Sân khấu âm ỉ “cháy”

0:00 / 0:00
0:00
“Làng song sinh” do NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, sẽ dự Liên hoan. Ảnh: KỲ SƠN
“Làng song sinh” do NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, sẽ dự Liên hoan. Ảnh: KỲ SƠN
TP - Chưa thể bung ra tổ chức các đêm diễn hàng trăm khán giả, nghệ sĩ các nhà hát chỉ đành giữ lửa nghề bằng cách “cháy” hết mình trong các suất diễn ít ỏi, thưa khán giả.

Chưa thể bán vé

Nhà hát Lớn sáng đèn trong hai đêm 3, 4/11 để chạy vở Thiên mệnh do NSƯT Đỗ Kỷ dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn là một góc nhìn khác về Trần Thủ Độ - nhân vật lịch sử luôn được nhiều nhận định trái chiều. Khán giả chia nhau ngồi tương đối giãn cách trong khán phòng hơn 800 ghế. Những khán giả đầu tiên thưởng thức vở diễn đề tài lịch sử này là người trong nghề, báo giới, người thân của nghệ sĩ chứ nhà hát chưa hề mở bán vé. Vở diễn này cùng Điều còn lại đại diện cho Nhà hát Kịch Việt Nam dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, nghệ sĩ dồn lực khoảng ba tuần để tập và dựng Thiên mệnh-vở kịch lịch sử nhưng nóng hổi tính thời sự. Trước khi nghệ sĩ được tự do đến nhà hát, trong suốt khoảng thời gian giãn cách họ phải trao đổi với nhau qua điện thoại, họp trực tuyến. Nghệ thuật sân khấu cần sự tương tác, cộng hưởng trực tiếp thực sự gặp thách thức khi không được tay bắt mặt mừng hay “nhìn sâu vào mắt nhau”.

Nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ cũng tới tấp chia ca kíp vừa ghi hình quảng bá trên truyền hình, vừa dựng vở dự thi. Nhà hát Tuổi trẻ cũng là nơi trình diễn Antigone-dự án sân khấu của viện Goethe hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ. Sáu đạo diễn cùng khai thác kịch bản Antigone của nhà viết kịch Hy Lạp Sophocles (NSƯT Trần Lực, Bùi Như Lai, đạo diễn Hà Nguyên Long, nghệ sĩ Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải, đạo diễn Lê Thị Hòa An). Mỗi phiên bản Antigone có hai đêm diễn. NSƯT Bùi Như Lai ra mắt vở vào tối 7, 13/11, còn đạo diễn Trần Lực “chiếm” sàn diễn tối 6, 14/11.

Sân khấu âm ỉ “cháy” ảnh 1

"Thiên mệnh” - vở kịch lịch sử về Trần Thủ Độ ra mắt ngay khi hết giãn cách. Ảnh: KỲ SƠN

“Trong bối cảnh dịch bệnh buộc phải hạn chế khán giả, chúng tôi quyết định mời một số lượng khán giả thay vì bán vé. Vở diễn cũng được phát trực tuyến trên trang web của Viện Goethe”, NSƯT Như Lai nói. Dự án hợp tác Antigone được lên lịch từ năm ngoái nhưng phải lui lại do dịch bệnh kéo dài. Nghệ sĩ sân khấu buộc phải dừng hoạt động khá lâu nên cũng chịu không ít bức bối. “Khi được bung ra trở lại trong bối cảnh bình thường mới anh em nghệ sĩ đều hào hứng, hết mình với công việc. Thời điểm vừa qua, chúng tôi phải tập ngày tập đêm, hoạt động tới 150-200% công suất để bù đắp khoảng thời gian giãn cách và đảm bảo kịp tiến độ ra mắt vở diễn”, anh nói. Anh cũng là người đứng sau vở Chén thuốc độc công diễn ngay sau khi hết giãn cách, dịp kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam cuối tháng 10 vừa rồi.

Trong thời gian ngắn ngủi, nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật gấp rút chuẩn bị các vở mới dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, có thể kể tới Thiên mệnh, Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam), Làng song sinh (Nhà hát Kịch Hà Nội), Mẹ điên (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội).

NSƯT Kiều Minh Hiếu, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam tâm sự, mấy đêm diễn Điều còn lại, các trích đoạn sân khấu nổi bật như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Vũ Như Tô cuối tháng 10 đều ở diện chiêu đãi khán giả. “Các nhà hát được phép bán vé trở lại, nhưng thú thực không thể tổ chức biểu diễn rầm rộ trong bối cảnh này. Chúng tôi biết khán giả chưa có tâm trí để thưởng thức nghệ thuật. Nghệ sĩ hoạt động trở lại cốt để hâm nóng sân khấu, để giữ lửa nghề”, anh nói.

Liên hoan chưa từng có

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra giữa nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nghệ sĩ phía Bắc khăn gói sẵn sàng lên đường cho 12 ngày liên hoan (5-16/11) tại Hải Phòng. Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, BTC sẽ làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao TPHCM để tổ chức cho các đơn vị đăng ký tham gia Liên hoan trên địa bàn thành phố vào thời gian thích hợp. Liên hoan vốn là dịp nghệ sĩ ba miền tụ họp, nay đành đứt gãy do dịch bệnh. Không ít người còn muốn hoãn cuộc vui của sân khấu, chờ điều kiện bình thường trở lại. Thế nhưng liên hoan trong bối cảnh này cũng có thể xem là một trong những dịp hiếm hoi để nghệ sĩ được “cháy” lên.

Thành phố Hải Phòng là điểm đến của 14 đơn vị nghệ thuật nhằm giới thiệu 20 vở diễn với hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương. Đây cũng là liên hoan vượt khó của các nhà hát, nghệ sĩ sau thời gian dài giãn cách. Ban Tổ chức dự kiến phát trực tiếp vở diễn trên Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. Cục NTBD có kinh nghiệm tổ chức một số chương trình nghệ thuật trực tuyến như thế, nhưng đây là lần đầu tiên nghệ sĩ sân khấu phải đối diện thách thức chuyển đổi số.

Đòi hỏi chuyển hướng nhà hát trực tuyến, nhà hát truyền hình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra từ năm 2020 khi dịch bùng phát, mới đây Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhắc nghệ sĩ chủ động thành các YouTuber có tầm ảnh hưởng hơn nữa. “Đương nhiên hình thức phát trực tuyến không thể bằng biểu diễn trực tiếp tại nhà hát, nhưng đó cũng là cách tiếp cận mới và phù hợp xu thế dịch bệnh kéo dài. Nghệ sĩ trong bối cảnh này buộc phải tiếp cận khán giả qua công nghệ số”, NSƯT Như Lai nêu. Diễn viên Thu Quỳnh-liên tiếp có vai chính trên truyền hình nhưng chưa khi nào hết đắm đuối sân khấu- lại luôn tin kênh YouTube chỉ là cách để tiếp cận, lôi kéo khán giả đến nhà hát. “Sân khấu có sức hút kỳ lạ, ở đó cảm xúc được truyền trực tiếp từ nghệ sĩ tới khán giả. Cảm xúc ấy chỉ có được khi khán giả đến thánh đường sân khấu”.

Ấp ủ ý định để dành vở Điều còn lại dự liên hoan, đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu hơi tiếc nuối vì năm nay nghệ sĩ không được “xem nhau” diễn nhiều nữa do yêu cầu đảm bảo giãn cách, kinh phí eo hẹp. Về ý tưởng phát trực tiếp vở diễn trên YouTube, anh lại nghĩ khác. “Sân khấu phải là mục sở thị, được truyền qua bất kỳ phương tiện nào khác đều giảm giá trị. Hơn nữa, vở diễn của các nhà hát phần lớn đều là vở mới hoặc chưa khai thác nhiều. Phát trực tiếp tác phẩm trên YouTube chính là chặn cửa biểu diễn sau này”, anh nêu quan điểm. Đấy là chưa kể tới đường truyền chập chờn thì công sức của cả tập thể đổ sông đổ bể. Phần đông nghệ sĩ sân khấu vẫn tin ở ngày trở lại thánh đường, còn chuyển đổi số không phải là giải pháp hay.

MỚI - NÓNG