Sâm quý nhất thế giới chỉ dùng để ngâm…rượu!

Quảng Nam là một trong hai tỉnh sở hữu loại sâm quý Ngọc Linh, tuy nhiên sản phẩm làm từ sâm còn rất nghèo nàn. Ảnh: T.T
Quảng Nam là một trong hai tỉnh sở hữu loại sâm quý Ngọc Linh, tuy nhiên sản phẩm làm từ sâm còn rất nghèo nàn. Ảnh: T.T
TP - Đó là thực trạng đang diễn ra tại Quảng Nam, một trong hai tỉnh sở hữu sâm Ngọc Linh quý nhất thế giới. Dù được các nhà khoa học khẳng định có giá trị cao về kinh tế, y dược nhưng đến nay, tỉnh Quảng Nam cũng chỉ mới sản xuất ra được duy nhất sản phẩm nước uống bổ dưỡng từ loài sâm quý này, còn lại để ngâm rượu.

Theo Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh phân bố từ độ cao 1.500m trở lên tại địa bàn xã Trà Linh (huyện Nam Trà My). Trước đây, giá sâm Ngọc Linh tương đương giá sâm Triều Tiên và đắt hơn sâm Hàn Quốc, rất nhiều người nước khác tìm đến Việt Nam để mua sâm về chữa bệnh, bào chế ra các sản phẩm khác. Hiện đã có hàng trăm hécta được trồng và nhân rộng ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tuy nhiên sản phẩm làm ra từ sâm ít về chủng loại và số lượng, chưa có cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu cũng như các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu. 

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam, cho hay: Hiện nay, ngoài Cty CPTM - Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam sản xuất nước uống bổ dưỡng ra thì chưa có thêm một sản phẩm nào từ loại sâm quý này. “Trên địa bàn chưa có công ty dược nào có tầm để ứng dụng công nghệ vào việc sản xuất dược liệu, điển hình như sâm Ngọc Linh. Nếu ứng dụng tốt KHCN sẽ chiết xuất được rất nhiều chất từ cây sâm, sau đó sản xuất ra mỹ phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng…chứ không chỉ dùng nguyên liệu sâm thô một cách lãng phí như hiện nay”.

Trước tình thế đó, Sở KH&CN đã trình dự án Ứng dụng công nghệ sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với Quỹ đổi mới Công nghệ quốc gia nhưng vẫn chưa có kết quả. “Quảng Nam đang tích cực tìm các đối tác, viện nghiên cứu để hợp tác làm sao từ nguồn nguyên liệu sâm quý sẵn có có thể sản xuất ra được nhiều sản phẩm nhất, không thể ở giữa “thủ phủ” của sâm mà để số lượng sản phẩm từ sâm nghèo nàn như vậy được”, ông Tích trăn trở.

“Bán lúa non”, cạn nguồn giống

Không chỉ bế tắc trong việc sản xuất, tỉnh Quảng Nam còn đang đau đầu với việc bảo tồn, nhân giống sâm Ngọc Linh. Việc người dân thi nhau bán sâm vì giá thu mua cao gây khó khăn vô cùng cho việc nhân giống.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: Đề án phát triển sâm Việt Nam (Ngọc Linh) với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng (trong đó huy động ngân sách 1.500 tỷ đồng, số còn lại huy động xã hội, kêu gọi đầu tư) đã được Chính phủ đồng ý phê duyệt, UBND tỉnh đang có những chương trình đầu tư cụ thể để phát triển hạ tầng lên vùng sâm. Tuy nhiên, khó khăn nhất của huyện là vấn đề giống và thiếu giống. 

Hiện, chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra nghiên cứu, bảo tồn để đưa ra giống sâm đạt chuẩn như những giống cây trồng khác. Tại Nam Trà My đang có 2 vườn sâm gốc, một của tỉnh giao cho Sở NN&PTNT quản lý, một của huyện quản lý. Tuy nhiên, theo ông Bửu trên thực tế chỉ quản lý thuần túy bằng mắt thường, chưa có nghiên cứu sâu về giống sâm, cho ra đời giống sâm đạt chuẩn.

Ông Phạm Viết Tích cho hay, quy trình sản xuất giống sâm đều từ hạt. Mỗi cây mất tới 4 năm tuổi mới cho ra hoa kết quả, năm thứ 5 mới cho quả. Trung bình mỗi cây chỉ cho 30 hạt/năm, song tỷ lệ hạt nảy mầm chỉ khoảng 50%, và trong số nảy mầm đó chỉ còn được vài cây sống sót. Thực tế nhân giống khó khăn như vậy, nhưng người dân vì nguồn lợi trước mắt nên sâm chưa kịp cho hết hạt thì đã đào lấy củ.

Kiểu “bán lúa non” như vậy dồn sâm vào thế cạn kiệt. Do đó, cần phải có kế hoạch lưu sâm 10 năm thì mới đảm bảo số hạt nhiều hơn để duy trì nguồn giống. Ngoài cách nhân giống từ hạt còn có thêm phương pháp nuôi cấy mô, tuy nhiên phương pháp này mới chỉ thành công trong ống nghiệm, chưa nghiên cứu được khả năng thích nghi của cây con nuôi cấy mô ngoài vườn ươm và vườn trồng.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Hà Phương Thư - Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng với một địa phương sở hữu cây sâm quý Ngọc Linh như Quảng Nam mà mới chỉ sản xuất được nước uống bổ dưỡng, còn lại để ngâm rượu thì quá lãng phí. Bởi việc ngâm rượu không thể nào phát huy hết dưỡng chất trong sâm.

 “Đối với sâm Ngọc Linh, có thể sử dụng công nghệ nano để nano hóa các dược chất quý hiếm trong cây sâm, khai thác triệt để các dưỡng chất có tác dụng trong chữa trị, bồi bổ sức khỏe…Khi thu được nhiều chất có lợi thì việc sản xuất ra nhiều sản phẩm từ sâm rất dễ. Là sâm quý mà chỉ dùng nguyên liệu thô để làm nước uống, ngâm rượu thì chưa tương xứng với giá trị của nó”, bà Thư nhấn mạnh.

Bà cho hay vấn đề áp dụng công nghệ không khó, tuy nhiên cần sự phối hợp giữa địa phương, cụ thể là Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam và các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN. Bà nói: “Viện luôn sẵn lòng hỗ trợ công nghệ nếu địa phương cần, nhưng trước đến nay, Viện chưa nhận được bất kỳ đề xuất hỗ trợ ứng dụng công nghệ để sản xuất sâm Ngọc Linh nào từ tỉnh này”.

Theo quy hoạch, Quảng Nam sẽ phát triển 15 ngàn ha sâm Ngọc Linh. Nam Trà My đã giao 1.200 ha rừng cho dân trồng sâm và khoảng 500 ha khoanh vùng dành cho doanh nghiệp. Từ khi đề án được thông qua, huyện đã nỗ lực xúc tiến đầu tư. Cùng với việc đang đầu tư mở đường, xây dựng cơ sở hạ tầng lên vùng sâm Trà Linh, hiện có 6 doanh nghiệp trong nước đăng ký đầu tư phát triển sâm tại Nam Trà My.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.