'Săn cu ly' ở miền Tây xứ Nghệ
"Săn" cây cu ly là một nghề rất lâu đời của các đồng bào dân tộc ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Để lấy được cu ly không phải đơn giản, người ta phải trèo đèo lội suối vào trong rừng sâu mới có được tinh hoa của rừng.
Cụ bà Cụt Thị Tỵ đã 80 tuổi nhưng vẫn là "thợ săn cu ly". |
Theo Đông y, do cây cu ly có lớp lông vàng bọc ngoài nên nó còn được gọi là kim mao cẩu tích, cây lông khỉ, cây lông cu li. Cây thuộc họ dương xỉ, là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi. Chúng chỉ mọc nhiều và phát triển được trên những đỉnh núi có độ cao.
Nghề truyền kiếp
Khẳng định nghề "săn cu ly" là nghề truyền kiếp của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ quả là không ngoa. Khi chúng tôi đến huyện Kỳ Sơn, những đoàn người kéo nhau lên núi để lấy cây cu ly đông như đi hội. Họ tụ họp nhau dưới những chân núi cao rồi chia nhau theo nhóm từ 2 - 5 người vào tận rừng sâu để tìm cho ra những cây cu lu già đem về thị trấn bán cho đầu mối thu mua lâm sản.
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là cụ Cụt Văn Tuất, người dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Cắn. Cụ Tuất năm nay đã ở tuổi 86, chân tay đã yếu nên run rẩy lắm, vì thế cụ không còn đủ sức đi lấy cây cu ly về bán như mọi năm. Gia đình cụ bây giờ, có tất cả 7 người rủ nhau lên núi, trong đó cụ bà Cụt Thị Tỵ đã 80 tuổi nhưng vẫn còn sức khoẻ để dẫn đầu đoàn con cháu đi "săn cu ly".
Cu ly được một hộ dân thu mua. |
Cụ Tuất kể: "Thời còn nhỏ, tôi đã cùng bố mẹ lên núi lấy cây cu ly rồi. Hồi ấy không phải tìm cu ly bán mà chỉ để làm thuốc, cùng lắm là chuyển xuống tỉnh lỵ bán rẻ cho các thầy lang. Nhưng bây giờ lại khác, cu ly có giá nên ai cũng đi tìm kiếm cho bằng được".
Ở huyện biên giới Kỳ Sơn, ngoài Nậm Cắn, cây cu ly còn phân bố rất đa dạng ở các đỉnh núi cao thuộc các xã Mường Lống, Huổi Tụ và Na Loi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ sức khoẻ để theo nghề "săn cu ly", mà nếu đủ sức cũng chưa chắc đã lấy được cây cu ly về. Vì thế, theo những "thợ săn" có tiếng ở Kỳ Sơn, để lấy được cây cu ly cần thiết phải có hai yếu tố: Sức khoẻ và kinh nghiệm.
Vượt núi tìm cu ly
Theo ông Lầu Tồng Pó, Chủ tịch UBND xã Nậm Càn: "Thợ "săn cu ly" cực nhọc lắm chứ không giản đơn như nhiều người vẫn nghĩ đâu. Ngoài những cây cu ly mọc ven rừng thì phần lớn cu ly sống trên những đỉnh núi có độ ẩm cao. Để lấy được cu ly, người ta phải cơm nắm cơm gói cả mấy ngày trời mới lấy được vài chục cân cu ly".
Trước đây, khi đang là cán bộ bản, ông Pó cũng là một thợ săn cu ly chuyên nghiệp. Vốn là người dân tộc Mông, lại leo rừng giỏi nên ông Pó cùng một nhóm thanh niên trong bản đi săn cu ly. Chỉ 3 ngày sau, nhóm của ông trở về với trên nửa tấn cu ly. Tuy nhiên, theo ông Pó, trước đây cây cu ly không có giá nên số tiền thu được chỉ đủ để anh em nhậu nhẹt vài bữa. Chứ như bây giờ, thì cu ly lại trở thành "vàng mười" của đất trời Kỳ Sơn.
Mỗi ngày, "thợ săn cu ly" có thể kiếm được vài chục nghìn đồng. |
Cu ly lên giá đã kéo theo rất nhiều người ở huyện Kỳ Sơn đua nhau lên núi "săn cu ly". Mùa thu hoạch cu ly chính thức từ sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên lúc ấy cu ly còn non nên rất hiếm có người nào kỳ công lên núi hái lượm. Đến tháng 6 dương lịch, khi cây cu ly đã già và lớp lông màu vàng mịn đã phủ kín thân cây mới là thời điểm thích hợp để các thợ săn trổ tài.
Anh Lô Văn Hiếu ở xã Na Loi dẫn đầu một nhóm bốn người, tất cả đều đeo gùi trên lưng và mang theo dao phát rẫy. Anh Hiếu cho biết: "Lấy cây cu ly không khó, nhưng tìm vị trí cây cu ly sống mới kỳ công. Chúng tôi trèo đèo lội suối suốt cả ngày mà cũng chỉ lấy được trên 100kg cu ly mà thôi".
Cũng theo anh Hiếu, có ngày chỉ lấy được vài cây nhưng có ngày lại bắt gặp cả rừng cu ly, phải huy động tất cả anh em bạn bè lên núi gồng gánh cu ly về thị trấn Mường Xén để bán. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho nghề "săn cu ly" cũng không phải là rẻ, đã có rất nhiều thợ săn bị ngã núi hoặc bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, cho đến nay các địa phương chưa có bất cứ một thống kê chính xác nào về hệ luỵ của công việc này.
"Kim mao cẩu tích" sẽ hiếm dần
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn: "Cu ly còn được gọi là kim mao cẩu tích, là một trong những thảo dược quý. Tuy nhiên, chúng tôi không thể xử lý người khai thác cây cu ly vì một lý do rất đơn giản, cu ly là một loại lâm sản ngoài gỗ, không nằm trong danh mục quý hiếm cần bảo vệ".
Cũng theo khảo sát của ông Minh, hiện ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) gần như rất khó để tìm được cây cu ly. Tình trạng khai thác quá nhiều đã dẫn đến sự cạn kiệt loài cây này. Giá cu ly ở Kỳ Sơn luôn dao động từ 2.000 - 3.000đ/kg, mà có khi một cây cu ly lớn đã nặng vài kg. Vì thế, ở một huyện nghèo tốp đầu cả nước như Kỳ Sơn thì việc người dân kiếm được vài chục nghìn mỗi ngày không chỉ là niềm vui, mà còn là kỳ tích.
Tuy nhiên, mặt trái của niềm vui và kỳ tích ấy chính là sự cạn kiệt của cu ly.
"Cây cu ly mọc rễ từ gốc lan ra xung quanh, những người "săn cu ly" phải hì hụi đào xuống rồi cắt lấy phần lông của cu ly. Ngày cao điểm, lái buôn ở thị trấn Mường Xén thu được cả chục tấn cu ly. Thậm chí, ở Kỳ Sơn còn hình thành những đầu mối thu mua cu ly cực lớn từ bên Lào về Việt Nam". Ông Nguyễn Quốc Minh (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn) |
Theo Trần Hòa
Kiến thức