Săn huyết lình và lời đồn xuân dược 'vua phòng the'

Cận cảnh vị thuốc huyết lình.
Cận cảnh vị thuốc huyết lình.
Nhiều người thường lầm tưởng huyết lình là "máu tháng" của khỉ cái nhưng trên thực tế, huyết lình (hay còn gọi là lục lình) là máu của khỉ cái chảy ra khi sinh đẻ.

Có anh bạn sau chuyến công tác vùng núi phía Bắc về gọi tôi đến nhà để thưởng thức "thần dược" mà theo anh quý hiếm và khó tìm nhất trên đời này. 

Cầm trên tay một thỏi bằng ngón tay, màu đen sì trông chẳng khác gì nhựa đường, anh bạn tự hào rằng, "để sở hữu được món này, tôi đã phải nhờ tất cả bạn bè thân quen săn lùng cả nửa năm mới có được". Đó là huyết lình, một trong những thứ được mệnh danh là "vua của chuyện phòng the". 

Khi đã giới thiệu hàng loạt công dụng nào là bổ thận tráng dương, chồng uống vợ khen hay, gái già uống vào thì trẻ như con gái đôi mươi... anh bạn tôi lấy ra một chai rượu, bẻ một tí và cho vào, trong nháy mắt, chai rượu trắng biến thành màu đen đỏ. 

Khi rượu được rót vào chén, tôi tò mò cầm lên định nhấp môi thì một mùi tanh nồng nặc xông lên. Anh bạn tôi cười khà, dốc chén nuốt ực. Trong tiệc rượu, từ những thông tin của anh bạn xoay quanh thứ "thần dược" huyết lình đầy kỳ bí này, tôi quyết đi một chuyến để giải đáp thắc mắc, huyết lình là gì?

Nơi chúng tôi tìm đến là thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), đây là nơi ở của anh Phùng Quý Thành, người được mệnh danh là vua huyết lình của miền rừng núi này. Đó là một người đàn ông gần 50 tuổi, vóc nhỏ thó, gầy gò nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, đôi mắt sắc lẹm. 

Săn huyết lình và lời đồn xuân dược 'vua phòng the' ảnh 1 Rượu huyết lình.

"Muốn đi săn huyết lình, trước tiên, phải biến các cậu thành khỉ đã", anh Thành cười rồi lên giường đắp chăn. Căn phòng sực mùi ẩm mốc. Nhưng sau chuyến đi dài khá mệt nên chúng tôi chúng tôi cũng đã thiếp ngay vào giấc ngủ. 

Sáng hôm sau, chúng tôi bị đánh thức từ sáng sớm. Anh Thành bảo: "Qua một đêm trong kho củi, giờ thì các cậu hết mùi thành phố rồi, chỉ toàn là mùi... khỉ. Như thế, khỉ sẽ không thể đánh hơi thấy mà chạy mất". Tôi bắt đầu thấy chột dạ, hoang mang. 

Đội săn huyết lình thường có từ 3 - 7 người, chủ yếu là những người cùng họ hàng thân thích với nhau như chú cháu, anh em. Thế nhưng, tuyệt nhiên không bao giờ chuyện bố và con cùng "hợp đồng tác chiến" trong đội săn huyết lình. 

Lý giải về điều này, anh Thành chậm rãi nói: "Mỗi chuyến băng núi tìm huyết lình là một cuộc chiến sinh tử thật sự. Chuyện ngã vực chết mất xác tuy không nói ra nhưng ai cũng đều đã tính đến trước khi lên đường. 

Bố với con không muốn đi với nhau vì nếu có chết thì cũng chỉ chết một trong hai người thôi. Với lại, tình phụ tử sẽ làm cho người ta lo lắng dẫn đến run sợ trong một cuộc chiến rất cần sự... liều mạng".  

Anh Thành bảo: "Cách người ta thường làm là bỏ ra nhiều tháng liền theo dõi dấu vết của đàn khỉ trên núi, để xác định được khu vực hang khỉ sinh sống. Khi leo trèo giữa rừng già bên miệng vực thì thoắt ẩn thoắt hiện mà người thì chỉ có thể đi được bằng mỗi đôi chân mình thôi. 

Thế nên, mỗi ngày tớ phải lần tìm một chút, đánh dấu khu vực rồi hôm sau lại lần tìm tiếp, cứ thế đến khi nào xác định chắc chắn được khu vực hang khỉ thì mới có thể tổ chức đoàn đi săn huyết lình". 

Sáng hôm sau, chúng tôi mới tiếp cận được gần một hang khỉ mới. Khu vực mà anh Thành và đoàn thợ săn đã đánh dấu từ mấy tháng nay. Hang khỉ cao chừng 2m, xùm xòa dây leo nhưng lại nằm ở lưng chừng núi. Từ mỏm núi xuống đến cửa hang là một vách đá thẳng đứng, cao khoảng 20m. 

Anh Thành giục mọi người lấy dây thừng từ túi đồ nghề ra. Họ chọn một gốc cây thật to trên mỏm đá, buộc dây thật chặt vào gốc cây. Thế rồi, lần lượt từng người một, không hề có trang thiết bị bảo hộ, không găng tay, không mũ bảo hiểm, họ cứ thế lạnh lùng đu dây, từ từ tụt xuống.

Tụt xuống đến cửa hang, họ không thể buông dây thừng mà nhảy ngay vào trong hang được vì không có đà. Họ liền rút cây gậy gỗ dài chừng một sải tay đã chuẩn bị sẵn, sau đó dùng gậy gỗ chọc thẳng vào vách đá đẩy cho thân mình bật văng ra không trung. Thế rồi lực văng trở lại đã hất vèo người thợ săn vào trong hang một cách gọn ghẽ. Màn "nhập hang" rợn người quả thực là một cuộc đánh đu với thần chết, cá cược đời mình trong canh bạc một mất, một còn. 

Săn huyết lình và lời đồn xuân dược 'vua phòng the' ảnh 2 Cận cảnh hang khỉ cái sinh con.

Có chữa được yếu sinh lý? 

Tiếp xúc với những người làm nghề "săn huyết lình", mới thấy rằng, săn huyết lình là một việc mạo hiểm, tựa như săn cá mập ở Biển Đông. Được tiền triệu hay trắng tay, cái chết và sự sống nhiều khi chỉ đánh đổi trong gang tấc. Thế nhưng vì lợi nhuận hấp dẫn, không ai trong họ có ý định bỏ nghề. Bởi mỗi lần "trúng quả", người đi khai thác huyết lình có thể kiếm được tiền triệu, chục triệu là chuyện có thật.

Ông Triệu Văn Pàn, 93 tuổi, người già nhất trong thôn Lùng Trang kể lại: "Các cụ đời trước có truyền lại rằng, huyết lình rất bổ dưỡng cho cơ thể, đặc biệt với trẻ em còi cọc hay phụ nữ sau sinh mất máu, người mới ốm dậy. Huyết lình có thể trộn vào nấu cháo, hoặc pha ra nước để uống theo liều lượng nhất định". 

Khi tôi hỏi liệu huyết lình có chức năng tăng cường chức năng sinh lý cho đàn ông hay không, ông Pàn lắc đầu lia lịa: "Tôi cũng đã uống thứ này nhiều năm, chỉ cải thiện được sức khỏe thôi chứ chức năng đó thì không có. Trong vùng này, cũng chưa ai nói huyết lình có chức năng như vậy". 

Cũng theo ông Pàn, nhiều người thường lầm tưởng huyết lình là "máu tháng" của khỉ cái nhưng trên thực tế, huyết lình (hay còn gọi là lục lình) là máu của khỉ cái chảy ra khi sinh đẻ. Mùa sinh sản của khỉ thường vào giữa thời gian tháng 5 - 7 dương lịch, nên đây cũng là mùa mà các anh đi săn lùng huyết lình nhiều nhất. 

Đặc tính của khỉ thường chui vào các mỏm đá có khe nứt để đẻ và chúng chùi máu tiết ra từ tử cung lên mặt đá, chính vì vậy việc săn lùng huyết lình khá vất vả, thậm chí là đánh đổi cả mạng sống nếu không có kinh nghiệm. 

"Tôi đi rừng từ hồi tóc còn để chỏm, 25 tuổi đã có thể làm cầu qua vực, đến giờ cũng không nhớ mình đã từng làm bao nhiêu chiếc cầu gỗ rồi, nhưng mỗi lần hạ cầu xuống cho anh em đi qua vẫn thấy... nghẹt thở", anh Thành kể. 

Trong cuốn Từ điển cây thuốc Việt Nam bộ mới (Võ Văn Chi), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi) không nhắc gì đến tác dụng chữa ung thư, yếu sinh lý, vô sinh… của vị thuốc huyết lình. Điều này cho thấy các tác dụng trên của vị thuốc huyết lình đã bị người ta thổi phồng, đơm đặt thái quá. 

“Nếu chỉ là như vậy thì còn may. Thực chất là rất khó biết những khối đen bầm dính lá cây này nọ có phải là huyết lình, hay thứ gì khác. Ai cũng biết huyết lình rất khó kiếm, nhưng đâu đâu cũng thấy bán”, anh Thanh nói. 

Tại phố thuốc Đông y Hải Thượng Lãn Ông ở Q.5, TP.HCM, huyết lình bày bán khá nhiều, thật giả lẫn lộn, khó lường. Và giá cũng mỗi chỗ một mức. Có nơi bán chỉ dăm bày triệu đồng một ký, nhưng cũng có chỗ bán đến hơn chục triệu đồng.

Theo tài liệu nghiên cứu của GS. Đỗ Tất Lợi,  huyết lình là một bài thuốc tốt, bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh, người ốm yếu, xanh xao hay trẻ biếng ăn, gầy gò. Còn về chức năng "cải thiện sinh lý" cho đàn ông và "cải lão hoàn đồng" cho chị em phụ nữ thì chỉ là lời đồn thổi mà thôi.

Theo Theo Nông Nghiệp Việt Nam
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.