Nghệ sỹ viết tự truyện:

Sám hối hay vạch áo cho người xem lưng?

Sám hối hay vạch áo cho người xem lưng?
Những mảnh sự thật đau đớn được kể ra, có thể khiến những thần tượng bị sụp đổ, có thể làm cho nhiều người thấy bất nhẫn. Cuốn tự truyện của Lê Vân được ghi nhận như một sự khởi đầu của giới nghệ sỹ công bố đời mình...
Sám hối hay vạch áo cho người xem lưng? ảnh 1
Lê Vân giao lưu với độc giả và báo chí. Bên cạnh là nhà thơ Bùi Mai Hạnh.

Có hai thứ không thể thay đổi, đó là sự thật và quá khứ. Viết tự truyện chính là viết về hai thứ đó.

Với cách viết non - fiction, nghĩa là không hư cấu, tự truyện, hồi ký có sức quyến rũ bởi những bí mật được hé lộ trong đời riêng những người nổi tiếng.

Viết với tinh thần sám hối, người ta có thể đưa tất cả những điều tăm tối trong hành trình sống lên trang sách.

Sau mỗi cuốn tự truyện best - seller luôn là những dư luận, kẻ ủng hộ, người phẫn nộ. Nhưng những người liên quan đến cuốn sách có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm vì hành động "vạch áo cho người xem lưng" của tác giả.

Thời của văn chương tự sự

Thế kỷ XXI được dự báo là thời gian lý tưởng của những cuốn sách tự sự. Bằng chứng là những cuốn sách riêng tư, những tâm sự đặc biệt của những nhân vật khi nổi tiếng, lúc vô danh bỗng chốc được lan truyền trên mạng internet, nhanh chóng được dịch và nổi tiếng khắp thế giới.

Một cuốn tự truyện của cô gái điếm xứ Ấn được đặc biệt quan tâm. Hay như "Nhật ký Mã Yến" - cô bé nghèo của miền sơn cước Trung Hoa với những trang nhật ký đẫm nước mắt khao khát đến trường.

"Nhật ký Nancy" lại là những dòng chữ cuối cùng của một cô bé 14 tuổi thơ ngây bị lừa gạt tình yêu đầu để rồi khi nhựa sống đang bước vào hồi dào dạt chảy thì mầm của "thần chết" - căn bệnh AIDS - đã bắt đầu sinh sôi trong cơ thể em.

Hay "Hoa hướng dương không cần mặt trời" lại là khát vọng sống trong con người Trần Tử Khâm khi em hàng ngày phải đối mặt với căn bệnh ung thư.

Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, người ta có thể nhận thấy những trang hồi ký, tự truyện của các nhà văn luôn mang lại thật nhiều suy nghĩ. Nhật ký nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hồi ký của nhà văn Tô Hoài... đều mang đến những thông tin quý giá và những trăn trở không phải khi nào cũng có thể nói ra trên những tác phẩm văn chương.

Cuốn sách "Nguyên ơi" của tác giả Lê Hải Triều khi vừa mới ra đời đã tạo được dư luận. Đây không phải cuốn sách xuất sắc về mặt văn chương nhưng lay động lòng người bởi sự chân thật và những nỗi niềm đau buốt từ trong tim người viết. Cuốn tự truyện "Kiatisak - Cuộc đời tôi" cũng ngay lập tức được người hâm mộ Việt Nam tìm đọc...

Hấp dẫn trong những rào cản văn hóa

Đời người nghệ sỹ mang theo bao vinh quang và sự ngưỡng mộ từ công chúng, nhưng cũng bấy nhiêu là những ấm ức, những giằng xé và đau khổ từ đời riêng. Có những điều nói ra như một lần nhìn lại ký ức. Nhưng cũng có những điều nói ra cho nhẹ lòng, như trả lại sự thật một bí mật buộc phải bọc kín trong tâm.

Người viết như trút lòng, còn người đọc lại thỏa trí tò mò, chứng kiến những cảnh huống tưởng chỉ có trong những câu chuyện bên lề, tưởng chỉ là những dư âm xa xôi của những tin đồn nay được hiện diện ngoài ánh sáng, giấy trắng mực đen. Một nhà tâm lý học phương Tây gọi đó là tâm lý ngó trộm qua lỗ khóa.

Giới nghệ sỹ Việt Nam vốn tiếng là không ít chuyện nhưng luôn trọng tâm lý "chuyện trong nhà bảo nhau". Thế nên, những tâm sự ruột gan của một nghệ sỹ trên báo cũng khiến người đó bị gán tội "dại khờ" khi đem khoe chuyện không hay của mình trước công luận.

Tâm lý "tế nhị" ấy thật tốt trong quan hệ của các nghệ sỹ, nhưng lại làm cho sự thật khó hình dung hơn. Tờ báo nào đăng những thông tin ấy còn bị coi là lá cải, moi móc chuyện đời tư.

Thế nên, việc một nghệ sỹ xuất bản tự truyện hay hồi ký thực sự là một điều lạ và là sự dũng cảm rất khó kiếm. Mỗi cuốn sách in ra sẽ làm cho không ít người run rẩy vì những vết nhơ trong đời mình bị xếp chữ trên giấy và làm cho không ít người phẫn nộ vì bị hiểu sai. Công chúng đón nhận thông tin theo nhiều cách khác nhau.

Không phải nghệ sỹ nào cũng muốn nổi tiếng bởi những scandal do người khác tạo ra, nhất là những nghệ sỹ nổi tiếng mà lại quá xa lạ với công nghệ lăng xê.

Còn nhớ, khi những chương đầu trong cuốn "Hồi ký điện ảnh" của đạo diễn Đặng Nhật Minh in lên báo, ngay lập tức đã gặp sự phản ứng quyết liệt của một số đạo diễn được ông đích danh chỉ tên. Cuốn sách ra đời cũng mang lại cho ông không ít phiền toái. Bởi sự thật thường mất lòng. Hơn nữa, những cảm nhận nhiều phần chủ quan rất dễ gây nên sự cố.

Cuốn tự truyện "Lê Vân - Yêu và sống" đang thực sự là một best - seller đúng nghĩa tại quầy sách. Lần đầu tiên một nghệ sỹ biểu diễn sau thời gian dài ẩn mình đã công bố những câu chuyện về đời mình. Điều đáng nói là trong cuốn sách ấy, chị đã thẳng thắn nói về quan hệ của mình với bố mẹ và hai cô em trong gia đình nghệ sỹ nổi tiếng từng nhiều năm được coi là mẫu mực của giới nghệ sỹ Việt Nam.

Những mảnh sự thật đau đớn được kể ra, có thể khiến những thần tượng bị sụp đổ, có thể làm cho nhiều người thấy bất nhẫn. Cuốn tự truyện của Lê Vân được ghi nhận như một sự khởi đầu của giới nghệ sỹ biểu diễn công bố đời mình (dù nhiều sự thật vẫn chưa được đề cập tới). Nhưng người ta đã đoán trước những phản ứng của các nhân vật liên quan trong cuốn sách này.

Buổi họp báo ra mắt cuốn sách rất căng thẳng, có người đã gọi điện cho NSND Trần Tiến và yêu cầu được bật loa lên để nghe ông phản ứng về những trang viết của con gái mình. Và Trần Tiến cho rằng, ông không phải như thế, nhưng ông không thể nói gì vì Lê Vân là con ông. Hàng loạt nhân vật của làng văn nghệ đã có những phản ứng khác nhau và Lê Vân đã gần như phải "trốn chạy" báo giới.

Sau Lê Vân, NSND Thanh Hoa cũng đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn hồi ký của mình với sự thể hiện của nữ nhà văn Trần Thị Trường. Cuốn hồi ký dung nạp trong nó những năm tháng gian khó nhất trong cuộc đời ca hát của người nghệ sỹ này.

Sám hối hay vạch áo cho người xem lưng? ảnh 2
Sau Lê Vân, NSND Thanh Hoa cũng đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn hồi ký của mình với sự thể hiện của nữ nhà văn Trần Thị Trường.

Và đây cũng sẽ là lần đầu tiên Thanh Hoa công bố chuyện về những người đàn ông đi qua đời mình - những câu chuyện vốn được nghe nhiều trong giai thoại làng văn nghệ.

Nguyên nhân cái chết của chồng chị, nhạc sỹ Phan Lạc Hoa cũng được đưa ra không giống với những tin đồn.

Và sẽ có không ít nhân vật có tên của giới nhạc sỹ, vốn là "bạn rượu" của Phan Lạc Hoa cũng sẽ được kể lại với một chân dung khác.

Chính vì thế, tiên liệu về sự phản ứng gay gắt của người trong giới cũng là điều dễ hiểu.

Sau Thanh Hoa sẽ là ai? Nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo cũng đã lên kế hoạch cho một cuốn tự truyện của mình. Giới nghệ sỹ râm ran trong nhiều năm, những Thanh Lam, Hà Kiều Anh, Đan Trường... đều đã tuyên bố sẽ có những tự truyện gây chấn động làng nghệ sỹ.

Nhưng tất cả chỉ là dự định và những cuốn sách chưa hứa hẹn ngày trình làng.

Tuy vậy, sự thật trong giới nghệ sỹ luôn thu hút sự tò mò của công chúng và những cuốn tự truyện vì thế cũng trở nên đắt hàng. Công bố những điều đôi khi chỉ mình nghĩ mình nghe, có khi là những khát vọng tội lỗi, có khi gây phương hại đến những người xung quanh, đó chính là điều gây cảm giác "vạch áo cho người xem lưng" khi nghệ sỹ viết tự truyện.

Không ít người cho rằng, chỉ nên quan tâm đến những cống hiến cho nghệ thuật của người nghệ sỹ mà thôi. Còn câu chuyện đời riêng của nghệ sỹ, hãy tự giấu kín và để dành riêng cho mình.

Quan điểm này được khá nhiều nghệ sỹ hưởng ứng, phần nhiều bởi rào cản về văn hóa và tâm lý phương Đông. Tuy nhiên, nhìn từ góc khác, sự thật cần được tôn trọng và có những suy nghĩ của riêng một người vẫn có thể làm lay động và nâng đỡ tâm hồn nhiều người khác.

Đọc tự truyện để hiểu và cảm thông hơn với người nghệ sỹ cũng là một cách dung nạp thêm những cuộc đời không liên quan sát gần lại với mình.

Nhưng, dù có thế nào đi chăng nữa, một cuốn tự truyện thành công và để lại dấu ấn là một cuốn tự truyện chỉ nói lên sự thật. Bởi khi sự thật chỉ còn một nửa đã biến thành sự giả dối...

Theo Toàn Nguyễn
Công an Nhân dân

MỚI - NÓNG