Sai phạm ở Bộ LĐ-TB&XH: Không mập mờ để tham nhũng

Ông Phạm Quang Phụng.
Ông Phạm Quang Phụng.
TP - Chiều 23/3, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ LĐ-TB&XH) về những tồn tại, hạn chế của Bộ LĐ-TB&XH trong quản lý tài chính, tài sản vừa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.

Theo Kiểm toán Nhà nước, một số dự án đầu tư của bộ còn nhiều tồn tại, hạn chế, gây lãng phí. Tại sao lại có nhiều sai phạm như vậy, ở đây có hay không việc cố ý làm sai để tham nhũng, thưa ông?

Trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cũng muôn hình vạn trạng, quá trình làm dự án khó tránh khỏi phát sinh phải chỉnh sửa. Nhưng cũng có chuyện chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát... chưa làm hết trách nhiệm, dẫn tới sai sót. Ngay khi có kết luận kiểm toán, bộ đã có công văn yêu cầu từng chủ đầu tư khắc phục, xử lý dứt điểm. Đồng thời, bộ yêu cầu các chủ đầu tư kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, dù chưa tới mức kỷ luật.

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, hầu hết các trường tách nhỏ gói mua sắm, sửa chữa thành các gói dưới 100 triệu để không phải đấu thầu, mà mua trực tiếp là sai quy định, phải chăng đây là cách để các đơn vị lách quy định về đấu thầu và có gì đó mờ ám?

Tôi khẳng định không có sự cố tình chia nhỏ để làm việc mờ ám, lắt léo. Hằng năm, các đơn vị đều có kinh phí thực hiện mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, nhưng khi có hư hỏng là họ sửa, nên nhiều gói chỉ vài chục triệu đồng, nhưng tính tổng các sửa chữa cả năm có khi lên tới vài trăm triệu đồng.

Hiện nhiều cơ sở nhà, đất do bộ quản lý bị lấn chiếm, tranh chấp, tại sao lại có tình trạng này và bộ có giải pháp gì để giải quyết?

Đúng là có một số đơn vị trực thuộc bộ có tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất, như khu đất của trường Cao đẳng Công nghiệp Kỹ thuật TPHCM, trường Nhân lực Quốc tế, Cục Người có công, Bệnh viện Phục hồi chức năng TPHCM... Thực tế này cũng do lịch sử để lại. Từ nhiều năm trước đây, các đơn vị nhà nước thường cho lãnh đạo, cán bộ công chức đơn vị mượn đất trong khuôn viên để ở hoặc có các nhà tập thể trong phạm vi đất của cơ sở...

Sau đó, đất đai có giá trị, những người được giao chết nhưng vợ con vẫn ở lại, hoặc mua đi bán lại, nên nay xảy ra khó khăn trong việc thu hồi. Với các đơn vị vẫn thuộc bộ quản lý, chúng tôi sẽ thực hiện giải tỏa, cưỡng chế thu hồi, một số đơn vị sẽ chuyển về cho địa phương quản lý và giải quyết. Tới đây khi thực hiện Luật Tài sản công chắc chắn những vấn đề này sẽ phải giải quyết dứt điểm.

MỚI - NÓNG