Chị Minh, phụ huynh Trường mầm non SC, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết: “Đi đón con về thấy giáo viên giới thiệu bộ lịch kèm truyện tranh có hình ảnh bắt mắt, giá chỉ 12.000 đồng mà phụ huynh nào cũng mua nên tôi cũng lấy một bộ. Ngoài ra còn có cuốn tập tô, tập vẽ, lịch năm mới giá cũng khá rẻ”.
Một phụ huynh khác cho biết con đòi thì mua thôi chứ không để ý nội dung truyện. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Phú Nhuận cho biết thời điểm trước tết là mùa cao điểm của các loại sách, truyện, lịch, tranh ảnh, đồ chơi, bút màu... vào trường mầm non, kèm các dịch vụ ăn theo như chụp ảnh học sinh làm lịch, chụp hình nghệ thuật.
Tiếp thị tại trường
"Để tiếp cận với trường học, các đại lý, nhà sách thường thông qua phòng giáo dục để đường đi của sách dễ hơn"
Ban giám hiệu nhiều trường tại TP.HCM cho biết thường xuyên nhận được những lời mời, thư ngỏ về việc ký gửi, bán sách, giới thiệu danh mục sách mới trong trường. Tại một trường học thuộc Q.5, TP.HCM, ban giám hiệu nhận được một tập tài liệu trong đó có bộ cẩm nang công thức cần ghi nhớ của các môn văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh tất cả các cấp học, được giới thiệu nằm trong Tủ sách Khuyến học, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia. Mỗi bộ cẩm nang có giá 20.000-25.000 đồng. Ngoài thư ngỏ gửi ban giám hiệu đề nghị được gửi bán bộ cẩm nang này tại thư viện và nhờ giáo viên giới thiệu đến học sinh, đơn vị ký gửi này còn in sẵn “danh sách học sinh đăng ký mua cẩm nang” kèm những lời giới thiệu về bộ cẩm nang này. Ban giám hiệu nhà trường cho biết “bộ cẩm nang này đã được cấp trên duyệt nên trường mới tiếp nhận”.
Ngoài các hình thức tiếp thị ngay trong trường, nhiều học sinh được chính giáo viên gợi ý về việc mua thêm các loại sách. Phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Khương Mai, Q.Thanh Xuân, Hà Nội kể: “Cô giáo yêu cầu con tôi phải mua thêm sách thực hành tiếng Việt và thực hành toán, với giá 12.500 đồng/cuốn”.
Nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM cho biết họ nhận được nhiều lời mời cộng tác của các công ty, đại lý, nhà sách với nhiều lựa chọn về quyền lợi như: tặng danh mục sách cho thư viện, tặng sách cho giáo viên, mời diễn giả tới nói chuyện về sách hoặc trả tiền mặt theo từng ngày (300.000-500.000 đồng/ ngày). Đổi lại, công ty hoặc đại lý này được kê sạp để giới thiệu và bán sách trong sân trường từ 3-5 ngày.
Tuy nhiên, một đại lý sách cho biết: “Nhiều trường hiện nay rất cảnh giác với những lời đề nghị này, do trước đây có một số công ty vào trường chào hàng những loại sách không phù hợp đối tượng học sinh. Vì vậy để tiếp cận với trường học, các đại lý, nhà sách thường thông qua phòng giáo dục để đường đi của sách dễ hơn”.
Cũng theo đại lý này, sách mang vào trường bán rất chạy nếu phù hợp thị hiếu học sinh, do hiện nay các em được cha mẹ cho tiền tiêu và trẻ con thì chỉ cần thích là đòi mua chứ không quan tâm đến giá cả, chiết khấu. Chính vì vậy những cuốn sách về thám tử Sherlock Holmes có giá tới 210.000 đồng hay cuốn Chuyện con trai, Chuyện con gái viết về cơ thể tuổi mới lớn rất được chuộng. Không chỉ sách, trường học cũng là nơi các công ty thiết bị trường học chào bán học cụ, đồ chơi, tranh ảnh, lịch... bởi những khách hàng dễ tính là phụ huynh và học sinh.
Ai hưởng?
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Gò Vấp, TP.HCM cho biết: “Hằng năm nhà trường được công ty sách thiết bị trường học giới thiệu các đầu sách giáo khoa và tham khảo. Mức chiết khấu các loại sách này là 5-10% cho bộ phận phân phối sách. Ngoài ra, các sách bổ trợ, tham khảo được các công ty sách khác đem tới ký gửi, có chiết khấu tới 20% cho trường. Riêng các sản phẩm khác như băng đĩa, phần mềm, bút viết... đều được chào mời với chiết khấu 10% và thêm 500.000 đồng cho người tổng hợp danh sách học sinh đăng ký. Thường các trường chia phần chiết khấu này cho giáo viên chủ nhiệm”.
Trong khi đó, một giáo viên từng có ba năm làm công tác thư viện ở một trường THCS lại tiết lộ: “Hằng năm cán bộ thư viện sẽ tham mưu để ban giám hiệu duyệt các đầu sách bổ sung cho thư viện. Thường trường sử dụng kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học và khoản hỗ trợ từ quỹ phụ huynh để xây dựng tủ sách thư viện. Các công ty sách thường chào mời: nếu đồng ý mua sách của họ thì cứ mỗi 10 triệu đồng, chiết khấu sẽ là 2 triệu đồng”.
Chiết khấu đến 65%
Ông T.B., một người chuyên viết sách tham khảo tại TP.HCM, cho hay: “Hiện nay có rất nhiều loại sách tham khảo dành cho học sinh nhưng không được biên soạn kỹ mà cắt ghép, sưu tầm là chính. Thường những sách này phân phối nhanh nhất qua con đường thư viện trường hoặc qua giáo viên và tất nhiên có tỉ lệ ăn chia trong việc phân phối đó. Điều đó dẫn đến thư viện, giáo viên có thể giới thiệu những loại sách không thật sự tốt cho học sinh. Hiện trên thị trường có những loại sách in lậu báo giá rất cao nhưng chiết khấu lên tới 65%”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các đại lý sách thì hiện nay mức chiết khấu cho sách tham khảo, sách bài tập, sách dành cho lứa tuổi học sinh hết sức phong phú, thường dao động 20-32% cho người phân phối. Nếu là sách của các công ty tư nhân thì mức chiết khấu có thể lên đến 50-60%. Đặc biệt là nếu người phân phối “mua đứt” (không được trả về, thanh toán ngay bằng tiền mặt) thì mức chiết khấu càng cao. Vì vậy không tránh khỏi tình trạng kinh doanh sách và thiết bị ngay trong trường học, đặc biệt là thông qua giáo viên và hệ thống thư viện.
Với mức chiết khấu cao, các nhà trường sẵn lòng làm dịch vụ cho công ty sách. Và để có nhiều học sinh mua sách bổ trợ, sách tham khảo, nhà trường, giáo viên có nhiều cách khéo léo để vận động, tư vấn, khuyến khích học sinh mua sách.
Công văn chiết khấu
Tại một công văn của Công ty Sách thiết bị và xây dựng trường học Hà Nội (Habook) gửi các trưởng phòng giáo dục, hiệu trưởng trường học, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội đã khẳng định nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, Habook đã phối hợp với các phòng GD-ĐT quận, huyện, các nhà trường, trung tâm giáo dục thường xuyên để phát hành sách.
Theo công văn trên, Habook chiết khấu cho đơn vị nhận phát hành sách (nhà trường, phòng giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên) 15% giá trị thanh toán (theo giá bìa) đối với sách bổ trợ, tự chọn tiểu học, tự chọn THCS, sách bổ trợ bậc THPT là 12%, các loại sách bài tập, bản đồ 19%, sách tham khảo của NXB Giáo Dục là 24%, còn sách tham khảo của các NXB khác là 32%, bộ vở thực hành luyện viết tiếng Việt, tiếng Anh 32%, vở ô li của Habook 12%, thiết bị dạy học dùng cho học sinh 17%.
Theo Lưu Trang – Đặng Ngọc – Vĩnh Hà
Tuổi trẻ