Sân bay Long Thành, vì sao giải phóng mặt bằng vướng mắc kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
Sân bay Long Thành, vì sao giải phóng mặt bằng vướng mắc kéo dài?
TPO - Tác động bởi đại dịch COVID-19, việc thu hồi đất của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, địa phương phải giải trình với Kiểm toán Nhà nước… là những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) sân bay Long Thành.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đại diện Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

Dự án trọng điểm quốc gia này có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 của dự án 114.450 tỷ đồng, được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

Đáng lưu ý, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác GPMB trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tổng mức đầu tư cho nhiệm vụ này khoảng 22.856 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được hơn 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 46,81%).

Khó khăn vướng mắc được chỉ ra là do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn nhân, vật lực để triển khai công tác phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội, do vậy ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GPMB của dự án.

1.000 hộ dân gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường

Việc thu hồi đất của các hộ dân hiện nay có khoảng 1.000 hộ dân gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay). Nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch của giai đoạn 1 theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện giải trình với Kiểm toán Nhà nước liên quan đến điều chỉnh khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

“Những vướng mắc trên đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ để kịp thời giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Thể cho hay.

Về tiến độ dự án thành phần 1, Bộ GTVT cho biết, chủ đầu tư - VATM đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn. Các cơ quan đang lập và trình kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các công trình cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo ông Thể, nếu được bố trí vốn trung hạn thì các chủ đầu tư sẽ đầu tư các công trình đảm bảo được tiến độ, vì đây là các công trình dân dụng thông thường, không phức tạp.

“Tuy nhiên các bộ, cơ quan liên quan cũng cần phải quan tâm, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai và hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đảm bảo điều kiện khởi công ngay sau khi được bàn giao mặt bằng”, ông Thể cho hay.

Đối với dự án thành phần 2 và 3, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định vẫn cơ bản đảm bảo tiến độ theo dự kiến. Do vậy, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hạng mục để không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Ngoài ra, các đơn vị cũng xác định đại dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới công tác sản xuất, nhập khẩu một số thiết bị chuyên dụng và huy động chuyên gia tư vấn nước ngoài nên cần chủ động có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng này.

Trong dự án thành phần 3, đến nay công tác rà phá bom mìn đã thực hiện khoảng 77%, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2021. Việc xây dựng tường rào ranh giới cho 5.000ha đã hoàn thành khoảng 6,5km/8,67km, dự kiến hoàn thành cuối năm nay. Công tác san nền thoát nước cho khu vực nhà ga, sân đỗ sẽ thi công trong tháng 11/2021, các khu vực còn lại khởi công trong Quý I năm 2022.

Với dự án thành phần 4, sau khi ban hành thông tư về lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ công bố danh mục các dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2022, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025.

“Hàng tháng, Bộ GTVT tiếp tục họp chỉ đạo các chủ đầu tư dự án thành phần 2 và 3 để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng vào nửa đầu năm 2025, kịp thời vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác cuối năm 2025”, ông Thể cho biết.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án, Bộ GTVT đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.