“Săn” bò cạp núi

“Săn” bò cạp núi
Bò cạp đang là món ăn hấp dẫn số một tại một số nhà hàng ở TP HCM. Những con bò cạp đen nhánh, càng tua tủa, lông xù xì làm nao lòng các vị thực khách. Cái gì hiếm, lạ mới quý nên giá cả của một đĩa bò cạp chiên độ chục con làm không ít thực khách như tôi đây phải giật mình : trên 100.000 đồng…
“Săn” bò cạp núi ảnh 1

“Cái hang nào mà bên trên bị khoét rộng ra là hang “tụi nó” đấy!” - Cậu bé Dư cầm chiếc cuốc nhỏ giáng mạnh xuống cái hang mới phát hiện và sau chưa đầy nửa phút đào bới, đã thấy hai chú bò cạp đá đen nhánh bằng hai ngón tay chụm lại quơ quơ càng và giương chiếc đuôi cong nhọn hoắt lên đe dọa…

Dư ném cả hai “anh chị” vào chiếc xô nhựa tôi xách, tiếp tục săn tìm những “hang” khác…

Món ăn thời thượng

Gần đây các món ẩm thực họ côn trùng trở thành cơn sốt trong các nhà hàng đặc sản. Chúng được ưa chuộng vì ngon, lạ, bổ béo mà còn vì được dân sành điệu truyền bá có tác dụng cường dương, bổ thận… Thế là thiên hạ đổ xô đi ăn…

Bò cạp đang là món ăn hấp dẫn số một tại một số nhà hàng ở TP HCM. Những con bò cạp đen nhánh, càng tua tủa, lông xù xì làm nao lòng các vị thực khách. Cái gì hiếm, lạ mới quý nên giá cả của một đĩa bò cạp chiên độ chục con làm không ít thực khách như tôi đây phải giật mình : trên 100.000 đồng…

Thú thực, khi ông bạn rủ đi ăn bò cạp ở khu sân bay (quận Tân Bình), tôi chỉ định đi xem “nó” như thế nào chứ chưa dám bỏ thứ côn trùng độc đó vào miệng. “Ăn đi, không là tiếc đấy ! Thứ này ăn vô là đảm bảo “ông ăn bà khen” à nghen!”.

Dù quyết tâm, nhưng nghĩ đến cái giống vừa độc vừa đen trùi trũi gớm ghiếc đó là tôi lại thấy ghê ghê trong người. “Ăn thử thì có chết ai đâu nào ! Người ta cũng ăn hết đấy thôi!” - Vừa suy nghĩ tôi vừa liếc mắt nhìn một lượt các bàn bên cạnh và cả… ông bạn ngồi kế.

Gắp đại một con bỏ miệng, cảm nhận đầu tiên khi răng cắn vào con côn trùng cực độc này là béo béo, bùi bùi pha vị ngòn ngọt. Cái “áo giáp” của nó nhai giòn rụm, tan ra trong miệng. Một vị rất lạ, rất khó tả. Và tất nhiên là không thể chê nó được… 

Vào xứ sở bò cạp

Anh bạn ở Tân Phú (Đồng Nai) gọi điện kêu: “Ông lên đây đi ! Có nhiều cái để viết lắm !”. “Cái gì ?”. “Bù kẹp !”. “Bù kẹp là cái gì ?”. “Là con bò cạp đó!”. Quẳng vội bộ đồ vào ba lô, tôi thẳng tiến lên núi rừng Tân Phú.

Hỏi sao gọi “bù kẹp”, anh cười: “Dân miền Tây gọi con bò cạp là bù kẹp. Lên đây gọi riết thành quen ! Mai ông vào trong vùng Năm Rưỡi mà xem người ta bắt bù kẹp thế nào !”.

Hỏi đường xong xuôi, nai nịt gọn gàng đúng chất dân đi rừng, tôi vù xe vào vùng Năm Rưỡi (nằm trên địa bàn Phú Lộc- xã vùng đệm của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên). Khác xa 5 năm trước đây khi tôi lên, Phú Lộc đang trở nên trù phú và ngày càng đông đúc hơn.

Tôi quen cậu bé Dư khi hỏi đường vào nhà ông Năm Hưng- Trưởng ấp. Hỏi cậu bé về bò cạp, cậu nghi ngờ: “Chú muốn mua à?”. “Không, chú muốn đi bắt !” Cậu tròn mắt ngạc nhiên… Và tôi đã thành công khi thuyết phục được cậu cho tôi đi theo… xách xô xem cậu đào bù kẹp.

“Săn” bò cạp núi ảnh 2
Một điểm thu mua bà cạp

Cậu Dư giở lu cho tôi xem đám bò cạp mà mấy ngày nay cậu bắt được. Một đống đen sì, con nào con nấy lớn hơn cả con tôm càng lúc nhúc dưới đáy lu khiến tim tôi muốn nhảy vọt ra ngoài. Dù đã ăn nó rồi, nhưng nhìn thấy đám bò cạp còn sống này thực sự thần kinh tôi cũng không còn được vững cho lắm.

Dư ra sau nhà vác theo một cái xô nhựa, hai cái kẹp sắt và một cái sạc-lai nhỏ (cái cuốc để làm rẫy ở miền núi). Đồ nghề đơn giản chỉ vậy.

Chúng tôi lên rẫy giữa cái  nắng trưa hè gay gắt. Vòng qua mấy ruộng lúa, rẫy bắp và cây ăn trái đang vào mùa, Dư kêu tôi dừng lại và bắt đầu quan sát.

Lật từng tảng đá, lôi từng túm cỏ dại lên, Dư chỉ cho tôi cách để nhận biết  hang nào là hang bò cạp, hang nào là hang rắn, hang dế : “Hang bù kẹp thì dẹp, hang rắn thì lớn và láng, hang dế thì nhỏ”…

Chỉ một lỗ hang áng bằng hai ngón tay cái, Dư khẳng định với tôi : “Hang này chắc chắn có một “đôi” ở trong đó !”. Nói rồi cậu bé vung cuốc bổ xuống. Sau 4 nhát cuốc, cậu dùng tay bới đất lên. Sau lớp đất cứng phía trên là lớp đất xốp và rất tơi.

Dùng tay móc cho ra lỗ hang, Dư kêu: “Thấy chưa? Một cặp lớn đây!”. Dư móc chiếc kẹp sắt vào lôi ra một chú bò cạp đen trũi, bóng nhẫy. Con vật bị chiếc kẹp sắt giữ chặt, chỉ giơ được mỗi cặp càng và chiếc đuôi nhọn hoắt lên đe dọa.

Thấy tôi ghé sát mặt để “ngắm” con vật, Dư cầm đưa xa ra kêu: “Chú đừng nhìn gần vì có thể nó phun độc từ đuôi vào mắt. Rất độc và sưng cả tuần lễ đó, nhức lắm !”.

Bỏ “chiến lợi phẩm” đầu tiên vào chiếc xô, cậu bé lại sục chiếc kẹp sắt xuống cái hang vừa đào lên và lôi lên thêm một con mập mạp hơn con lúc nãy. Dư giải thích: “Con này là con cái đang có bầu. Con cái thì càng và đuôi nhỏ hơn con đực”.

Xong hang thứ nhất, Dư quay qua bên cạnh và bắt gặp ngay chiếc hang thứ hai. Đào cái hang này lên khá khó khăn vì mắc phải một số hòn đá nhỏ. ở hang này chỉ có một chú bò cạp đang “phòng không” nhưng khá lớn.

Dư tỏ vẻ am tường: “Bù kẹp rất sạch sẽ. Chúng không ăn mấy thứ dơ bẩn mà chỉ hút chất của mấy thứ côn trùng như cuốn chiếu, bọ rầy… nên ăn ngon và bổ dưỡng lắm”.

Dư cũng như rất nhiều người dân ở Phú Lộc này từ lúc nhỏ xíu đã quen với loài bù kẹp đá này. Có “đầu ra”, người dân nơi đây đổ lên rẫy, lên núi để săn chúng đem bán.

“Mỗi ngày tranh thủ ngoài giờ học đi đào cũng kiếm được chừng 10-20 ngàn đồng. ở vùng này như vậy là cũng khá lắm rồi. Ngày Chủ nhật hè này có ngày đào được cả ký lô, mua gạo ăn được cả tuần” - Dư khoe.

Chừng 3 tiếng đồng hồ, cậu bé đã đào được hơn 20 con. Dư lắc lắc chiếc xô: “Chừng này khoảng 3 lạng. Để đó mai đào tiếp rồi bán luôn!” “Để vậy không sợ nó chết sao?”- Tôi hỏi. Cậu bé cười: “Làm sao chết được, chú để cả tuần nó cũng chưa chắc đã chết nữa !”.

Trời đã bắt đầu kéo mây đen chuyển mưa. Chúng tôi trở về nhà cậu. Dư cho biết giá mua hơn một năm trước đây là khoảng 2.000đ/con. Chia tay cậu bé, tôi cũng không quên mua số bò cạp mình cùng cậu đi săn suốt buổi trưa dù rằng đưa về thành phố cũng không biết để làm gì.

Cậu bé chỉ cho tôi chỗ thu mua bò cạp duy nhất tại đây: “Ngay ngã ba, gần trụ sở ủy ban xã, có treo tấm bảng lớn lắm !”.

Mai này bò cạp còn không?

Ngược lên Phú Tân, Túc Trung (Định Quán), Tà Lài  (Tân Phú) cũng bắt gặp cảnh trẻ con, người lớn kéo nhau đi bắt bò cạp. Tại những nơi này, lượng người đi bắt và “sản lượng” khá cao nên việc thu mua khá nhộn nhịp.

Theo một nông dân ở ấp 4 xã Phú Tân, hiện trong ấp có gần chục hộ cả nhà cùng đi đào bò cạp để bán. Tại các ấp khác tình hình cũng tương tự. Anh Nguyễn Văn D. (ấp 5, Tà Lài) cho biết phong trào bắt bò cạp rộ lên từ năm ngoái, khi cà phê mất giá chỉ còn chừng 5.000 đồng/kg mà chẳng ai mua.

Lúc đó có người đến hỏi mua bò cạp giá 40-50 ngàn đồng/kg. Thế là rẫy vườn bị xới tung lên. Không chỉ người dân trong xã mà người dân từ nhiều xã ven đó cũng đổ xô sang đây để đi đào.

Đi cùng với đó là tình trạnh nhiều rẫy vườn trồng bắp và cây ăn trái bị những người  đi bắt bò cạp làm hư hại khiến nhiều chủ vườn khốn đốn, phải kêu lên chính quyền. “Nhiều người bắt quá, đến giờ bù kẹp càng lúc càng ít đi. Trước đào chút xíu được cả ký, giờ đào cả ngày chưa được nửa ký” - Bác Năm ở ấp 6 (Phú Lộc, Tân Phú) lắc đầu nói. 

Nhiều nông dân cho biết bò cạp núi là loài côn trùng có lợi vì chúng ăn các loại cuốn chiếu, bọ rầy phá hoại cây trồng… Việc bò cạp bị săn bắt nhiều sẽ làm ảnh hưởng lớn đến mùa màng.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Tuấn Đạt –Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc (Tân Phú) - thì chính quyền địa phương cũng đành bó tay vì những “thợ săn” này hoạt động rất bí mật, gọn nhẹ, chủ yếu là trẻ em.

Theo đà này, không biết mai này núi rừng Tân Phú (Định Quán) bò cạp có còn không ?

MỚI - NÓNG