Sân khấu TPHCM 'chòi đạp' nuôi nhau

TP - Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM đồng thời là Trưởng ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM cho biết trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, nhiều nghệ sĩ lâm vào khó khăn phải cầm cự qua ngày.

> NSND Lê Tiến Thọ: Trăn trở sân khấu Việt Nam
> Lần đầu có liên hoan cho nghệ sĩ hài

Bà có thể cho biết vài nét về Ban Ái hữu?

Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM là tổ chức xã hội từ thiện độc đáo chỉ có ở Việt Nam và TPHCM, nhiều nơi trên thế giới từng tới tìm hiểu học hỏi. Hội ra đời tại Sài Gòn năm 1946 nhằm quy tụ giới sân khấu và các nhà báo, nhà phê bình sân khấu. Những người sáng lập có Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu…

“Chúng tôi thường dùng từ “chòi đạp” để mô tả tình cảnh hiện nay. Cứ chòi đạp qua từng tháng, từng năm, chứ chưa có gì căn cơ để lo về lâu về dài được”

Hồng Dung

Ban hoạt động độc lập, tới năm 1981thành lập Hội Sân khấu thì trở thành một ban của Hội Sân khấu. Ban là nơi sinh hoạt của anh em làm nghề không kể tuổi tác, hội viên hay không, nghệ sĩ tên tuổi tới hậu đài. Tuy nhiên chúng tôi chỉ có thể kết nạp hội viên tại thành phố còn anh em ở tỉnh thì chưa, do điều kiện hoạt động hạn chế, dù đơn của anh em rất nhiều.

Tính đến 1974, ban có 2 vạn hội viên. Sau 1975 một số về tỉnh, một số đi nước ngoài, nhiều người đã mất nên hội viên cựu trào còn khoảng 2.000. Tính đến nay, tổng cộng Ban Ái hữu nghệ sĩ TPHCM có 9.000 hội viên.

Cụ thể Ban đang làm gì để giúp nghệ sĩ khó khăn?

Ban trợ cấp cho 250 hội viên mỗi tháng 10 kg gạo và 200.000 đồng. Duy trì trại dưỡng lão nghệ sĩ với 22 nghệ sĩ có công lớn với ngành. Chăm sóc một chùa nghệ sĩ và một nghĩa trang nghệ sĩ. 10kg gạo mỗi tháng thì chưa đủ sống đâu nhưng được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Kinh phí lấy từ đâu thưa bà?

Trước kia sân khấu còn ăn khách, chúng tôi tổ chức các buổi diễn từ thiện lấy tiền bổ sung quỹ. Thời gian gần đây việc biểu diễn không được thường xuyên. Kinh phí đều do anh em trong giới và người hảo tâm đóng góp. Mỗi tháng hiện cần ít nhất 50 triệu đồng. Sân khấu Thái Dương hằng tháng ủng hộ 200 kg gạo. Năm ngoái gia đình ca sĩ Cẩm Ly ủng hộ viện dưỡng lão sửa chữa cơ sở vật chất 300 triệu đồng. Mới đây ca sĩ Mỹ Tâm ủng hộ 50 triệu, một công ty ủng hộ 50 triệu, ngoài ra còn nhiều nghệ sĩ khác nữa. Hằng năm ngoài Hà Nội cũng có gửi quà vào ủng hộ.

Ban Ái hữu có đề xuất gì không?

Chúng tôi ước tính còn khoảng 250 anh chị em đặc biệt khó khăn cần được trợ cấp gạo hằng tháng nhưng kinh phí hạn chế nên Ban chưa thể lo liệu được. Theo chúng tôi, việc trợ cấp cần mọi người chung tay nhưng bên cạnh đó cần làm sao vực dậy ngành sân khấu. Để sân khấu thu hút người xem, doanh thu cao, từ đó đời sống được cải thiện và ngành cũng có điều kiện giúp đỡ những người khó khăn. Chúng tôi thường dùng từ “chòi đạp” để mô tả tình cảnh hiện nay. Cứ chòi đạp qua từng tháng, từng năm, chứ chưa có gì căn cơ để lo về lâu về dài được.

Theo Báo giấy