Sáng kiến giúp 'thang máy an toàn'

Sáng kiến giúp 'thang máy an toàn'
TP - Trong lúc chờ đợi pháp luật phán xử công bằng vụ việc người đàn ông lớn tuổi có hành động dâm ô bé gái trong thang máy, một số facebookers đã tham gia cuộc thi sáng kiến “thang máy an toàn cho phụ nữ và bé gái”. Vì bám theo đề bài nên hầu hết người dự thi nhấn mạnh bảo vệ các bé gái mà quên mất các bé trai.

Ngay sau hai vụ việc sàm sỡ phụ nữ trẻ và bé gái trong thang máy gây bức xúc dư luận vừa qua, CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên) đã tổ chức chuỗi hoạt động tìm giải pháp phòng chống quấy rối tình dục trong thang máy chung cư.

Cuộc thi sáng kiến online “Nếu tôi là quản lý chung cư” trên trang fanpage của CSAGA được mở ra trong 1 tuần, với số tiền thưởng là 15 triệu đồng cho các sáng kiến thu được nhiều lượt like và bình luận tích cực. Trong 50 bài viết, có 3 giải Nhất-Nhì-Ba do ban giám khảo bình chọn và 2 giải do độc giả bình chọn, chia sẻ (share).

Chống xâm hại quan trọng như chống cháy nổ

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam (PNVN) Lò Thị Thành đoạt giải nhất với sáng kiến đánh vào tâm lý kẻ tấn công “Lắp đặt trong thang máy chuông báo động. Trong trường hợp quấy rối xảy ra trong thang máy thì nạn nhân sẽ ấn vào chuông báo khi đó chuông sẽ kêu to lan tỏa ra khắp tòa chung cư, đồng thời chuông tự động phát ra tiếng nói đe dọa kẻ gây rối. Khi đó bảo vệ, ban trật tự an ninh sẽ phát hiện, nhận biết và hỗ trợ nạn nhân kịp thời. Bên cạnh đó, chuông báo kêu sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của kẻ thực hiện hành vi quấy rối nên lúc đó nạn nhân sẽ có cơ hội ứng phó và thoát hiểm”.

Nữ sinh viên Học viện PNVN đề xuất thêm mỗi chung cư cần có các buổi tập huấn (như diễn tập phòng cháy chữa cháy) nâng cao nhận thức cho các cư dân (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái) về các hành vi quấy rối tình dục và các kỹ năng ứng phó cơ bản cho bản thân. Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ bảo vệ, đội an ninh trật tự về trách nhiệm kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo tối đa sự an toàn cho mọi người.

Giải nhì Đỗ Thị Hằng, sinh viên Đại học Thương mại mở đầu bài viết bằng so sánh chế tài bảo vệ phụ nữ, trẻ em của quốc tế và Việt Nam. Hằng kể, năm 1968, một vụ kiện “ngược đời” tại tiểu bang Nevada nước Mỹ, khi một bà mẹ kiện trường mẫu giáo nơi con gái 3 tuổi đang theo học, vì đã dạy cô bé đánh vần chữ O quá sớm. Cuối cùng, mẹ cô bé đó đã thắng, nhà trường phải bồi thường tổn hại tinh thần cho cô bé đó là 1.000 USD. Bởi vì nhà trường đã đánh mất đi sự tưởng tượng trong trí óc của cô bé đó, trước khi biết đó là chữ O, bé có thể nghĩ đấy là mặt trời, là quả táo, hay là chiếc bánh xe. Còn ở ta, kẻ sàm sỡ, hôn cưỡng bức cô gái trong thang máy chỉ bị phạt 200 nghìn đồng. Đỗ Thị Hằng đề xuất thang máy chung cư nên làm cửa bằng kính để người đợi thang các tầng có thể nhìn thấy người đứng trong. “Có thể làm thang máy Nam-Nữ đi riêng, nhưng giải pháp này khá xa xỉ”.

Để cộng đồng và cư dân thang máy  hiểu đúng về quấy rối tình dục cần bổ sung vào bộ luật những khung hình phạt cụ thể cho từng mức độ quấy rối. Phân biệt rõ những khái niệm mà tội phạm hay lạm dụng để thoát tội ví dụ như “nựng” và “dâm ô”, nữ sinh ĐH Thương mại bày tỏ mong muốn.

Trong loạt bài được trao giải, có nhiều sáng kiến có thể đưa vào ứng dụng như: lắp hệ chuông riêng (khác với âm thanh chuông báo hỏng) trong thang máy để bảo vệ ứng cứu kịp thời; Lắp đặt nút bấm báo cứu ở tầm thấp để trẻ em dễ dàng sử dụng; Lắp camera không dây từ thang máy đến căn hộ để phụ huynh có thể kết nối và theo dõi hành trình của người thân nhất là con trẻ khi trong trường hợp không thể di chuyển cùng con...

Sáng kiến giúp 'thang máy an toàn' ảnh 1 Poster cuộc thi do CSAGA tổ chức chỉ có hình ảnh bé gái mà lẽ ra nên là hình ảnh trẻ em trung tính

“Đừng quên các bé trai!”

Poster cuộc thi sáng kiến online “Nếu tôi là quản lý chung cư” vẽ hai bóng đen biểu thị yêu râu xanh, cạnh đó là hình bóng của một phụ nữ và một bé gái. Một số độc giả đề xuất ban tổ chức nên chỉnh hình bé gái thành đứa trẻ trung tính bởi “bé trai cũng có thể là đối tượng bị xâm hại”. Một người trong ban tổ chức giải thích rằng hình ảnh bé gái là ẩn dụ chung cho trẻ em, tuy nhiên không phải độc giả nào cũng đồng ý.

Mới đây sau hai vụ việc thầy giáo xâm hại và dâm ô học sinh nam, cộng đồng mới tá hỏa “không chỉ phụ nữ và bé gái mới thành nạn nhân”. Trong khi đó đề bài của CSAGA khiến đa số hiểu rằng thang máy an toàn chỉ để bảo vệ phụ nữ các lứa tuổi: “An toàn của những người phụ nữ trong gia đình bạn chưa bao giờ bị đe dọa gần kề đến như vậy! Vậy bạn sẽ làm gì?

Cuộc thi sáng kiến online chính là nơi các bạn có thể trực tiếp lên ý tưởng cho việc xây dựng hệ thống quản lý ở những khu chung cư nhằm phòng ngừa và giải quyết các hành vi bạo lực tình dục tại đây”.

Trong phần tự giới thiệu, CSAGA cũng nhấn mạnh tôn chỉ: Chúng tôi hiểu rằng bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chúng tôi nỗ lực hoạt động để mang đến các cơ hội tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em gái.

Không chỉ CSAGA, hầu hết các tổ chức bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục đều tập trung hơn vào các bé gái.

Chị Hà Ngân, cán bộ dự án tại CSAGA cho biết tiếp nối cuộc thi này, trung tâm sẽ phát động một cuộc thi sân khấu hóa các ý tưởng sáng kiến để các bạn trực tiếp giải quyết ứng phó các tình huống, đồng thời từ đó có thể hướng dẫn kĩ năng phòng chống cho những đối tượng dễ bị tấn công tình dục. Hy vọng tại những hoạt động tiếp theo của CSAGA “các bé trai” sẽ có mặt trong poster và tình huống giả định của các diễn giả.

Nếu hình ảnh và khái niệm bé trai không được bổ sung rõ ràng vào nhóm đối tượng cần bảo vệ thì một ngày nào đó, cộng đồng lại chết lặng, rồi “lên đồng” vì một bé trai bị xâm hại ngay ở địa điểm không ngờ nhất, bởi một người quen không ngờ nhất.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.