> Kiểm điểm phóng viên cấp tin về nạn phá rừng cho báo chí
Các kết luận thanh tra số 457 và 646 năm 2010 của huyện Lệ Thủy cho thấy: Có đến 9 cán bộ từ bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, phó bí thư, chủ tịch mặt trận xã Sen Thủy... cho đến lãnh đạo các thôn và 3 hộ dân đã tham gia vụ bán trái phép hơn 10ha cây rừng trồng thuộc Dự án 327 để lấy hơn 160 triệu đồng chia nhau.
Ngoài ra, các vị này còn chiếm dụng luôn diện tích rừng nói trên để trồng rừng cá nhân.
Với các sai phạm nói trên, một số cán bộ chủ chốt của xã Sen Thủy đã phải chịu hình thức kỷ luật khiển trách cả về Đảng và chính quyền. Để khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy ra quyết định thu hồi số tiền tương ứng đối với từng cá nhân sai phạm để nộp vào ngân sách.
Thời hạn chót cho việc nộp lại tiền là vào ngày 30-7-2011. Tuy nhiên, cho đến nay, số cán bộ mắc sai phạm này vẫn chây ì, không nộp đủ số tiền theo quyết định.
Ong Nguyễn Văn Hiểu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sen Thủy, từng bán hơn 4ha cây rừng, bỏ túi hơn 12 triệu đồng, nay là chủ tịch UBND xã, được giao thu hồi tiền từ các cá nhân sai phạm.
Ông cho biết: Ông cũng đốc thúc nhưng những người sai phạm chỉ nộp lẻ tẻ, đến nay chưa có ai nộp đủ số tiền theo quyết định. Ngay bản thân ông Hiểu cũng còn nợ 1,2 triệu/ 12,750 triệu đồng. “Sự việc xảy ra đã lâu, với lại số tiền bán rừng có được cũng đã tiêu hết nên anh em cũng gặp khó khăn, không có đủ để nộp một lúc” - ông Hiểu nói.
Trước hình thức kỉ luật khiển trách, rồi đến việc chây ì không nộp lại tiền do các cán bộ xã làm sai mà có, người dân Sen Thủy rất bức xúc.
Nhiều người cho rằng, việc huyện Lệ Thủy chỉ kỉ luật khiển trách đối với các cán bộ trong vụ bán và chiếm dụng đất rừng trái phép ở xã Sen Thủy là quá nương nhẹ.