Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội:

Sai phạm xây dựng, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm

Công trình tòa nhà 8B Lê Trực có nhiều vi phạm trật tự xây dựng.
Công trình tòa nhà 8B Lê Trực có nhiều vi phạm trật tự xây dựng.
TP - Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phó Bí thư thường trực thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm.

Theo bà Hằng, dù đạt được nhiều thành tựu, Hà Nội vẫn tồn tại một số khuyết điểm, hạn chế như kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; trật tự kỷ cương, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chuyển biến còn chậm. Các vấn đề nhức nhối là vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân...

“Từ năm 2014 đến nay chúng ta lấy chủ đề của năm là văn minh đô thị, nhưng chuyển biến vẫn chưa đậm nét. Tôi rất mong các chủ tịch quận ngồi đây, hàng ngày đi trên đường có thể nhìn rõ được, nhắc nhở luôn phường nào để yếu kém. Hàng quán còn nhếch nhác, vệ sinh môi trường còn yếu kém không xứng tầm Thủ đô”, bà Hằng nói.

Bên cạnh đó, theo bà Hằng, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thủ đô. Quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng còn yếu kém.

“Chúng ta nhớ đã có trường hợp phải cắt ngọn nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Mười mấy cán bộ, cả chủ chốt quận huyện cũng bị kỷ luật. Hiện thành phố đang chỉ đạo xử lý sai phạm ở công trình 8B Lê Trực thì lại nảy sinh ở Ba Vì. Việc này chúng ta không được chủ quan. Phải thường xuyên, liên tục kiểm tra, tăng cường vai trò của đội ngũ thanh tra xây dựng, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, địa phương”, bà Hằng nói.

Nói thêm về điều này, bà Hằng cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm kỷ luật của nhiều đơn vị, cơ sở chưa được thực hiện thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Chưa có biện pháp, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm, biểu hiện tiêu cực xảy ra trên địa bàn.

“Để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, thanh tra xây dựng bị kỷ luật, cán bộ hợp đồng bị cách chức thì vẫn chưa đủ mạnh. Ban Thường vụ Thành ủy lần này rất cương quyết, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, giám đốc sở, chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Không thể để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục xảy ra mà xử lý không đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe”, bà Hằng nói. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng, tính gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý chưa cao, tình trạng suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tiêu cực còn chậm khắc phục.

“Hà Nội vẫn còn bị các doanh nghiệp kêu, mặc dù đã cải thiện rất nhiều về cải cách hành chính. Ví dụ điển hình là dự án vườn hoa ở Đông Anh. 5 năm trời, vắt qua hai nhiệm kỳ, 60 con dấu trình lên các cấp để triển khai nhưng đến bây giờ vẫn còn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng”, bà Hằng nói.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.