Sang Campuchia xem người gốc Việt học tiếng mẹ đẻ

Sang Campuchia xem người gốc Việt học tiếng mẹ đẻ
Một nét chung của người Việt xa quê là luôn hướng về quê hương. Khi nói đến chuyện người Việt xa quê cố gắng học tiếng mẹ đẻ, hình ảnh ấy được thấy rõ ở Campuchia, nơi bà con rất ham học tiếng Việt.

Trong chuyến công tác Campuchia gần đây, chúng tôi biết qua một người Úc ở sát Thủ đô Phnom Penh rằng, gần nhà ông có một người Campuchia gốc Việt làm trưởng thôn.

Trưởng thôn gốc Việt

Chúng tôi xin được đến thăm, và qua điện thoại, ông đồng ý,  lại còn mời dùng cơm trưa. Ông tên là Lem Lien Hay - Trưởng thôn 1 (làng Phum Thom, xã Phum Thom, huyện Kean Svay, tỉnh Kandal) nằm bao quanh Phnom Penh.

Hôm đó là đầu tháng 10/2008, và không may là ngày người các tỉnh trở lại Phnom Penh sau lễ Sene Đôn Ta cổ truyền (lễ tưởng nhớ ông bà), nên các nẻo đường về Thủ đô rất đông người.

Chúng tôi khởi hành từ tỉnh Kratie phía Bắc Campuchia, gần biên giới Lào vào đầu giờ sáng, và theo người lái xe thì ngày thường có thể về đến Phum Thom trước 12 giờ trưa. Tuy nhiên, kẹt xe khá lâu dọc đường và mãi đến hơn 3 giờ 30 chiều mới tới được nhà ông trưởng thôn 1.

Sang Campuchia xem người gốc Việt học tiếng mẹ đẻ ảnh 1
Ông Lem Lien Hay (thứ năm từ trái qua) cùng vợ, con, cháu và khách tại gia đình ông ngày 1/10/2008. Ảnh:Tường Thụy

Những ngày trước, ông Lem Lien Hay và cả gia đình đều rất bận vì phải đi nấu tiệc trong suốt lễ Sene Đôn Ta (nghề phụ của ông là nấu đám tiệc). Hôm đó, ông cũng khá bận và dành thời gian cơm trưa cho chúng tôi, nhưng vì khách đến quá trễ, ông phải hủy lịch buổi chiều của mình để tiếp những người từ Việt Nam sang.

Khi đến nhà ông, bàn tiệc đã bày sẵn với đầy thức ăn và đồ uống, còn trái cây đã ướp lạnh trong thùng đá to (vì điện ở Campuchia khá đắt nên nhiều nhà sử dụng thùng đá to thay tủ lạnh để tiết kiệm). Ông gọi đủ cả nhà ra giới thiệu với chúng tôi: vợ chồng ông có 9 người con và một số cháu.

Ông xưng là ba và gọi toàn bộ chúng tôi là con, nói biết có người từ Việt Nam đến thăm là mừng lắm, từ sáng đã đi chợ chuẩn bị đồ ăn rồi đợi hoài mới thấy khách đến.

Trong 9 người con, chỉ người con trai 22 tuổi tên Chăm nói được tiếng Việt, dù chưa nhiều nhưng cũng cố nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Vợ ông Hay là người Campuchia, còn ông đã xa Việt Nam mấy mươi năm rồi.

Theo lời ông kể, gốc ông có thể ở An Giang nhưng ông không chắc thế vì lâu quá không còn nhớ chính xác tên. Ông đem ra 3 cuốn từ điển tiếng Việt to và dày, nói mua ở Phnom Penh cho Chăm học tiếng Việt. Chăm cũng đã đôi lần đến Việt Nam, nhưng còn ngại giao tiếp vì vốn tiếng Việt còn ít.

Khi chúng tôi nói lời chia tay, ông Hay nài: “Các con ở lại nhà ba chơi đi, mai về. Nhà ba đủ chỗ cho các con ngủ”. Chúng tôi nói không thể vì còn phải đi, ông liền quàng vai ba người khách dắt đi hết nhà để chứng minh là dư chỗ. Đưa chúng tôi ra xe, ông ôm từng đứa dặn: “Có qua đây thì nhớ ghé nhà ba”.

Bà giáo hết răng dạy tiếng Việt

Trước đây, Chăm (con trai ông Hay) học tiếng Việt với một bà giáo gốc Việt tên là Nguyễn Thu Niêm ở làng Chruoy Ampil, xã Kbal Koh (tiếng Khmer nghĩa là Đầu Của Đảo) cạnh xã Phum Thom của Chăm.

Sang Campuchia xem người gốc Việt học tiếng mẹ đẻ ảnh 2

Bà giáo Niêm và các học sinh nhỏ tuổi tại nhà bà. Ảnh:Tường Thụy

Xã Kbal Koh nằm trên một dải đất nhô ra sông Mekong, và 2 xã cách Phnom Penh khoảng 20 - 30 phút lái xe. Làng Chruoy Ampil có một cộng đồng người Việt, phần lớn là người công giáo, và người Việt ở đây sống chủ yếu bằng nghề cá.

Bà giáo năm nay 68 tuổi, sống một mình và trẻ em trong làng gọi bà là Yiey (tiếng Khmer nghĩa là bà) hay thân mật hơn là Yiey Gahop (bà hết răng). Bà cho biết cố gắng dạy tiếng Việt cho trẻ con trong làng bằng sách tập đọc Việt Nam chỉ vì bà không muốn quên tiếng Việt và muốn giúp tụi nhỏ đọc được tiếng Việt, chứ không vì tiền.

Bà cũng dạy các phép tính cộng, trừ, nhân, chia và những phép toán đơn giản từ các sách lớp 1, 2, 3. Sức khỏe và tuổi tác không cho phép bà dạy thật nhiều, nhưng ngôi nhà nhỏ xíu cũng là nơi dạy của bà xem ra quá chật vì nhiều học trò.

Một cái bảng đen nhỏ và cũ bằng gỗ treo lên vách, không có ghế, và học sinh chen chúc ngồi quanh cô giáo. Tất cả chỉ có thế. Bà đã học ở Sisowath, ngôi trường trung học rất nổi tiếng ở Phnom Penh và được dạy bằng tiếng Pháp. (Trường mang tên vua Sisowath, vị vua vào năm 1905 đã quyết định dành ra 4 hectare đất để xây trường.) Nhờ vậy, bà nói giỏi tiếng Pháp.

Theo những người Khmer trong làng Chruoy Ampil, cộng đồng người Việt ở đây hình thành vào đầu những năm 1980.

Nhưng ông Sam Nouv, một người sống ở đây từ nhỏ và giờ là Phó Giám đốc Cục Thủy sản Campuchia nói, theo trí nhớ của ông, đã có người Việt đến đây sinh sống bằng nghề cá từ những năm 1950.

Phnom Penh không xa

Sang Campuchia xem người gốc Việt học tiếng mẹ đẻ ảnh 3
“Đất bán và thuê” bằng tiếng Việt và tiếng Khmer ở Phnom Penh. Ảnh: Tường Thụy

Hết huyện Kean Svay (tỉnh Kandal) là đến cây cầu lớn bắc qua sông Mekong vào Thủ đô Phnom Penh mà bà con người gốc Việt ở đó gọi là cầu Sài Gòn (vì giống qua cầu Sài Gòn là đến nội ô TPHCM).

Đây là tuyến đường của những chiếc xe Mai Linh, Sapaco, Sinh Cafe hay các doanh nghiệp khác chở khách từ Việt Nam sang Phnom Penh và về hàng ngày qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).

Tại Phnom Penh, có một vài ngôi trường của người Việt, tất cả đều là trường cấp I, do Hội Việt kiều Phnom Penh thành lập. Trẻ em người Việt ở đây vừa được học bằng tiếng Khmer, vừa được dạy tiếng Việt. Khá nhiều sách báo Việt Nam có bán tại các nơi tập trung cộng đồng người Việt.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, các cơ quan Campuchia thống kê hiện có khoảng trên 120.000 người Việt Nam đang sống ở Campuchia.

Ngoài những bà con đã định cư từ lâu, tới 2 - 3 thế hệ, có người mới ở từ 10 đến 20 năm và một số bà con sang Campuchia làm ăn theo mùa vụ.

Trình độ dân trí của cộng đồng người Việt ở Campuchia nói chung còn thấp và tỷ lệ người không biết chữ khá cao, nhiều trẻ em không có điều kiện đi học, nhất là các vùng xa.

Cũng theo Đại sứ quán Việt Nam, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Campuchia với Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển tốt, và cuộc sống của Việt kiều Campuchia cũng ổn định hơn.

Theo Tường Thụy
VietNamNet

MỚI - NÓNG