Sẵn sàng ứng phó với bão số 11

Sẵn sàng ứng phó với bão số 11
TP - Trước diễn biến phức tạp của bão số 11, đến 16 giờ ngày 1/11, Bình Định gần hoàn tất công việc phòng chống bão, kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Sẵn sàng ứng phó với bão số 11 ảnh 1

Tàu thuyền neo đậu trong sông Cà Ty (Phan Thiết) - Ảnh: Phương Thảo

Đến 17 giờ cùng ngày, có 3.250 tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt thủy hải sản tại các ngư trường đã nhận được thông tin về bão số 11, trong đó có 1.383 tàu đã vào bờ.

Hiện còn 1.867 tàu cá ở ngư trường phía Nam, phía Bắc, khu vực Nam quần đảo Trường Sa và ngư trường miền Trung đang di chuyển tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn.

Sáng 1/11, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP Đà Nẵng cho hay, dù Đà Nẵng được dự báo không phải là tâm bão số 11, nhưng đơn vị cũng có công điện yêu cầu Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thường xuyên liên lạc để thông báo tình hình bão số 11 cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh.

Đến chiều 1/11, vẫn còn 13 phương tiện của Thừa Thiên - Huế đánh bắt vùng biển gần bờ, với 74 lao động chưa về được đất liền.

Cơ quan Biên phòng tỉnh tiếp tục giữ liên lạc thường xuyên với 13 tàu thuyền này để có phương án huy động lực lượng, phương tiện tiếp ứng ngư dân vào bờ trong thời gian sớm nhất.

Cùng ngày, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh gửi công điện khẩn đến các cơ quan, địa phương chú ý cảnh báo sơ tán, di dời dân ở những vùng nguy hiểm ven biển, vùng thấp trũng, sạt lở; lưu ý các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư để bảo đảm an toàn công trình hồ chứa.

Đến 16 giờ 30 ngày 1/11, toàn bộ 10.101 phương tiện đánh bắt thủy sản và phương tiện thủy nội địa của tỉnh Khánh Hòa đã vào vị trí neo đậu an toàn.

Đến 15 giờ ngày 1/11, toàn tỉnh Ninh Thuận có 2.239 tàu, thuyền vào neo đậu tại các bến trong tỉnh, trong đó có 118 tàu cá (673 lao động) của các tỉnh khác; 14 tàu nước ngoài (105 thuyền viên) và sáu tàu vận tải trong nước. Hiện còn năm tàu (36 lao động) đánh bắt ở vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận đang vào bờ và 268 tàu cá đã vào trú ẩn tại một số tỉnh lân cận.

Trong ngày hôm qua, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn cấm tất cả tàu, thuyền ra khơi đánh bắt cá và hoạt động trên biển.

* Trong ngày 1/11, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã có mặt tại Khánh Hòa và Ninh Thuận kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 11.

Mưa to từ TT - Huế đến Bình Thuận

Bão số 11 hôm nay đổ bộ vào nam Trung Bộ gây mưa to đến rất to trong vòng hai ba ngày từ tỉnh TT-Huế đến tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định.

Di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, sáng sớm nay, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Hôm nay, dự báo, bão số 11 tiếp tục đi theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,4 độ vĩ bắc, 108,4 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận và nam Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Sau đó, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 16 giờ ngày mai, 3/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,4 độ vĩ bắc, 105,0 độ kinh đông, trên địa phận Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực các tỉnh từ TT - Huế đến Bình thuận có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

MỚI - NÓNG