Sân khấu lớn, nhỏ lại sáng đèn

TP - Hà Nội tập trung không ít nhà tổ chức biểu diễn có máu mặt. Mở màn cho sân khấu lớn lại là một đơn vị thiên về đào tạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với buổi diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội diễn ra đêm 25/2 tại Phòng hoà nhạc Lớn của Học viện tại 77 Hào Nam.

“Hằng năm, sau Tết, bao giờ Học viện cũng tổ chức đêm nhạc khai mạc mùa diễn nên chúng tôi rất mừng khi đúng dịp này các địa điểm biểu diễn được mở cửa trở lại”, NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia nói. Chương trình tới đây chủ đề Đêm nhạc Ý với các aria kinh điển của G. Verdi, T. Cottrau, L. Arditi do hai nghệ sĩ, giảng viên Đào Tố Loan và Phúc Tiệp thể hiện. Ngoài ra phải kể đến giao hưởng thơ Feste Romane của O. Respighi công diễn lần đầu tại Việt Nam của tác giả với sự tham gia của 120 nghệ sĩ trên sân khấu. “Vì là đêm khai diễn nên chúng tôi cũng muốn công diễn một tác phẩm đồ sộ có những loại đàn ít xuất hiện như mandolin Nga hay đại phong cầm... Nếu không phải Học viện thì không nơi nào trình diễn được tác phẩm này vì không đủ quân số”, Bùi Công Duy khẳng định.

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch sẽ chỉ huy đêm hòa nhạc 25/2 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Anh cũng cho hay tất cả các chương trình diễn ra tại phòng hòa nhạc lớn của trường thời gian này đều chấp hành làm rất chặt các biện pháp phòng chống dịch. Trước các buổi tập và buổi diễn, các nghệ sĩ cùng các bộ phận liên quan (lái xe, bảo vệ…) đều được xét nghiệm nhanh. “Mặc dù không còn quy định hạn chế, nhưng nhà trường vẫn chỉ đón không quá 50% khán giả vào khán phòng, dù ghế của phòng hòa nhạc đã rộng sẵn, kể cả ngồi cạnh khán giả cũng không chạm vào nhau. Mặt khác trường vẫn đang cho học viên học trực tuyến nên gần như không có người ra vào nên sự an toàn càng được đảm bảo”, nghệ sĩ Bùi Công Duy nói.

Media Max là nhà tổ chức mở hàng ca nhạc thủ đô trên sân khấu lớn với đêm diễn Để nhớ một thời ta đã yêu vào 20h 8/3 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị. Đêm diễn gồm các bản tình ca được nhiều người yêu thích gắn với tên tuổi của các ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Lệ Quyên. Nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc.

“Sau 2 năm gián đoạn vì COVID-19, thông tin Sở VHTT Hà Nội cho phép mở lại các địa điểm biểu diễn nghệ thuật từ 10/2 khiến chúng tôi rất vui và phấn chấn. Đây cũng là niềm vui cho anh em nghệ sĩ và những người làm các công việc liên quan như thiết kế sân khấu, hậu đài”, chị Đỗ Huyền Trang, Phó Giám đốc Media Max cho hay.

Tuy nhiên trong tình thế số lượng F0 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, nhà tổ chức Media Max vẫn chuẩn bị những phương án sẵn sàng thích ứng. “Chúng tôi cam kết với cơ quan quản lý rằng tất cả những người trong ê-kíp sản xuất đều phải đảm bảo đã tiêm 2-3 mũi vắc xin. Khán giả cũng vậy. Nếu đúng ngày diễn ra chương trình, điểm diễn nằm trong vùng đỏ hay cam sẽ phải ngồi giãn cách, mỗi vị trí cách quãng 2-3 ghế đồng nghĩa doanh thu bán vé ảnh hưởng nhiều… Chúng tôi đều trao đổi thông tin này với anh chị nghệ sĩ cũng như ê-kíp sản xuất để chia sẻ và chuẩn bị tinh thần”, bà Trang nói.

Về nội dung chương trình, Media Max khẳng định vẫn tập trung vào đẩy mạnh chất lượng âm nhạc, âm thanh mà không đầu tư quá nhiều vào sân khấu, đạo cụ. Tức là vẫn đảm bảo đúng với tính chất thương hiệu đã gây dựng.

Với số lượng diễn viên lên tới hàng trăm, việc đảm bảo an toàn phụ thuộc vào ý thức từng cá nhân. “Ngoài ra chúng tôi luôn rà soát, khuyến khích anh em khai báo, xét nghiệm nhanh chóng nhất là ai có biểu hiện sốt, khản tiếng… kịp thời phát hiện F0, F1 để có giải pháp thay vai hoặc ngừng diễn. Với khán giả, chúng tôi kiểm soát việc tuân thủ 5K trước khi vào rạp. Và bố trí chỗ ngồi giãn cách giữa các nhóm khán giả mua vé chung”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho hay.

Là giám khảo Liên hoan Kịch nói Toàn quốc 2021 khu vực phía Nam tổ chức tháng trước tại TP.HCM, NSƯT Sĩ Tiến khá bất ngờ khi thấy 80% các buổi diễn đều đông kín khán giả. “Mọi người đều có ý thức tuân thủ 5K. Rồi Hà Nội cũng phải đối diện với việc dịch bệnh tăng giảm bất thường gây ra những khó khăn trong đảm bảo sinh hoạt cộng đồng. Nhưng với kinh nghiệm phòng chống dịch đã có, người dân đều đã tiêm 2-3 mũi vắc xin… việc mở cửa các hoạt động văn hóa nghệ thuật thời điểm này là phù hợp. Tất nhiên chúng ta không chủ quan, để các hoạt động đi vào quy củ ở mức độ, tần suất phù hợp tùy thời điểm”, anh nhận xét.

Đêm 18-19/3 Nhà hát Tuổi Trẻ công diễn nhạc kịch Sóng lấy cảm hứng từ thơ Xuân Quỳnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là công trình công phu, tâm huyết từ khâu tuyển diễn viên, đào tạo, tập luyện… trong hơn một năm qua. Những vở diễn tiếp theo sẽ lên sân khấu 11 Ngô Thì Nhậm: Cái ao làng, Ông không phải bố tôi, Trại hoa vàng… Đây là các tác phẩm giúp Nhà hát giành nhiều huy chương tại các liên hoan sân khấu toàn quốc gần đây. Cuối tháng Năm sẽ là những kịch mục dành riêng cho thiếu nhi: Bầy chim thiên nga, Cuộc chiến virus…

Ở quy mô phòng trà, Trịnh Ca (ngõ 233, Tô Hiệu) sáng đèn ngay từ đêm 14/2 với Đêm tình nhân. Đại diện Trịnh Ca, ca sĩ Lê Tâm cho biết, chấp hành quy định của phường, chỉ được mở cửa đến 21h, BTC phải đẩy giờ khai diễn lên 19h45. “Không thể bắt đầu sớm hơn vì khách còn phải đi làm. Và vì nhiều khách có thể không kịp đến vào giờ sớm như thế nên chúng tôi giảm 40% giá vé. Cộng với việc chỉ đón 50% lượng khách nên doanh thu không còn bao nhiêu. Nhưng chúng tôi vẫn làm chương trình để các nghệ sĩ có chỗ sinh hoạt, những em sinh viên làm phục vụ cũng có thu nhập”, Lê Tâm nói. Trong giai đoạn này quán cũng phải tăng cường nhân viên đón tiếp khách từ cửa để đảm bảo các công đoạn sát khuẩn, khai báo y tế, đo nhiệt độ…

Trịnh Ca trước COVID-19 thường tổ chức 5-6 đêm nhạc/tuần. Sắp tới quán sẽ vẫn kín lịch từ thứ Năm đến Chủ nhật. Ngoài ra quán vẫn duy trì hình thức phát trực tiếp cùng các khách mời đã trở thành món ăn quen thuộc với khán giả trong và ngoài nước. Lê Tâm cho hay trong 2 năm giãn cách, quán đã tổ chức tầm 200 buổi biểu diễn trực tiếp qua Facebook. Có những buổi thu hút cả triệu lượt xem.