Sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung làm nóng họp báo Chính phủ

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo. Ảnh: Mạnh Thắng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo. Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô -Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an đã thông tin thêm về việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung. 
Họp báo chính phủ 4.9. 2020

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

04/09/2020 18:20

04/09/2020 19:16

Tại buổi họp báo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, trong tháng 8 vừa qua chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19 rất thành công.

Đến nay, các ổ dịch đã cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm đã được xác định, khoanh vùng và cách ly phù hợp. Kết quả tích cực này đã góp phần quan trọng để chúng ta giữ ổn định tình hình, tiếp tục tập trung nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”; tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung làm nóng họp báo Chính phủ ảnh 1 Ảnh: Mạnh Thắng.

Trong bối cảnh, trên thế giới, nhiều quốc gia tiếp tục tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp; sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng nếu không sớm đẩy lùi dịch COVID-19, một số ý kiến dự báo về khả năng "suy thoái kép" của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm tăng trưởng dương trong khu vực và toàn cầu. Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3% trong năm 2020.

Chúng ta tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần; mặt bằng lãi suất giảm; tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định. CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 – mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ, bước đầu đã kiểm soát ở mức dưới 4% so với mục tiêu Quốc hội giao. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng chỉ tăng 2,66%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23% chủ yếu là do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được thị trường đầu ra. Dự trữ ngoại hối tăng.

Thu ngân sách Nhà nước đạt không cao, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán. Chi ngân sách thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến hết tháng 7/2020, đã thực hiện chi gần 88 nghìn tỷ đồng (ngoài dự toán NSNN năm 2020) để hỗ trợ chính sách, trong đó miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, người dân khoảng 71,9 nghìn tỷ đồng; chi khoảng 15,8 nghìn tỷ đồng từ NSNN cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN tiếp tục được đẩy mạnh, 8 tháng đạt trên 221,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,08% kế hoạch (cùng kỳ đạt 41,39%); cao nhất giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, trong tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt, tổ chức 7 đoàn công tác của Lãnh đạo Chính phủ, tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công; trong đó tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ phân loại dự án, tiến độ hoàn công và thủ tục thanh toán tại Kho bạc…

Công tác triển khai thu hút đầu tư nước ngoài tuy chưa được như kỳ vọng, song chúng ta đã thu hút được 19,54 tỷ USD vốn đầu tư FDI và giải ngân được 11,4 tỷ USD.

Nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế trong lúc khó khăn. Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu giữ được mức tăng trưởng 2,6-2,8%, đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỷ USD. Trong đó, nguồn cung thịt lợn tăng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hiện nay trung bình từ 77.000-83.000 đồng/kg, giảm 15.000-18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Một điểm sáng của ngành nông nghiệp là nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là  điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Đặc biệt đã xuất siêu trên 11,9 tỷ USD. Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó: Điện thoại và linh kiện đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 31,9%; giày dép đạt 10,9 tỷ USD, giảm 8,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD, tăng 9,6%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,2 tỷ USD, giảm 9,5%...

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, IIP tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào. Kéo theo đó là hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 có xu hướng giảm so với tháng trước do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 bùng phát trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước). Tính chung 8 tháng, giảm 0,02%.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông bảo đảm hiệu quả, khách quan, công bằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới. 06/6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 tại Indonesia đều đạt giải cao; trong đó có 01 huy chương vàng, 04 huy chương bạc và 01 huy chương đồng.

Các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện. Đời sống người dân được bảo đảm; thiếu đói không phát sinh trên phạm vi cả nước (có 16.500 lượt thiếu đói, 66.500 lượt nhân khẩu thiếu đói; giảm 75,3% về số lượt hộ và giảm 75,4% về số lượt nhân khẩu). Tai nạn giao thông tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả, giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giảm 12,4%, số người chết giảm 14,8%, số người bị thương giảm 15,2%). Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, thương tâm, gây bức xúc trong nhân dân. Thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 4 nghìn tỷ đồng.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Liên Hợp Quốc (GII) vừa công bố, năm 2020 ghi nhận năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vị trí thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng thuộc top 50 nền kinh tế đạt được tiến bộ đáng kể nhất trong bảng xếp hạng theo thời gian.

Chúng ta chỉ còn 4 tháng là kết thúc năm 2020. Tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế trong nước; nhưng khối lượng công việc vẫn còn lớn; khả năng hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ yêu cầu cần tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất; trong đó tiếp tục có biện pháp kích thích, thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.

Trong giai đoạn này, Thủ tướng chỉ đạo chú trọng củng cố trạng thái bình thường mới, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế; coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển KTXH. Cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là những nơi thường xuyên có tập trung đông người, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn. Trường hợp xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly gấp và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp, không để dịch bệnh lây lan rộng, nhưng cũng không cách ly, giãn cách rộng một cách không cần thiết, khiến người dân lo lắng, bất ổn do giãn cách xã hội.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về đề xuất cụ thể về chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động mất việc làm, giảm sâu về thu nhập trong thời gian tới; chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu vực kinh tế, tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

04/09/2020 19:23

Bộ Công an thông tin rõ hơn về sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung trong 3 vụ án

Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, vừa qua đã khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung. 

Trước đó Bộ Công an cũng đã thông báo ông Nguyễn Đức Chung liên quan đến một số vụ án, trong đó có vụ án chiếm đoạt tài liệu Mật thì có tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung làm nóng họp báo Chính phủ ảnh 2 Thiếu tướng Tô Ân Xô. Ảnh Mạnh Thắng.  

Vụ Nhật Cường đã xảy ra từ lâu, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can, trong đó Bùi Quang Huy bị khởi tố 4 tội danh. Bùi Quang Huy sử dụng pháp nhân Nhật Cường để buôn lâu điện thoại và các vật khát với giá trị trên 2000 tỷ đồng. Đối tượng sử dụng giấy tờ để trốn thuế, hơn 30 tỷ đồng

Trong đó, số hóa gói thầu ở Sở KHĐT Hà Nội, gây thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng. Trong vụ việc này cũng xác định cũng có trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Đối với việc sử dụng chế phẩm để xử lý ao hồ, nếu Hà Nội ký trực tiếp với phía Đức thì bình thường, nhưng ở đây lại ký qua một công ty khác. Do phải ký với đơn vị đó nên gây thất thoát 41 tỷ đồng. Với vai trò, trách nhiệm ông Chung cũng có trách nhiệm.

Sự việc này thu hút rất nhiều sự quan tâm song đề nghị dư luận không nên suy diễn, quy kết, ảnh hưởng đến người thân, gia đình ông Chung. Án tại hồ sơ, trọng chứng. 

04/09/2020 19:27

Phóng viên đặt câu hỏi: Việc liên kết, nâng khống giá trị thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai, nguyên lãnh đạo bệnh viện có liên quan thế nào? Việc liên kết ở các bệnh viện khác, Bộ Y tế có phương án sửa đổi ra sao, vì việc này có nguy cơ gây thất thoát lớn, ảnh hưởng đến người bệnh?

Thiếu tướng Tô Ân Xô: Việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Bệnh viện Bạch Mai, theo điều tra ban đầu có một số cá nhân có thủ đoạn gian dối, câu kết nâng khống thiết bị y tế.

Cụ thể, hệ thống rô bốt hỗ trợ thần kinh, nhập khẩu chỉ 7,4 tỷ, các đối tượng câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, người bệnh còn chi phí khấu hao chênh lệch 18 triệu đồng mỗi ca điều trị.

Cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, xử lý theo quy định, tướng Tô Ân Xô đề nghị đừng suy diễn, cứ chờ đợi cơ quan điều tra”. 

04/09/2020 19:34

Sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung làm nóng họp báo Chính phủ ảnh 3 Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT. Ảnh Mạnh Thắng.

Nhà đầu tư BOT gặp khó khăn vì không được tăng giá

Trả lời câu hỏi về những khó khăn của doanh nghiệp BOT khi doanh thu sụt giảm nếu không được cơ cấu? Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: 

Qua theo dõi các dự án BOT trong cả nước cho thấy nhiều hợp đồng thu sụt giảm so với dự kiến ban đầu. Theo định hướng chung của mục tiêu bình ổn giá thì có giảm giá đối với xe tải, rồi do COVID-19 nên lưu lượng giảm… Tất cả cái này thì Bộ GTVT cũng đã tham vấn các cơ quan liên quan. 

Trong trường hợp không được tăng giá thì cũng khó khăn cho nhà đầu tư, song cũng phải thực hiện bình ổn giá. Trước mắt, nhiều nhà đầu tư BOT đã phải huy động các nguồn khác để trả nợ. Bộ GTVT đã trình Chính phủ và sẽ tiếp tục báo cáo để Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo.

04/09/2020 19:57

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thông tin về chủ trương liên doanh, liên kiết tại các bệnh viện công lập hiện nay. 

Trước 1/1/2018, chủ trương về hoạt động tự chủ, tự hoạch toán, về chủ trương liên doanh, liên kết của các bệnh viện công thực hiện theo thông tư 15 năm 2007, có quy định việc thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật, thẩm định giá trị tài sản của thiết bị y tế trong liên doanh liên kết nguyên tắc là căn cứ theo kết quả đấu thầu tương tự, nếu chưa từng có hoạt động đấu thầu thì căn cứ theo tờ khai nhập khẩu.

Từ 1/12018 thì các bệnh viện được lựa chọn các đối tác liên doanh, liên kết theo mục 3, điều 47 Nghị định 101 với quy định các đơn vị sự nghiệp công lập phải công khai trên trang thông tin của mình, cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, của địa phương, trang thông tin của Cục quản lý tài sản công Bộ Tài chính… về các đối tác, các hoạt động liên doanh liên kết, về các thiết bị mua sắm… 

Sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung làm nóng họp báo Chính phủ ảnh 4 Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Ảnh Mạnh Thắng.

Căn cứ hồ sơ đăng ký liên doanh liên kết của tổ chức cá nhân, cam kết chịu trách nhiệm cá nhân với việc này thì cơ quan chức năng cấp phép cho hoạt động liên doanh, liên kết.

Thứ trưởng Cường nhấn mạnh, các văn bản nêu trên là cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động liên doanh, liên kết. 

Sau khi sự việc ở bệnh viện Bạch Mai được phát giác, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó có Bạch Mai để rà soát lại hoạt động liên danh, liên kết, điều chỉnh giảm giá các dịch vụ thực hiện trên máy đầu tư bằng nguồn vốn nhàn rỗi của hệ thống bệnh viện. 

Cụ thể, có 18 dịch vụ ở bệnh viện Bạch Mai về bằng mức giá khi thanh toán với cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã thực hiện thương thảo, đàm phán với các doanh nghiệp liên doanh liên kết để ban hành quyết định giảm giá dịch vụ. 

Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn chứng, dịch vụ với loại máy có mức giá 5 triệu đồng, xuống còn 4,3 triệu đồng/ca, máy có giá 28 triệu đồng thì giảm xuống còn 24 triệu đồng/ca. 

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế để xây dựng Chỉ thị về hoạt động liên doanh liên kết, sẽ chính thức ban hành trong tuần sau.

Trước đó, kết luận phần thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh, điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng cũng cho rằng, càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. Trong đó cần phải xác định chiến lược áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, “nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng”. “Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”, Thủ tướng nói.

MỚI - NÓNG