Ngày 10/12, UBND huyện Tu Mơ Rông phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM tổ chức Hội thảo sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam nhìn từ góc độ lịch sử, khoa học và thực tiễn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, sâm Ngọc Linh là dược liệu quý và được xem là quốc bảo của Việt Nam. Huyện đã phát triển được 2.800 héc-ta sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Trong 5 năm qua, cây sâm Ngọc Linh đã góp phần xóa gần 2.000 hộ nghèo; giúp hàng trăm hộ đã làm giàu, cá biệt thu nhập hàng chục tỷ đồng một năm.
Cây Sâm Ngọc Linh đã góp phần thay đổi 2 nhận thức quan trọng của người dân nơi đây từ tư duy trông chờ ỷ lại sang tư duy chủ động đầu tư phát triển kinh tế, cụ thể là đầu tư phát triển cây sâm thông qua nguồn vốn tự có, vốn vay với hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, cây sâm cũng giúp người dân thay đổi từ tư duy phá rừng sang trồng rừng để từ đó có hàng trăm héc-ta rừng được người dân trồng mỗi năm, tạo hệ sinh thái bảo vệ vùng đệm của cây sâm gắn với phát triển du lịch.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra các trường hợp rao bán sâm Ngọc Linh giả bằng những loại củ có vẻ ngoài giống sâm Ngọc Linh. Người chịu thiệt hại đầu tiên là khách hàng khi bỏ số tiền lớn nhưng không mua đúng sản phẩm chất lượng, còn người trồng tâm huyết bị mang vạ.
Huyện Tu Mơ Rông tổ chức cuộc tọa đàm về sâm Ngọc Linh ngay tại vùng cội nguồn để giúp nhận diện rõ, đầy đủ hơn giá trị của sâm Ngọc Linh. Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp, cộng đồng trên cả nước có thêm thông tin chính thống để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm, củ khác.
Giải đáp vấn đề này, GS.TS Nguyễn Minh Đức - Khoa Dược, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, cho biết: “Do sự chênh lệch giá cao giữa một số loại sâm với sâm Ngọc Linh, hàng giả, gây thiệt hại hình ảnh, uy tín của sâm Ngọc Linh và thiệt hại cho người dùng. Cần nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, chuyên luận dược điển phù hợp cho từng loại sâm, nhất là áp dụng các phương pháp kiểm nghiệm hiệu quả để phân biệt các loại sâm, xác định đúng giá trị".
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Huy, vì người dân vẫn còn trồng sâm theo lối truyền thống, dưới tán rừng và chưa hiểu biết về công nghệ trồng trọt nên dễ bị mắc các mầm bệnh trong đất. Vì vậy, chúng ta cần phải có thêm nhiều biện pháp để ứng dụng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện tại địa phương. Đồng thời, các cơ quan cần phải phối hợp với người dân, tổ chức thêm nhiều hội thảo để hiểu hơn về thông tin, cách trồng trọt và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh.
Trong khuôn khổ hội thảo, Nhóm nghiên cứu Sâm Việt Nam của Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ ký kết hợp tác với Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum để nghiên cứu về sự phát triển hoạt chất trên cây sâm Ngọc Linh qua các chu kỳ phát triển hàng năm. Qua đó tiếp tục khẳng định, nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh, giúp người tiêu dùng yên tâm và hưởng lợi.