Sai lầm khi chăm con đầu lòng
> Chồng liên tục quan hệ với các chị hơn nhiều tuổi
> Giải tỏa thắc mắc thường gặp ở bà bầu
Các bà mẹ trẻ thường cố gắng cho con ăn nhiều cà rốt để tăng cường thị lực mà không biết rằng ăn nhiều loại củ quả có màu sẽ khiến da trẻ có xu hướng đổi thành màu giống với loại thức ăn đó.
Bác sĩ Cara Natterson, công tác tại Viện Hàn Lâm nhi khoa Mỹ, đúc kết 8 sai lầm phổ biến của những cha mẹ trẻ khi nuôi con đầu lòng như sau:
Ăn nhiều loại củ quả có màu sẽ khiến da của trẻ có xu hướng đổi thành màu giống với loại thức ăn đó. Ảnh minh hoạ: Kiddy. |
1. Đánh thức con trễ
Nhiều bà mẹ trẻ nghĩ rằng để con ngủ càng lâu càng tốt cho sức khỏe và trẻ sẽ bớt quấy khóc. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, nếu trẻ thức càng trễ sẽ dậy càng sớm và thức giấc mè nheo giữa đêm. Trẻ thường ngủ suốt đêm và dậy vào lúc 7h sáng. Một ngày, chúng ngủ khoảng 11-12 tiếng. Nếu cha mẹ không đánh thức trẻ sớm hơn 7h sáng mà để ngủ đến 8-9h thì tất cả những gì bạn nhận được là sự mệt mỏi. Buổi tối hôm sau bé sẽ ngủ không ngon nên thường thức dậy sớm và mè nheo trong khi cha mẹ đang ngủ.
2. Không dùng ngôn ngữ chuẩn để nói chuyện với trẻ
Nếu bạn nói chuyện với con theo kiểu “bi ba bi bô” thì trẻ sẽ hiểu ngầm rằng cha mẹ đang dùng ngôn ngữ nước ngoài để giao tiếp với mình. “Đứa trẻ sẽ cảm thấy chán nản khi phải học cách giao tiếp kiểu này. Mặt khác, nếu không sử dụng ngôn ngữ chuẩn khi nói chuyện với con trẻ ngay từ đầu tức là bạn đang bỏ lỡ cơ hội giáo dục và giao tiếp tích cực với con”, bác sĩ Natterson nhận xét.
Cũng theo bác sĩ, khi trò chuyện, cha mẹ không nên lo lắng rằng trẻ không thể hiểu được tiếng mẹ đẻ. “Con trẻ không cần hiểu hết từ bạn nói, chúng chỉ cần nghe nhịp diệu và nhìn khẩu hình miệng của bạn là đủ rồi”.
3. Cho ăn quá nhiều thực phẩm màu cam
Trong thành phần của các loại củ quả màu cam chứa lượng lớn beta caroten. Đây là tiền chất của vitamin A, giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, mắt sáng, ngăn chặn mù lòa, làm lành mạnh hóa hệ miễn dịch. Tuy nhiên, việc cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm màu cam như khoai lang, cà rốt và bí đỏ có thể làm cho da bé chuyển thành màu giống với loại thức ăn đó.
Trường hợp cá biệt, nếu cơ thể hấp thụ vượt ngưỡng 200 mg beta caroten trong một ngày sẽ gây ra chứng tăng beta caroten, xuất hiện những điểm vàng ở da như lòng bàn tay, lòng bàn chân, mu chân tay. Vì thế trong ăn uống, khi lựa chọn thực phẩm cần có chừng mực, tiêu thụ với lượng vừa đủ, và nên nhớ rằng "cái gì quá cũng không tốt".
4. Không đánh răng cho trẻ
Việc đánh răng cho trẻ cần được thiết lập như một tiền lệ từ sớm. Vệ sinh răng miệng đúng cách ngoài tác dụng bảo vệ răng nướu, còn giúp tăng cường sức khỏe cho bé. Bác sĩ Natterson khuyến cáo nên đánh răng cho bé 2 lần trong ngày, bắt đầu ngay khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện.
5. Chờ đợi sự cố đến mới tìm biện pháp bảo vệ
Nhiều cha mẹ chủ quan theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng", đợi đến khi con bị tai nạn mới tá hỏa tìm biện pháp khắc phục. Về điểm này, bác sĩ Natterson khuyến cáo: "Khi ngồi lên ôtô bạn nên cài dây toàn trước để phòng có tai nạn xảy ra”. Tương tự việc trang bị những chiếc cửa an toàn và ổ cắm điện bảo vệ trong nhà, nó có thể làm cho quá trình sử dụng trở nên bất tiện hơn nhưng đó chính là chiếc "dây an toàn" bảo vệ con bạn.
"Có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn ngay trong ngôi nhà của bạn. Nếu cứ chờ đợi cho đến khi tai nạn xảy đến với con rồi mới tìm cách giải quyết thì đã quá muộn. Hãy suy nghĩ vấn đề này, cần hành động ngay để giảm thiểu nguy cơ về sau", vị bác sĩ khuyên.
6. Đặt nhiều chăn gối vào nôi của bé
Những ông bố bà mẹ trẻ thường thích đặt vào nôi của con những gối, chăn, thú nhồi bông thật đẹp. Bác sĩ Natterson khuyên, không nên trang trí chiếc nôi quá cầu kỳ, càng không nên đặt nhiều vật dụng vào đó bởi những thứ này có thể gây nguy hiểm cho bé. "Trẻ sơ sinh có thể bị kẹt dưới một cái gối hoặc nghẹt thở khi bị cái chăn đè lên. Chiếc nôi hay xe đẩy nên là nơi an toàn cho bé hơn là nơi bày trí thời trang”, bác sĩ Natterson nói.
7. Quên bôi kem chống nắng cho trẻ
Cũng giống như đánh răng, việc dùng kem chống nắng là thói quen tốt cho sức khỏe, cần được thực hiện sớm và thường xuyên. Bác sĩ Natterson cho biết, hơn 80% thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời xảy ra trong đời người là ở thuở ấu thơ. Một trong trong những nguy cơ gây ung thư da chính là tia có hại xuất phát từ ánh nắng mặt trời.
“Tôi thường khuyên các bậc cha mẹ nên để kem chống nắng ngay bên cạnh kem đánh răng. Như thế sẽ nhắc bạn nhớ rằng ngay khi đánh răng xong, không quên bôi kem chống nắng cho trẻ. Bạn đừng nghĩ rằng khi bế trẻ ra đường chỉ cần đội một chiếc mũ là đủ”, bác sĩ Natterson, đồng thời là thành viên hội đồng quản trị của tổ chức Baby 2 Baby, nói.
8. Đưa trẻ đến nơi công cộng
Có thể bạn cảm thấy chán nản với việc bị "giam cầm" ở nhà với con trẻ. Vì thế bạn thường tranh thủ đưa con đi chơi ở nơi công cộng hay đi mua sắm để xả tress vào mỗi buổi chiều mát. Về điểm này, bác sĩ Natterson khuyên không nên đưa trẻ đến nơi công cộng vào giờ tan tầm. Đừng đưa trẻ đến trường khi bé chưa đến tuổi đi học. Hãy giữ bé tránh xa những đứa trẻ bị bệnh, đừng để một người đang bị sổ mũi đụng chạm đến bé.
Bạn nên nhớ rằng hệ thống miễn dịch của bé còn yếu, vì thế hãy luôn giữ đôi tay của mình sạch sẽ và cố gắng tránh xa đám đông. Thực ra con bạn cũng không thích những nơi xô bồ như thế. Chúng chỉ cần được ở nhà, nơi mà những nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, vui chơi có thể được đáp ứng một cách dễ dàng.
Theo Thi Trân
Healthyliving, Vnexpress