, hoặc mất trắng rất lớn. Thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu đồng.

Lúc 13h30, TP Thanh Hóa bắt đầu có mưa và gió, khu vực vùng biển có gió cấp 3, cấp 4.

   
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 7

Hoàn tất gia cố đê tại xã Hòa Lộc. Ảnh: Hoàng Lam

Hải Phòng sẵn sàng đón bão

13h: Dự báo, bão số 1 đổ bộ vào Hải Phòng với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13, sóng biển cao từ 4 đến 7 mét, nước biển dâng kết hợp với thuỷ triều cao từ 3 đến 5 mét, trong và sau bão có mưa to đến rất to.

Hải Phòng tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm ở các vùng trũng thấp ven biển, hải đảo, các khu nhà ở cũ yếu ở nội thành và cương quyết không để người ở chòi canh nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê, trên tàu thuyền, lồng bè cũng như khu vực bãi tắm biển Cát Bà, Đồ Sơn.

Lực lượng chức năng ráo riết ngăn chặn tàu thuyền ra khơi, tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn... Bên cạnh đó, Hải Phòng thực hiện phương án bảo đảm an toàn hệ thống điện, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ an toàn cho người và tài sản.

Các vị trí đê điều xung yếu được xử lí, chống tràn các cửa khẩu qua đê, bảo vệ các công trình xây dựng ven biển và sẵn sàng chống ngập úng trong đô thị, các khu dân cư và trong hệ thống thuỷ lợi... Hơn 60.000 m3 đá, cát, gần 16 nghìn áo phao cứu sinh, gần 650 nhà bạt, hàng trăm ô tô, tàu thuyền... cùng lực lượng gần 36 nghìn người sẵn sàng hộ đê, chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 8

Tại Hải Phòng, trưa 17 - 7, người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Ảnh: Lam Khê

Ghi nhận của PV Tiền Phong lúc 14 giờ chiều nay, nội thành Hải Phòng (cách biển khoảng 16 km), gió mạnh hơn thường ngày một chút, trời trong xanh, nắng vàng khá đẹp, thời tiết mát mẻ. Người dân đất Cảng vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn đi mua sắm, uống cà phê, ngồi quán cóc và ăn cơm bụi ngay vỉa hè...

Nam Định: Bão sắp đến, trẻ em vẫn tắm biển

12h45: Tại vùng biển Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định), các đợt sóng mạnh lên, cao khoảng từ 1 đến 1,5 mét, ngọn sóng khoảng 2 mét, thủy triều lên, tốc độ gió vào khoảng cấp 5, cấp 6 mưa lác đác.

Trẻ em vẫn tắm biển bất chấp cảnh báo bão sắp vào bờ. Ảnh: Phạm Anh
Trẻ em vẫn tắm biển bất chấp cảnh báo bão sắp vào bờ. Ảnh: Phạm Anh.
 

Mặc dù bão sắp đến gần song nhiều phụ huynh vẫn đưa các em nhỏ ra tắm biển. Thịnh Long là một trong ba thị trấn của huyện Hải Hậu, chủ yếu kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhà nghỉ, song hiện tại chủ các nhà nghỉ, nhà hàng đã di dời khách đi nơi khác để tránh bão. Càng về cuối giờ chiều sức gió càng mạnh lên.

Theo chỉ đạo của ông Lê Xuân Thủy, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, 2.365 tàu thuyền đã về trú ẩn an toàn, trong đó 13 tàu về vùng biển Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa. Từ ngày 16 - 7, Sở này chỉ đạo Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Định và các đơn vị trực thuộc, rút nước đệm, tránh ngập lúa và hoa màu.

Tỉnh Nam Định đang khẩn trương di dân. Đến chiều nay, gần 4.000 người được sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó Nghĩa Hưng 1400 người; Giao Thủy: 2400 người, còn lại là Hải Hậu. Tình trạng mất điện lưới xảy ra ở một số xã, thị trấn của huyện Hải Hậu.

Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Chi cục Phó Chi Cục Phòng chống Lụt bão tỉnh Nam Định, Cấp gió đo được tại vùng biển Thịnh Long ở cấp 6, cấp 7, mưa nhỏ, dự kiến 18 giờ hôm nay, thủy triều tăng lên 0,4 mét.

Ông Nguyễn Văn Tìm, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, cho biết, tất cả các điểm xung yếu như đê Gót Càng, cầu Châu Thịnh (Cống Phú Lễ), kè Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã hoàn tất công đoạn cuối cùng trong việc phòng chống bão. Riêng với Hải Lý - vùng bãi thấp - đã bố trí 20.000 m2 vải để đóng kè.

Đối với khu du lịch Thịnh Long, yêu cầu đóng cửa tuyệt đối, cấm du khách ở trong khu vực này. Khu 22, 23 xã Thịnh Long, khu Xương Điền xã Văn Lý, được yêu cầu di dời toàn bộ người già và trẻ em vào khu vực an toàn.  

11h hôm nay, 17 - 7, tại Nam Định có mưa nhỏ, ngắt từng cơn, gió giật cấp 2-3, ở các vùng ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy có nơi giật cấp 4 - 5.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 10

Tại cảng cá Ninh Cơ phần lớn tàu thuyền đã vào khu vực neo đậu tránh bão Ảnh: Phạm Anh

PV Tiền Phong có mặt từ sáng sớm tại huyện Hải Hậu, một trong những nơi có nhiều công trình xung yếu như cầu Châu Thịnh (còn gọi là cống Phú Lễ, xã Hải Châu), đê Thịnh Long, thuộc đoạn đê Gót Tràng (thị trấn Thịnh Long), kè Xương Điền (xã Hải Lý)…Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Hải Hậu, huyện này có tới hơn 30 km bờ biển, có 8 cung xung yếu cả phía biển và sông, nơi xung yếu.

Tại cống Phú Lễ, một trong những điểm xung yếu trên quốc lộ 21 (vừa là đường đê), với tổng vốn đầu tư khoảng 25 tỷ đồng hiện đang ngổn ngang đất đá. Khoảng ba chục công nhân đang gấp rút, làm các rọ đá, xúc đá lấp mái đê quai phía ngoài biển. Ông Phạm Văn Hùng, kiểm soát viên, hạt quản lý đê Hải Hậu cho biết, theo kế hoạt 30-6 vừa rồi phải xong, tuy nhiên, hiện công việc vẫn còn rất nhiều, với mục tiêu làm hết sức trước khi bão vào.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 11

Cống Phú Lễ đang được gấp rút gia cố, đây là điểm xung yếu nối ra cửa sông Ninh Cơ, nếu để vỡ, sẽ ngập cả khu vực Hải Châu, Hải Thịnh. Ảnh: Phạm Anh

Đến nay, công trình này đã sử dụng trên 600 khối đá, 260 rọ thép để bóc đá làm mái đê (mỗi rọ khoảng 2 khối đá), chuẩn bị 400 cọc tre. Ông Hùng cho hay, đê quai chủ yếu bảo vệ cho tuyến đê chính, nếu hoàn thành đê quai có thể chống chịu được những cơn bão tới. Cống Phú Lễ là điểm xung yếu nối ra cửa sông Ninh Cơ, nếu để bị vỡ, sẽ ngập cả khu vực Hải Châu, Hải Thịnh.

Cũng trên tuyến quốc lộ 21, tại bến cá Ninh Cơ có 97 tàu thuyền từ mã lực 90 đến 300 CV, chủ yếu tàu của Nam Định đang neo đậu. Ông Nguyễn Văn Mười, GĐ Ban Quản lý Cảng cá Ninh Cơ cho hay, đây là khu cảng cá, vừa là nơi neo đậu tàu thuyền cho khoảng 300 tàu thuyền, là nơi đặt đặt trực ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, hoàn thành năm 2008.. “Hầu hết các tàu về cảng trú tránh bão từ hôm thứ năm, chúng tôi đã hướng dẫn các tàu neo đúng kỹ thuật, hạn chế hư hỏng khi va đạp vì gió mạnh”.

 
Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 12

Một đoạn đê Gót Tràng. Ảnh: Phạm Anh

Khoảng hơn 11 giờ, PV Tiền Phong có mặt đoạn đê Gót Tràng, thị trấn Thịnh Long, một trong những đoạn đê bị vỡ trong mùa mưa bão năm 2005. Theo quan sát, mái đê đã phủ toàn bộ rọ đá, hàng trăm khối bê tông kè mái ngoài đê dựng sẵn. Đại diện chủ thầu thi công cho biết, toàn công trình thi công dài 200 m, đoạn đê cần gia cố chắc chắn dài khoảng 100 mét, tất cả khối công việc phải hoàn thành trước 12 trưa nay trước khi bão về.

Bão đã vào rất gần đất liền

Hồi 10 giờ ngày 17 - 7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hải Phòng – Thanh Hóa khoảng 180 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Như vậy, khoảng chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Hải Phòng – Thanh Hóa.

Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 13
Đường đi của bão Côn Sơn lúc 10 giờ sáng nay. Ảnh: TTDBKTTV TW

Đến 22 giờ ngày 17 - 7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông , trên đất liền các tỉnh phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hôm nay còn có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Sóng biển cao từ 5 – 7 mét. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5 mét. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng.

Bộ Tư lệnh Hải Quân đã cử tàu đi tìm kiếm, cứu nạn ngoài Hoàng Sa và Trường Sa

Sáng mai, bão số 1 suy yếu thành áp thấp ảnh 14

Ngư dân Nam Định đang gia cố các tàu neo đậu tại khu tránh bão Ảnh: Phạm Anh

Tính đến 6h hôm nay, tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm: 172 tàu/ 1.320 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 30 tàu/396 người ở Hoàng Sa). Trong đó:

- Số tàu thuyền bị hư hỏng, chìm: 06 tàu/70 người (Quảng Ngãi: 5 tàu/68 người; Hà Tĩnh 01 tàu /03 người đã được cứu vớt an toàn).

- Số tàu thuyền vẫn giữ liên lạc: 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người).

Hiện nay, quan tâm nhất là 05 tàu/67 người của Quảng Ngãi bị nạn trong khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đã cứu được 29 người trên 02 tàu, còn 38 người/ trên 03 tàu hiện đang được ngư dân các tàu xung quanh tìm cách tiếp cận, cứu vớt.

Tại Quảng Ninh, công tác di dân đang được khẩn trương tiến hành. Tại đảo Cô Tô, trả lời phỏng vấn VTV, ông Mai Tuấn Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo cho biết: hiện, gió ở đây đang giật cấp 10, các phương án phòng chống đang được triển khai.

Tại Quảng Ngãi, nhiều gia đình ở Quảng Ngãi vẫn đang chờ trước của cơ quan chống lụt bão ở địa phương này, để ngóng tin chồng con mình ra khơi chưa về.

Bộ Tư lệnh Hải Quân đã cử tàu đi tìm kiếm, cứu nạn ngoài Hoàng Sa và Trường Sa.

 
MỚI - NÓNG