Sáng 2/8, sơ tán 60 người Việt tại Libăng

Sáng 2/8, sơ tán 60 người Việt tại Libăng
TP - Đại diện ngoại giao Việt Nam  (VN) tại Beirut khẳng định kế hoạch sơ tán sẽ diễn ra đúng lịch trình như IOM đã sắp xếp là vào sáng 2/8.
Sáng 2/8, sơ tán 60 người Việt tại Libăng ảnh 1
Người lao động Việt Nam đang làm thủ tục để sơ tán khỏi Libăng                          Ảnh: TTXVN

Hôm nay giải quyết xong mọi thủ tục giấy tờ

Tối 31/7, ông Trần Việt Tú, cán bộ ngoại giao VN tại Beirut, vui mừng thông báo với Tiền Phong, kế hoạch sơ tán lao động VN gần như chắc chắn sẽ diễn ra đúng lịch trình vào sáng sớm 2/8 như đã thống nhất với IOM.

Tuy nhiên, số người sơ tán trong đợt 1 không phải 70 người như thông tin của IOM, bởi vì hôm nay (1/8) đại diện VN tại Beirut mới trao danh sách chính thức cuối cùng cho IOM.

Đến tối 31/7, sau khi làm việc với các đầu mối, ông Tú có trong tay 1 bản danh sách gồm hơn 40 người và bản kia hơn 50 người. Ông Tú cho biết, sáng nay (1/8) sẽ cố gắng trao cho IOM danh sách cuối cùng gồm 60 người cho đợt sơ tán đầu tiên.

Vấn đề lo lắng nhất là các thủ tục với Cục xuất nhập cảnh Libăng cũng đã được giải quyết. Sáng 31/7, ông Tú đã làm việc với quan chức Bộ Ngoại giao Libăng và họ cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để công dân VN sơ tán sớm.

Cục xuất nhập cảnh Libăng cho biết, chỉ cần phía VN xác nhận số người có đủ giấy tờ là có thể ra khỏi Libăng mà không cần thủ tục nào khác. Tuy nhiên, ông Tú cho biết, để lao động VN yên tâm, sáng 1/8, ông sẽ cử người tới Cục xuất nhập cảnh Libăng xin xác nhận vào danh sách người Việt sẽ sơ tán trong đợt 1.   

Từ hội sở tại Geneva (Thụy Sĩ), chị Pandya Jemini, cán bộ truyền thông IOM, cho Tiền phong biết, trưa 31/7 quan chức tổ chức này đã gọi điện tới Beirut để hỏi xem liệu phía VN có kịp bố trí cho lao động VN rời Libăng ngày 1/8.

IOM muốn lao động VN sơ tán vào ngày 1/8 vì máy bay từ Damascus về Hà Nội có khoảng 50 chỗ vào ngày 3/8. Nếu lao động VN sơ tán ngày 2/8 sẽ không kịp cho chuyến bay chỉ 1 ngày sau đó.

Ông Tú cũng xác nhận thông tin này với Tiền phong và cho biết thêm rằng, lịch trình ngày 2/8 là thuận lợi nhất cho cả người lao động VN và IOM. 

Lao động VN ủng hộ kế hoạch sơ tán

Chưa biết thời gian, địa điểm cụ thể của đợt sơ tán đầu tiên, nhưng hầu hết lao động VN đều rất vui mừng khi tâm sự với PV Tiền phong. Anh Bùi Văn Dũng cho biết mình và một số đầu mối khác sẽ không sơ tán trong đợt đầu tiên này  mà sẽ ở lại với các chị em đang bị vướng mắc về giấy tờ, chờ đợt sau có thể diễn ra vào cuối tuần.

Đặc biệt, sau cuộc gặp tối 30/7 giữa các đầu mối người Việt và ông Tú, hầu hết chị em đã vui vẻ đồng ý với kế hoạch sơ tán chia làm 2 đợt. Khi được ông Tú giải thích rằng đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng người Việt và giảm bớt sự lo lắng ở trong nước, các chị em đều hiểu và ủng hộ kế hoạch sơ tán.

Những chị em phải ở lại chờ sơ tán đợt sau cũng nhận được động viên kịp thời và sự bảo đảm từ ông Tú về việc sớm hoàn thành các thủ tục giấy tờ.

Hành trình an toàn từ Beirut về Hà Nội

Chuyến xe buýt đầu tiên dành cho lao động VN sẽ khởi hành từ Beirut đi ngược lên vùng biên giới phía Bắc giữa Libăng và Syria. Thông thường đoạn đường khoảng 150 km này chỉ mất 1,5 - 2 giờ xe buýt, nhưng trong điều kiện chiến tranh có thể mất nhiều thời gian hơn vì phải đi đường vòng và xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh ở biên giới.

Từ đây, xe buýt tiếp tục đưa lao động VN tới Trung tâm Caritas thuộc tổ chức nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố cảng Tartus (Syria). IOM cho biết, lộ trình này tuy xa hơn từ Beirut đi thẳng sang Damascus, nhưng lại rất an toàn.

Chưa có sự kiện đáng tiếc nào xảy ra với các chuyến xe buýt sơ tán người nước ngoài khỏi Libăng của IOM trong những ngày qua. 

Cán bộ ngoại giao VN tại Beirut sẽ bố trí ít nhất 1 người giỏi ngoại ngữ trong số các lao động VN cùng về để thuận tiện trên đường đi.

Tuy nhiên, ông Tú khẳng định IOM đã bố trí mọi việc khá hoàn hảo, mỗi chặng đều có cán bộ đón, hướng dẫn tận tình và can thiệp kịp thời nên lao động VN không phải lo lắng. Ông Tú sẽ ở lại để tiếp tục điều hành, tổ chức kế hoạch sơ tán cho đến khi không còn lao động VN nào muốn trở về.

Trong số hơn 70 người VN chính thức đăng ký nguyện vọng rời Libăng, nếu đợt 1 đi được gần 60 người, đợt 2 cũng chỉ còn gần 20 người nữa.  

Ông Tú cho biết, Trung tâm  Caritas nằm cách biên giới Libăng - Syria chỉ  40 km và sân bay quốc tế Damascus 260 km, có điều kiện ăn ở khá tươm tất vì thế lao động VN có thể hoàn toàn yên tâm ở lại đây chờ IOM bố trí về nước.

Vì từ Damascus về Hà Nội chưa có đường bay trực tiếp, lao động VN có thể sẽ phải quá cảnh ở Bangkok. Hiện IOM đang khẩn trương thu xếp lịch trình bay về nước cho lao động VN.

Chỉ còn 2 nữ lao động bị kẹt trong vùng chiến sự

19 giờ ngày 31/7 (tức 15 giờ Libăng), anh Bùi Văn Dũng, một trong các đầu mối người Việt, thông báo qua điện thoại với PV Tiền phong chị Đinh Thị Phương, 30 tuổi, quê Ninh Bình, 1 trong 4 lao động VN bị kẹt lại vùng chiến sự nguy hiểm, vừa về đến Beirut.

Trên đường từ bến xe buýt ở Beirut về nhà anh Dũng, chị Phương dù mệt, nhưng tâm trạng rất vui khi tâm sự với PV Tiền phong qua điện thoại: “Tôi bắt xe buýt ở thành phố miền Nam Sedon lúc 10 giờ, sau khoảng 5 tiếng mới đến đây. Bình thường chỉ cần 30 phút để đi xe buýt từ Sedon tới Beirut, nhưng hôm nay phải đi đường vòng”. 

Trong hơn 1 tuần qua, dù các đầu mối người Việt tại Libăng liên tục gọi điện, thậm chí bất chấp nguy hiểm đến tận nhà thuyết phục gia chủ chị Phương cho phép chị sơ tán, nhưng vẫn không có kết quả.

Chị Phương cho biết: “Tôi rất cảm động. Nhờ sự can thiệp của cán bộ ngoại giao VN (ông Trần Việt Tú-PV), cuối cùng nhà chủ phải để tôi đi”.

Tháng trước, chị Phương đã gửi hết tiền lương về nhà nên việc chị bị kẹt lại trong vùng chiến sự ác liệt đến nay không phải vì vấn đề tiền lương như nhiều chị em người Việt khác.

Chị Phương đã làm cho gia đình này được 4-5 năm, cách đây 3 tháng vừa về thăm nhà. Chị Phương giải thích: “Mình bị nhà chủ giữ lại là vì làm việc quá tốt”.

Câu chuyện giữa chúng tôi tạm ngừng khi các chị em người Việt khác đang ở nhà anh Dũng ùa ra đón và chúc mừng chị Phương thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Như vậy, trong 4 lao động VN bị kẹt ở vùng nguy hiểm, hiện vẫn còn chị Đỗ Thị Lan và Hoàng Thị Tuyết chưa rời khỏi thung lũng Bekaa, giáp biên giới Syria. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Tú, chị Lan và Tuyết cũng sẽ sớm có mặt ở Beirut.  

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.